Chuyện ghi ở vùng chè Shan cổ thụ Phìn Hồ
HGĐT- Là thôn vùng cao và xa nhất của xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) những Phìn Hồ lại là nơi có nhiều hộ khá, ít hộ nghèo nhất xã. Có được cuộc sống sung túc, khấm khá là do người dân nơi đây biết khai thác những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, đặc biệt là nguồn lợi từ diện tích cây chè Shan tuyết cổ thụ mà ông cha để lại đến nay đã hàng trăm năm tuổi.
Đường lên thôn Phìn Hồ còn nhiều khó khăn |
Mất hơn tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt gần 11 km đường đất dốc từ trung tâm xã Thông Nguyên lên tới đỉnh núi Pìn Hò, nơi sinh sống của 44 hộ người dân tộc Dao thôn Phìn Hồ. Trung tâm thôn tọa lạc trên độ cao hơn 1.000 mso với mặt nước biển và nằm gọn trong một lòng chảo bằng phẳng bao quanh là rừng. Với điều kiện tự nhiên đó nên khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm, nhất là nơi đây không sợ thiếu nước vì con suối chảy qua thôn không bao giờ cạn. Trưởng thôn Đặng Quốc Tứ cùng Bí thư Đoàn xã Lý Láo Hào dẫn tôi đi một vòng quanh thôn, vừa đi chúng tôi vừa trò chuyên về sự phát triển kinh tế, văn hóa và cả những điều còn chăn trở ở thôn vùng cao này.
Đây quả thật là vùng đất của cây chè Shan tuyết cổ thụ, chè có mặt ở khắp thôn và cây nào cũng to, tán rộng. Điều đặc biệt là chè Shan cổ thụ ở Phìn Hồ mọc tập trung thành vườn, có hàng, có lối chứ không mọc rải rác, thưa thớt như nhiều vùng chè Shan cổ thụ khác trên địa bàn tỉnh. Thôn có tổng số gần 50 ha chè Shan tuyết cổ thụ. Bí thư Đoàn xã Lý Láo Hào, người sinh ra, lớn lên trên vùng đất này nên anh hiểu khá rõ về cây chè Shan cổ thụ trên quê hương mình, anh bảo: “ Thế hệ trước tôi và thế hệ tôi khi sinh ra thì trong thôn đã có vườn chè cổ thụ mọc từ khi nào không biết. Người già trong thôn bảo cây chè Shan cổ thụ ở đây có tuổi đời từ 50 đến 150 năm. Cây chè Shan cổ thụ gắn bó với mỗi người dân từ khi sinh ra nên ai cũng có ý thức gìn giữ, chăm sóc và coi chúng như một nét văn hóa không thể thiếu của người Dao thôn Phìn Hồ. Được gìn giữ, chăm sóc và lại mọc trên đỉnh núi cao gần như quanh năm mây mù bao phủ nên chất lượng chè búp tươi ở đây luôn giữ vị thơm ngon và tinh khiết”. Nhờ những nét đặc trưng như vậy nên chè Shan cổ thụ Phìn Hồ đã có tiếng là thêm ngon và được nhiều người biết đến từ rất lâu. Tuy nhiên, trước kia, do đường xá quá khó khăn, người dân nơi đây chưa biết tận dụng thế mạnh của cây chè Shan địa phương nên sản lượng chè bán ra thị trường còn rất hạn chế, thu nhập của bà con từ cây chè cũng không đáng là bao. Cho đến năm 2008, với quyết tâm bảo tồn, duy trì vườn chè Shan cổ thụ cũng như nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xã Thông Nguyên cùng bà con thôn Phìn Hồ đã cùng chung tay thành lập HTX Chế biến chè Phìn Hồ. Trưởng thôn Đặng Quốc Tứ cho biết: “ Từ khi thành lập HTX, cây chè Shan cổ thụ của thôn không những được gìn giữ, chăm sóc tốt hơn mà nó còn là nguồn thu nhập cao cho bà con trong thôn. Nguyên nhân là HTX hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật chăm sóc chè, kỹ thuật thu hái, chế biến nên cây chè phát triển tốt và cho sản lượng cao hơn trước. Sản phẩm làm ra được thu HTX đảm bảo tiêu thụ với giá thu mua ổn định nên đời sống của bà con cũng được nâng lên. Trong mấy năm gần đây, sản lượng chè khô của cả thôn đạt khoảng 30 tấn/năm. Tính theo giá thu mua chè khô của HTX năm ngoái là 80 triệu/tấn thì cả thôn có nguồn thu 2,4 tỷ đồng. 44 hộ dân trong thôn đều có chè, hộ ít thì vài mẫu, hộ nhiều thì có gần 2 ha. Do đó, nguồn thu từ cây chè hộ cũng có, hộ ít thu từ 15 đến 20 triệu/năm, hộ nhiều thu từ 80 đến 100 triệu/năm.”. Cây chè Shan cổ thụ thực sự là cây mang lại nguồn lợi kinh tế khá cho bà con trong thôn, tuy nhiên, đây không phải là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn duy nhất của Phìn Hồ bởi nơi đây còn có 33 ha ruộng lúa nước; đồi rừng rộng để phát triển chăn nuôi gia súc và trồng thảo quả. Trưởng thôn Đặng Quốc Tứ cho biết: “ 100% hộ dân luôn đảm bảo lương thực ăn quanh năm vì bà con biết trồng lúa giống mới kết hợp với thâm canh nên năng suất lúa bình quân năm nào cũng đạt từ 50 đến 55 tạ/ha. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển mạnh, hộ nào cũng nuôi trâu, nuôi dê, nuôi lợn. Đến nay, 44 hộ dân trong thôn đang sở hữu đàn trâu gần 200 con; đàn lợn trên 400 con; đàn dê gần 100 con còn gia cầm thì không kể. Không dừng lại ở đó, một số hộ trong thôn tận dụng đất rừng quanh thôn để phát triển 15 ha cây thảo quả, loại cây cho kinh tế rất cao mà một số xã lân cận đang phát triển tốt”. Nhờ nguồn thu từ cây chè, trồng lúa, chăn nuôi nên cuộc sống của người dân trong thôn khấm khá hơn trước. Nhiều hộ đã trở nên khá giàu nhờ vào cây chè và chăn nuôi gia súc, tiêu biểu như gia đình chị Triệu Mùi Chản, anh Triệu Văn Quắng, Lý Chòi Chìu mỗi năm thu nhập trên dưới 100 triệu đồng… Cả thôn hiện có 4 hộ giàu, 8 hộ khá và chỉ còn 3 hộ nghèo theo tiêu trí mới, nguyên nhân nghèo do mới tách hộ từ đầu năm. Thôn quyết tâm xóa hết hộ nghèo trong năm 2012.
Trung tâm thôn Phìn Hồ nằm trong lòng chảo bao quanh là rừng nú |
Đầu năm nay, người dân thôn Phìn Hồ đón nhận niềm vui, niềm tự hào khi huyện, xã chọn thôn để xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu người dân tộc Dao gắn với xây dựng nông thôn mới. Phìn Hồ là thôn vùng cao và xa nhất xã, tuy nhiên đây là thôn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt là số nghệ nhân dân gian ở thôn còn rất đông. Mặt khác, phong cảnh và vị trí địa lý nơi đây rất đẹp, đó là điều kiện rất thuận lợi để thu hút khách du lịch. Một yếu tố quan trọng khác là kinh tế của các hộ khấm khá nên có nhiều điều kiện để cùng với nhà nước thực hiện các tiêu chí làng văn hóa du lịch gắn với nông thôn mới. Vui là được xã, huyện chọn xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu nhưng trưởng thôn Đặng Quốc Tứ vẫn còn nhiêu băn khoăn, trăn trở, anh bảo: “ Huyện, xã tin tưởng chọn thôn để xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới, bà con vui và đồng tình ủng hộ chủ trương với quyết tâm cao. Dù vậy, thôn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được sự quan tâm của huyện, xã để có thể phát triển toàn diện hơn. Trước hết là đường lên thôn cũng như đường vào các hộ chưa được bê tông hóa nên rất khó khăn trong việc đi lại. Đặc biệt là tình trạng vệ sinh môi trường nơi đây còn rất yếu kém do bà con chăn thả gia súc bừa bãi. Tình trạng vệ sinh môi trường yếu kém thôn sẽ họp bà con để giải quyết, tuy nhiên chúng tôi mong muốn xã, huyện giúp hỗ trợ xi măng để bà con đóng góp tiền, công lao động làm đường bê tông lên thôn, làm đường vào từng hộ gia đình. Cùng với đó là giúp thôn xây dựng quy hoạch chi tiết để bà con có cơ sở thực hiện các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch, xây dựng nông thôn mới”.
Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với nông thôn mới, Phìn Hồ vẫn còn nhiều việc cần làm, có cả những khó khăn cần giải quyết. Tin tưởng rằng, với nền tảng kinh tế vững chắc, văn hóa đặc sắc công với tinh thần đoàn kết, người dân nơi đây sẽ thành công trong việc xây dựng Phìn Hồ thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu của người dân tộc Dao gắn với xây dựng nông thôn mới. Phìn Hồ sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong tương lai và đó cũng là cơ hội để bà con nơi đây phát triển hơn về kinh tế, xã hội.
Ý kiến bạn đọc