Đầu xuân, gặp gỡ 4 tài năng trẻ Việt Nam
Đây là những gương mặt sáng giá của Việt Nam trong cuộc thi tìm kiếm Tài năng lãnh đạo trẻ châu Á lần thứ 11 năm 2011.
Tại Diễn đàn sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 11 vừa diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Chính phủ luôn đánh giá cao và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, coi đây là rường cột của đất nước, lực lượng xung kích trong mọi lĩnh vực.
Phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy tài năng trẻ là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế, ổn định xã hội".
Nhân dịp đầu Năm mới (Nhâm Thìn) 2012, chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của 4 tài năng trẻ vừa trải qua những phần thi khó khăn và khắt khe nhất để lọt vào top 24 thành viên xuất sắc nhất của cuộc thi tìm kiếm Tài năng lãnh đạo trẻ châu Á lần thứ 11 năm 2011.
Tài năng trẻ phải biết ứng dụng lý thuyết với thực tiễn
Nguyễn Ngọc Quỳnh hiện đang là sinh viên năm thứ 4, khoa Tiếng Anh, Học viện Ngoại giao Hà Nội- một trong những sinh viên xuất sắc được chọn trong cuộc thi tìm kiếm Tài năng lãnh đạo trẻ châu Á lần thứ 11 năm 2011.
Ngay từ những năm đầu bước vào giảng đường ĐH đến nay, năm nào Quỳnh cũng được nhận học bổng của trường và là một trong những gương mặt trẻ của Việt Nam tham dự các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu và đã có nhiều sáng kiến thiết thực.
4 sinh viên xuất sắc của Việt Nam dự Diễn đàn Sáng kiến Tài năng Lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 11. Từ trái qua: Nguyễn Trường Song Pha, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đào Lê Trang Anh và |
Là 1 trong 7 thành viên xây dựng tham luận về lĩnh vực Giao thông, Ngọc Quỳnh chia sẻ, biện pháp hạn chế và giảm ùn tắc giao thông là vấn đề đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Bên cạnh sự đầu tư nâng cấp hạ tầng thì ý thức chấp hành luật lệ giao thông có vai trò quyết định đối với giảm tải ùn tắc.
Là một sinh viên năng động, Ngọc Quỳnh cho rằng, việc phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ phải dựa trên việc ứng dụng những kiến thức học được của sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường vào những hoạt động trong thực tế cuộc sống, xã hội. Điều quan trọng hơn hết là những sáng kiến của các tài năng trẻ phải giúp ích đối với cộng đồng.
Chế độ đãi ngộ hết sức quan trọng!
Hoàng Minh Thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta chưa tận dụng được đội ngũ người tài của đất nước. Vì thế, ngoài việc bồi dưỡng nhân tài thì việc nuôi dưỡng và để họ có thể đóng góp sự phát triển đất nước là vấn đề quan trọng hơn hết. Muốn “giữ chân” người tài, chúng ta phải có chế độ đãi ngộ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để cho những nhân tài phát huy trí tuệ, năng lực của mình.
Là một trong những người đoạt giải cao trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục-Đào tạo từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, Minh Thông đã đưa ra nhiều sáng kiến về tính chủ động, đổi mới phương pháp dạy và học tập của giáo viên, sinh viên. Tham dự Diễn đàn sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 11, ngoài đưa ra sáng kiến cho bảo vệ và tìm kiếm năng lượng bền vững, Minh Thông đã đưa ra nhiều đóng góp như để thanh niên, tài năng trẻ đưa ra quan điểm về một lĩnh vực và tạo điều kiện để những sáng kiến của họ có thể áp dụng trong cuộc sống.
Tạo cơ hội để nhân tài phát huy sáng kiến
Sau nhiều thử thách và vượt qua các vòng thi khắt khe, Đào Lê Trang Anh, sinh viên chương trình Tiên tiến, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã được chọn là 1 trong 4 gương mặt sáng giá của cuộc thi tìm kiếm tài năng lãnh đạo trẻ châu Á lần thứ 11 năm 2011.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với cô sinh viên 21 tuổi này là thông qua cuộc thi có thể được trình bày những tư duy, suy nghĩ và sáng kiến của một người trẻ tuổi đối với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.
Vấn đề mà Trang Anh trăn trở là Việt Nam-một nước nông nghiệp, chế biến và sản xuất lương thực lớn nhưng người dân thường bị thua thiệt về giá so với các nước khác; công nghệ khoa học kỹ thuật chế biến, sản xuất lương thực của nước ta còn yếu kém. Thông qua Diễn đàn, Trang Anh cho rằng, cần tạo điều kiện để những người nông dân áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến lương thực đạt chất lượng cao và có thể cạnh tranh về giá so với các nước khác.
Theo Trang Anh, muốn giữ được người tài cống hiến cho xã hội thì hãy tạo cơ hội để họ có thể thực hiện những sáng kiến của mình. Bởi vì những sáng kiến của họ nếu không được cộng đồng quan tâm, đánh giá đúng thì họ sẽ chán nản không thực hiện tiếp những ý tưởng mang tính đột phá của mình. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta sẽ làm mai một lực lượng nhân tài của đất nước.
Người giỏi phải có khả năng lãnh đạo, hùng biện
Theo quan điểm của Nguyễn Trường Song Pha, sinh viên năm cuối, khoa Kinh tế quốc tế (ĐH Kinh tế TP HCM), trong chiến lược tìm kiếm, đào tạo và phát huy tài năng trẻ thì cần chú trọng tới những nhà lãnh đạo trẻ. Người giỏi phải có khả năng lãnh đạo, hùng biện. Ngoài ra, họ cần phải có mối quan hệ cộng đồng tốt và đưa ra những sáng kiến đem lại lợi ích cho cộng đồng. Thế hệ trẻ, trong đó có thanh niên, sinh viên cần tham gia nhiều hơn vào công tác đoàn, đội và những hoạt động xã hội để rèn cho mình tính năng động, hòa nhập cộng đồng.
Vấn đề mà Song Pha quan tâm nhất trong Diễn đàn sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 11 là biện pháp đối phó với khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu hiện nay cũng như giải pháp chống lại lạm phát, giá cả leo thang ở châu Á. Thử đặt mình là một nhà lãnh đạo trẻ, Song Pha cho rằng, hơn lúc nào hết, các nước cần phải đoàn kết đối với khó khăn, thử thách nhất trong tình hình hiện nay.
Ý kiến bạn đọc