Hàng vạn thanh niên nhập ngũ: Ước nguyện biên giới, hải đảo
Sáng 7-2, hàng vạn thanh niên thế hệ 9X từ nhiều miền quê trong cả nước lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều bạn tình nguyện làm chiến sĩ lên biên giới, ra hải đảo để được trải nghiệm, trưởng thành.
Nữ sinh huyện Thạch Thất (Hà Nội) tặng hoa cho tân binh trước giờ tòng quân. |
Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 1 cho biết, để tạo nguồn cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số cho vùng sâu, vùng xa, các địa phương chú trọng tuyển chọn thanh niên dân tộc có sức khỏe, phẩm chất tốt và có tri thức.
Là người dân tộc Mông, tân binh Thào Văn Dũng ở xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, tâm sự: "Mình muốn làm bộ đội để học nhiều cái hay, đầu mình sáng ra. Mình vừa được học lớp cảm tình Đảng đấy".
Tạm gác ước mơ thi ĐH, Hoàng Anh Tuấn, dân tộc Tày, quê ở xóm Bản Cọ (xã Quy Kỳ, Định Hoá, Thái Nguyên) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tuấn cũng rất vui vì được chọn học lớp đối tượng Đảng trước khi vào quân ngũ. Hứa với bố mẹ và bạn gái sau khi hết nghĩa vụ quân sự sẽ vào ĐH, Tuấn tự tin và chững chạc hơn trong bộ quân phục còn nguyên nếp gấp.
Những năm gần đây, có thêm nhiều thanh niên có trình độ cao tình nguyện vào bộ đội để rèn luyện sức khoẻ, cách sống có kỷ luật và mong muốn được ra tuyến đầu biên cương, hải đảo.
Tất cả 220 tân binh của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nhập ngũ trong dịp này đều bày tỏ tinh thần phấn chấn, sẵn sàng lên đường đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Các chiến sĩ được lựa chọn vào Quân chủng Hải quân bày tỏ được ra Trường Sa và Nhà giàn DK1, mong muốn góp sức trẻ của mình bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trải nghiệm, trưởng thành
Trước khi vào quân ngũ, Nguyễn Ngọc Long là nhân viên của Tổng Cty Điện lực Hà Nội. Ngày lên đường, chàng trai Hà thành có nụ cười duyên như con gái này cho biết, được đến thăm đơn vị trước khi nhập ngũ (Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3) thấy doanh trại khang trang, sạch đẹp, cán bộ, chỉ huy thân tình nên Long và những tân binh đến từ quận Hoàn Kiếm rất yên tâm. "Gia đình chúng tôi tin rằng cháu sẽ trưởng thành hơn trong môi trường quân ngũ, trở thành một người đàn ông thực thụ", chị Trần Hồng Hạnh, mẹ của Long tâm sự.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Sinh, Chính trị viên Ban CHQS quận Hoàn Kiếm, việc tổ chức cho 76 thanh niên có lệnh gọi nhập ngũ đợt này cùng người thân lên đơn vị nhận quân tham quan, giao lưu nhằm tạo yên tâm về mặt tư tưởng cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ, đồng thời tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân.
Đợt I-2012, 16 quận, huyện, thị xã thuộc Thủ đô Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu giao 2.500 tân binh cho 16 đầu mối đơn vị nhận quân trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó, 61% tân binh có sức khoẻ loại 1 và 2; trình độ ĐH, CĐ chiếm 4%, THPT là 70%; tỷ lệ viết đơn tình nguyện là 22%...
Trong tổng số hơn 1.000 thanh niên ở tỉnh Vĩnh Phúc nhập ngũ sáng qua, có 63% viết đơn tình nguyện. Dù còn thiếu 4 tháng nữa mới tròn 18 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Đỗ Minh Thành (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) vẫn viết đơn bày tỏ mong muốn trở thành một quân nhân chuyên nghiệp, sẵn sàng đi tới bất kỳ nơi đâu. Còn tân binh Nguyễn Văn Long (huyện Tam Dương), mẹ bị bệnh hiểm nghèo, bố không có công việc ổn định, bản thân là lao động chính, nhưng vẫn vui vẻ nhận lệnh chờ ngày lên đường.
Sẵn sàng luyện quân
Trong khi đó, các đơn vị tiếp nhận đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, đảm bảo khi tân binh về là nhanh chóng ổn định, bố trí nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, huấn luyện được ngay. Trung tá Huỳnh Văn Ngon, Chính uỷ Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9, cho biết, năm nay trung đoàn sẽ đảm nhiệm huấn luyện hơn 500 tân binh đến từ tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long. Được giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác quan trọng này, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20 đã tổ chức tập huấn cán bộ; Hệ thống giáo án, mô hình học cụ đã chuẩn bị đầy đủ.
Lần đầu tiên tham gia huấn luyện chiến sĩ mới, trung sỹ Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Tâm thể hiện rõ quyết tâm. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình giúp tân binh nhanh chóng thích nghi với đời lính".
Ý kiến bạn đọc