Những tín hiệu vui từ Phiêng Luông
HGĐT- Câu chuyện của một người dân Bắc Mê kể về những khó khăn, vất vả của vùng đất Phiêng Luông mà tôi tình cờ nghe được trong chuyến công tác đầu năm đã khiến người nghe phải nghẹn ngào, trăn trở. Mang theo nỗi niềm ấy, tôi quyết định về thăm Phiêng Luông ngay trong một ngày mưa phùn, gió rít. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây mới thấy hết được sức sống mãnh liệt của đồng bào mình, trong gian khó vẫn cố gắng để vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Người dân Phiêng Luông xay đá làm đường. |
Khó đủ đường
Đó thật sự là một nơi xa xôi nhất của huyện Bắc Mê, được khai sinh năm 1997 khi tách ra từ xã Yên Cường. Đã 15 năm trôi qua mà Phiêng Luông giờ đây vẫn còn lặng lẽ giữa bạt ngàn rừng núi. Tuyến đường từ xã Yên Cường vào Phiêng Luông có chiều dài khoảng 15 km, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011, nhưng cho đến nay vẫn ngổn ngang đá núi, bùn đất. Suốt từ trong tết, mưa phùn thường xuyên khiến con đường đất vào Phiêng Luông trơn trượt, thách thức những tay lái cự phách. Sau nhiều giờ đồng hồ vật lộn với con đường “chiến lược” này, trụ sở UBND xã Phiêng Luông hiện ra trơ trọi bên dốc núi, tường rào bao quanh và sân láng xi măng vẫn còn dang dở do thiếu vật liệu, ngôi nhà hai tầng khiêm tốn không đủ để phục vụ nhu cầu làm việc,phần lớn các phòng làm việc của các ban, ngành, đoàn thể vẫn còn là nhà tạm vách nứa, tối tăm. Đường giao thông nội xã chưa được đầu tư, xây dựng, chỉ mới có 2/4 thôn có nhà văn hóa. Chợ phiên họp mỗi tuần một lần ngay cổng UBND xã làm ách tắc giao thông và mất mỹ quan công sở, gây ô nhiễm môi trường. Trường học vẫn còn liên cấp, ngôi trường chung của các cấp học cũng nằm chênh vênh bên sườn núi khiến cho cái lạnh của Phiêng Luông cảm giác như càng “đậm” hơn. Việc học chung giữa các cấp khiến cho công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục không đảm bảo.
Là một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Mê, với 100 % đồng bào người Mông sinh sống, Phiêng Luông không chỉ khó trong xây dựng cơ sở vật chất mà đời sống và điều kiện để phát triển kinh tế cũng gặp nhiều trở ngại. Toàn xã chỉ có 4 thôn bản, với 215 hộ dân chủ yếu sống rải rác ở các vùng đồi núi cao nên diện tích đất phục vụ cho nông nghiệp ít. Toàn xã chỉ có 32 ha diện tích đất trồng lúa, sản phẩm nông nghiệp chủ đạo vẫn là cây ngô với diện tích 235 ha, cây đậu tương 323 ha, khoảng 100 ha rau đậu các loại và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, do thời tiết ở Phiêng Luông khắc nghiệt, mùa đông lạnh hơn ở các vùng khác nên năng suất và sản lượng các loại cây trồng không cao, trâu bò có nhiều nguy cơ bị chết do rét và dịch bệnh. Đời sống của người dân vẫn mang tính tự cung tự cấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, các vẫn đề về văn hóa, giáo dục, y tế vẫn chưa được chú trọng, tỷ lệ sinh còn cao.Năm 2011, Phiêng Luông có 146 hộ nghèo, chiếm gần 68 % dân số, 52 hộ cận nghèo chiếm 23 % và có 10 % nhà ở của dân là nhà tạm cần xóa. Nhiều nhóm hộ chưa có điện lưới. Được anh Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã dẫn đường, tôi đã “mục sở thị” tại một số con đường liên thôn và thăm nhiều hộ gia đình, tôi cảm nhận được sự nghèo khó của họ trong từng vách nhà trình tường trống trơn vì chẳng có lấy một món đồ nào giá trị. Anh Ngọc chia sẻ: “Người dân Phiêng Luông chăm chỉ làm ăn nhưng khó khăn về điều kiện phát triển nên cuộc sống vẫn nghèo... ”.
Những tín hiệu vui
Trở lại trung tâm xã, tôi chợt nhận ra phía lưng chừng dốc, những cành đào xuân nở muộn đang khoe sắc hồng. Một nhóm người đang hỳ hục mang đá góp thành đống bên vệ đường mặc cho mưa phùn, gió rít. Anh Ngọc động viên họ những câu nói bằng tiếng Mông mà tôi không hiểu được, chỉ cảm nhận trên khuôn mặt khắc khổ của họ hiện rõ một niềm vui.
Nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi, anh Ngọc tiếp lời: “Chúng tôi được cấp trên đầu tư một máy xát đá, người dân tự góp đá hộc để làm đường. Họ đã góp được 1.640 khối cát sỏi, 450 khối đá hộc, 100 khối đá xát 1-2 để làm đường bê tông liên thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ chờ xi măng về, người dân sẽ bỏ ngày công để làm...”. Vậy là người dân Phiêng Luông sắp có đường bê tông nội thôn để đôi chân đi đỡ vất vả. Có 18 hộ dân thuộc đường vành đai của thôn Phiêng Luông cũng đã đăng ký thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số hộ gia đình biết tận dụng đặc điểm của khí hậu nơi đây để phát triển trồng các loại rau quả, tuy quy mô chưa nhiều và chỉ trồng mang tính tự phát nhưng cũng đã một phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, Phiêng Luông đã làm tốt công tác vận động người dân sống hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường nên đã có đến gần 70 % hộ dân di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Phát triển chăn nuôi trâu bò nhốt gắn với trồng cỏ để phát triển kinh tế. Toàn xã có 796 con trâu bò với 23 ha cỏ chăn nuôi. Theo thông tin tôi nhận được từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Mê, xã Phiêng Luông là một trong những xã được chọn để đầu tư trồng cây dong riềng trên diện tích 8,8 ha. Hy vọng đây là những tín hiệu vui mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài giúp người dân Phiêng Luông thoát nghèo.
Mang những điều được mắt thấy, tai nghe về cuộc sống của người dân Phiêng Luông trao đổi với ông Vi Hữu Cầu, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê, tôi nhận được nỗi niềm trăn trở: “Phiêng Luông là xã còn gặp nhiều khó khăn, sắp tới huyện sẽ có nhiều chương trình giúp người dân ở đây phát triển kinh tếbền vững gắn với thế mạnh của địa phương như: Chăn nuôi trâu bò nhốt, trồng cây dong riềng, cây lanh, đồng thời với lợi thế khí hậu mát mẻ sẽ tập trung phát triển trồng rau quả để nơi đây trởthành vành đai thực phẩm của huyện, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại, nét văn hóa truyền thống của đồng bảo Mông để thu hút nhiều du khách vào tham quan...”.
Chuyến ghé thăm Phiêng Luông đầu năm nhiều kỷ niệm, tôi mang theo trong mình hình ảnh về một vùng đất hứa... Như cánh hoa đào vẫn khoe sắc trong tiết trời lạnh giá. Hy vọng một tương lai đầm ấm và đủ đầy hơn sẽ đến với người dân, để Phiêng Luông không đeo đẳng mãi nỗi... nhọc nhằn.
Ý kiến bạn đọc