Sự năng động trong công tác đào tạo nghề ở Bắc Quang
HGĐT- Trong một dịp đến thôn Tân Lâm, xã Quang Minh (Bắc Quang) cùng Tổ công tác liên hợp gồm Ban lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang và Trạm Khuyến nông huyện, nhằm phối hợp cùng cán bộ xã, thôn vận động bà con nông dân trong thôn theo học lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chúng tôi được chứng kiến một cách làm hay, thể hiện sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của những người làm công tác đào tạo nghề trên địa bàn.
Nhờ sự năng động của trường Trung cấp Nghề huyện Bắc Quang, nhiều chị em nông dân các xã trong huyện có thêm nghề phụ. |
Khác với nhiều nơi trong tỉnh, những người làm công tác dạy nghề ở Bắc Quang đã không ngồi đợi học viên đến đăng ký học mà chủ động đi vào thực tiễn, tìm ra những nhu cầu thiết thực của bà con lao động trên địa bàn.
Qua tìm hiểu, được biết, đây là một cách làm thể hiện sự năng động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang trong nhiều năm nay. Bởi lẽ, khác với các lớp học bình thường được tổ chức tại Trung tâm, theo nghĩa “Học viên đi tìm Giảng viên” thì những lớp tập huấn tại thôn lại có nghĩa “Giảng viên đi tìm Học viên”. Không chỉ thực hiện công tác vận động bà con nông dân trong thôn theo học các lớp tập huấn ngắn ngày được mở ngay tại thôn, Tổ công tác liên hợp còn có nhiệm vụ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân trong thôn, muốn tập huấn vấn đề gì, như đề tài chăn nuôi thì tập huấn kỹ thuật chăn nuôi con gì, cá hay trâu, hay lợn..; nếu là đề tài trồng trọt thì cần tập huấn kỹ thuật trồng lúa, hay trồng ngô, trồng lạc, trồng đậu tương. Trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu của số đông bà con nông dân ở cơ sở để đáp ứng đào tạo, dạy nghề theo đúng nguyện vọng.
Thấy nhóm phóng viên chúng tôi lưu tâm tìm hiểu hình thức tổ chức triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho bà con nông dân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Bắc Quang Kiều Ngọc Lễ, hóm hỉnh nói: Các cụ ngày xưa thường có câu “trâu đi tìm cọc chứ có bao giờ cọc đi tìm trâu”. Cũng như bây giờ, chuyện giáo viên đi tìm học viên vẫn là chuyện “Xưa nay hiếm”. Thế nhưng, đó là ở nơi khác chứ đối với Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang thì chuyện này lại hết sức bình thường, bởi mục tiêu của Trung tâm là hướng tới người dân chưa có việc làm ổn định để hoạt động. Mà các anh biết đây, bà con quê mình vốn làm việc theo thói quen là chính, có mấy ai chủ động bỏ công, bỏ việc sắm sửa sách bút ra tận ngoài huyện để học kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi trâu bò, lợn gà bao giờ đâu. Chính vì thế, để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra hàng năm, với chất lượng đảm bảo, Trường đã năng động ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng với Trung tâm Khuyến nông huyện, cùng trực tiếp xuống các thôn bản, cơ bản là các thôn bản vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền vận động và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó chủ động xây dựng chương trình mở các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn tại các thôn bản.
Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bắc Quang, chị Ma Thị Lâm, là thành viên trong đoàn công tác cho biết thêm, là đơn vị được coi là người bạn của nhà nông. Do đó, đòi hỏi chúng tôi thường xuyên sâu sát cơ sở, tích lũy kinh nghiệm trong công tác tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật gieo trồng và chăn nuôi. Nếu không có sự tiên phong trong công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thì sẽ khó có thể tạo ra sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm và tư duy của bà con. Từ đó, việc Trung tâm Dạỵ nghề huyện phối hợp với các ngành tìm đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng và chăn nuôi... là một sư năng động. Từ đó, cùng với những người làm công tác chuyên môn, có những việc làm thường nhật của bà con trái quy trình kỹ thuật các công đoạn gieo cấy lúa, chuyện đã thành nếp là khi nhổ mạ bao giờ bà con cũng chọn chỗ mạ gieo dầy để nhổ, chỗ mạ thưa để lại và như thế là sai kỹ thuật gieo cấy lúa, có rất ít người biết rằng chính những cây mạ ở khu vực gieo thưa mới là cây mạ tốt, cần được nhổ để cấy...
Với sự chủ động và đổi mới trong dạy và học, xuất phát từ nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn và khu vực, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, qua hơn 5 năm hoạt động từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Dạy nghề Bắc Quang đã đào tạo được 8.021 lao động, tạo cơ sở cho người lao động tự tạo việc làm và góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ, kiến thức cho địa phương và phục vụ xuất khẩu lao động. Theo khảo sát, đánh giá của huyện, tỷ lệ học sinh của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 50%. Đặc biệt, có thể nói với sự năng động tìm về cơ sở, công tác đào tạo, tập huấn nghề, kỹ thuật đã góp phần đáng kể vào việc đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm cho bà con ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện.
5 năm từ khi thành lập đến nay, với sự trưởng thành vượt bậc, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong đào tạo nghề, góp phần quan trọng vào nâng cao nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho địa phương và khu vực, trong dịp cuối năm này, Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang đã được UBND tỉnh phê duyệt, nâng cấp lên thành trường Trung cấp Nghề Bắc Quang. Đồng chí Kiều Ngọc Lễ phấn khởi cho biết, đây là một vinh dự lớn lao cho thầy và trò nhà trường, nhưng cũng đặt ra một thách thức không nhỏ trong việc phải đổi mới tổ chức, đổi mới việc quản lí trong đào tạo để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân. Qua đó, với vai trò là một trường trung cấp, trường sẽ thực hiện đào nghề theo 2 cấp trình độ trung cấp nghề và sơ cấp nghề; bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật – công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Với lộ trình đã đề ra, hiện nay nhà trường đã và đang được đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ cán bộ. Qua đó, phấn đấu để sớm bước vào vai trò mới, nhiệm vụ mới, trở thành một nơi đào tạo nghề có uy tín trong khu vực.
Ý kiến bạn đọc