Trăn trở cùng người Cờ Lao ở Xà Ván
HGĐT- Con đường độc đạo len lỏi giữa bạt ngàn đá dẫn chúng tôi vào đến thôn Xà Ván, xã Phú Lũng (Yên Minh) khi trời đã xế chiều, từng vệt mây xám án ngự về phía núi báo hiệu thời tiết không thuận lợi. những căn nhà trình tường lặng lẽ nép mình dưới chân núi nặng mùi ẩm thấp được bao bọc bởi những dãy tường rào như muốn biệt lập với thế giới bên ngoài. Bức tranh ấy đã phản ánh rõ nét cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, khép kín của 16 hộ dân người Cờ Lao nơi đây.
Ngôi nhà của người Cờ Lao đượckhép kín bởi tường rào và nép mình lặng lẽ phía sâu trong núi. |
Đeo đẳng cái nghèo...
Thôn Xà Ván hiện có 49 hộ, với 82 nhân khẩu, trong đó có 16 hộ người dân tộc Cờ Lao. Là thôn điểm của xã Phú Lũng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nên thời gian qua, cuộc sống của người dân Xà Ván đã có nhiều sự thay đổi. Cơ sở vật chất về nhà văn hóa thôn, điểm trường, đường bê tông, nhà vệ sinh, được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều hộ dân đã biết làm kinh tế, trồng rau, chăn nuôi bò, dê và vươn lên thoát nghèo, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên rõ nét... Tuy nhiên, ở phía sâu trong những dãy núi, có 16 hộ người dân tộc Cờ Lao vẫn khép mình trong sự trôi đi chậm rãi của nhịp sống và thời gian.
Phải mất gần một giờ đồng hồ chờ đợi ở cổng vào, chúng tôi mới gặp được ông Cáo Tờ Sần, mặc dù đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hàng ngày, đôi chân khỏe mạnh của Lão vẫn leo núi đến tối mịt mới về. Mở cánh cổng được buộc chặt bằng đủ loại dây rừng, một thế giới khác thật sự khiến những người có mặt không khỏi ái ngại. Chúng tôi vào nhà bằng những viên đá xếp thành lối đi để tránh bùn, là kết quả của những ngày mưa trước đó. Ngôi nhà ẩm thấp, chật chội, trống trơ vì chẳng có thứ đồ đạc nào giá trị, nền nhà đất gồ ghề, lồi lõm, con người sống gần với cả chuồng trại chăn nuôi. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong cái chập choạng của hoàng hôn, dòng điện không đủ để chiếu sáng mặt người ngồi đối diện... Anh Chẻo Vần Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Xà Ván vào vai người phiên dịch. Từ đây những câu chuyện về người Cờ Lao ở Xà Ván được già Sần giãi bày, tâm sự: Là thôn biên giới của xã Phú Lũng với đường biên trải dài khoảng 2 km, “Không biết từ bao giờ, người Cờ Lao đã có mặt và sinh sống nơi này, chỉ nghe kể rằng ngày trước người Cờ Lao sống rải rác ở vùng biên, sau dần rồi chuyển về tập trung ở đây và sống cho đến bây giờ...”, già Sần bắt đầu câu chuyện bằng sự hoài niệm về quá khứ của người Cờ Lao như thế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Cờ Lao sống rải rác ở các xã vùng biên của huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì..., dân số chỉ khoảng 2000 người. Phần lớn người dân tộc Cờ Lao không nói được tiếng phổ thông, tỷ lệ người mù chữ vẫn còn cao, các vấn đề về giáo dục, y tế, văn hóa chưa được người dân quan tâm. Nền kinh tế của họ lạc hậu và kém phát triển, mang nặng tính tự cung tự cấp... Ở Xà Ván, sản phẩm nông nghiệp của người Cờ Lao hôm nay, ngoài đặc sản ngô, đã có thêm đậu tương, các loại rau và chăn nuôi lợn, gà... nhưng tất cả chỉ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của từng gia đình. Mặc dù sống gần với người Mông, người Dao năng động trong cách làm ăn, buôn bán, nhưng nền kinh tế của người Cờ Lao nơi đây chỉ quẩn quanh trong mỗi bức tường rào, mỗi khoảnh nương nhỏ của gia đình. Khi được hỏi về đời sống của mình, già Sần chậm rãi bày tỏ: “Từ xưa đến nay, người Cờ Lao vẫn quen sống khép mình như thế rồi, giờ nghe theo chủ trương của Đảng nên cũng đã xóa bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, nhưng để hòa nhập được với cộng đồng trên các lĩnh vực thì người Cờ Lao cần nhiều hơn sự quan tâm của toàn xã hội...”.
Bài toán thu hẹp khoảng cách.
Câu chuyện của già Sần khiến cho không khí trong căn nhà vốn đã ẩm thấp lại như thêm bị chùng xuống khi bất giác già Sần nhắc đến tương lai: “Suốt đời tôi đi theo Đảng, nghe theo Đảng để bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, vận động người dân phát triển kinh tế nhưng người Cờ Lao ít quá, lớp trẻ bây giờ càng ngày càng không biết đến phong tục, nét văn hóa của dân tộc mình, sợ rằng trong tương lai, văn hóa của người Cờ Lao chỉ còn trong sách vở...”. Già Sần năm nay đã hơn 80 tuổi và có 50 năm tuổi Đảng, là một người con của dân tộc Cờ Lao kiên trung với Đảng, đi đầu trong việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và kìm hãm sự phát triển của xã hội. Nhưng thực tế, điều mà già Sần mong muốn vẫn còn ở phía xa. Đời sống của người Cờ Lao ở Xà Ván vẫn đói nghèo và lạc hậu. Trong xu thế hội nhập và phát triển hôm nay, nét văn hóa ít ỏi của người Cờ Lao đang dần bị mai một. Chỉ có 16 hộ dân, sống biệt lập sâu trong lòng núi, người Cờ Lao ở Xà Ván không có nét văn hóa đặc sắc nổi trội. Tiếng nói, trang phục đang dần bị đồng hóa với các dân tộc “láng giềng”. Địa bàn cư trú của họ tương đối khắc nghiệt là những vùng núi cao, sâu, ở đây điều kiện về giao thông, đất đai, khí hậu đều gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó là trình độ, nhận thức và nếp sinh hoạt “cũ” khiến cho khoảng cách giữa họ với các dân tộc khác ngày một xa hơn.
Để bảo tồn văn hóa và kéo gần khoảng cách ấy, Ngày 26.9.2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1672/QĐ – TTG về việc phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”. Đây là những dân tộc rất ít người, chỉ dưới 10.000 người, đang có nguy cơ mai một và tụt hậu về kinh tế do điều kiện địa hình cư trú khắc nghiệt, kinh tế kém phát triển, đói nghèo và lạc hậu. Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào 4 dân tộc này phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn và biên giới Quốc gia. Từ đây, sẽ mở ra một tương lai mới giúp người dân Cờ Lao vươn lên thoát nghèo.
Anh Nguyễn Đình Dy, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lũng, người đã tích cực đưa Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về với đồng bào Cờ Lao chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người Cờ Lao đã có nhiều thay đổi so với trước. Tuy nhiên, nền kinh tếtự cung tự cấp, và lối sống khép kín từ lâu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của họ nên việc giúp người dân phát triển kinh tế - văn hóa gặp rất nhiều khó khăn. Lồng ghép vào chương trìnhxây dựng nông thôn mới, xã sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cùng với cấp trên để giúp họ thoát nghèo đồng thời bảo tồn những nét văn hóa riêng biệt của người Cờ Lao”.
Câu chuyện dài về cuộc sống của người Cờ Lao ở Xà Ván được nối tiếp mãi đến chiều muộn, chúng tôi men theo triền đá để ra phố huyện trên những bước chân nặng trĩu. Phía sau lưng, một màu xám của đá, của trời chiều mù sương và cả nỗi niềm trăn trở: Người Cờ Lao bao giờ thoát nghèo?
Ý kiến bạn đọc