Nhiều hình ảnh không đẹp trong ngày ông Táo lên trời
HGĐT- Có lẽ ít có tục lệ nào được duy trì và thực hiện đầy đủ như tục cúng ông Công, ông Táo và thả cá Chép vào ngày 23 tháng chạp. Năm nào cũng vậy, hình ảnh người dân đổ ra hai bờ sông Lô để thả cá chép tạo nên không khí Tết thật đầm cho thành phố Hà Giang.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp của một tục lệ đẹp, vẫn còn rất nhiều những hình ảnh không đẹp trong ngày ông Công, ông Táo lên trời.
Hai bên bờ sông Lô, năm nay ghi nhận một lượng người rất lớn đến thả cá chép. Đa phần là những người còn trẻ và trẻ em, ai cũng háo hức đem túi cá chép vàng đi thả. Rất nhiều những gia đình đã ý thức đựng cá chép vào các hộp nhựa, bình thủy tinh, sau khi thả cá xong thì thu gom bình, túi đựng mang về nhà. Nhưng, rất nhiều người khi đến bờ sông lại quẳng cả túi đựng cá ra sông khiến những chú cá ngấp ngoảy trong túi, không biết đường bơi ra. Nhiều hộ thả cá xong cũng vứt luôn túi xuống sông cùng với vàng hương đã hóa khiến dòng sông trôi đầy rác túi ni lông lẫn vàng hương rất ô nhiễm. Những chú cá chép vàng lẫn trong tro hương cứ ngắc ngoải bên dòng nước đục ngầu. Lượng người thả cá, thả vàng hương xuống sông nhiều khiến cho hai bên bờ cũng có rất nhiều rác ni lông. Nhiều người còn đứng trên cầu Yên Biên II tung cả vàng hương, cá chép xuống sông, không biết với độ cao mấy chục mét ấy, liệu cá chép có bình an để đưa các táo lên trời hay không!?
Trong số những người đi thả cá, chúng tôi bắt gặp anh Văn Tấn, một cán bộ đang công tác tại Tỉnh ủy đưa con cùng đi thả cá chép, khi thả xong anh tấn đã dặn cậu con trai phải mang túi về cho vào thùng rác, tránh gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ riêng anh Tấn, có không ít các em học sinh cũng có ý thức thả cá hợp vệ sinh và thu gom rác, không vứt xuống sông. Điều đặc biệt là rất nhiều gia đình muốn con trẻ được vui Tết cho con nhỏ cùng đi thả, nhưng có một điều là rất ít gia đình giáo dục con trẻ về ý thức bảo vệ môi trường như gia đình anh Văn Tấn mà chúng tôi gặp.
Ý kiến bạn đọc