Ấm áp Nà Phiêng
HGĐT- Thôn Nà Phiêng, xã Đường Âm (Bắc Mê) nằm heo hút giữa thung lũng, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn đồi cao ngất ngưởng. Vài năm trở về trước Nà Phiêng được ví như là chỗ “khỉ ho cò gáy”, nhưng giờ nơi đây đã có sự đổi thay kỳ diệu, tạo ra diện mạo mới ở một thôn thuộc xã vùng 3 này.
Nhân dân đoàn kết làm đường bê-tông liên thôn. |
Toàn thôn có 34 hộ/203 nhân khẩu, 100% dân tộc Dao. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uy, chính quyền trong phát triển kinh tế với phương châm “nói trúng, làm đúng” nên đã tạo được niềm tin giữa Đảng với dân. Theo lời kể của Bí thư chi bộ thôn Bồn Văn Đành: Trước đây, giao thông đi lại rất khó khăn, trong thôn nếu có người ốm chỉ biết mời thầy mo về cúng bái, bệnh tình nặng quá thì cùng nhau khiêng cáng ra bệnh viện mất cả ngày trời, có trường hợp khiêng phụ sản ra huyện phải đẻ giữa đường; đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, chỉ trồng lúa, ngô; thu nhập tạm đủ ăn, nếu nhà nào có nhiều trâu, lợn cũng chỉ để thịt... không có được như bây giờ. Quả thật, khi chúng tôi có chuyến công tác về thôn, mới chỉ nghe hai chữ “Đường Âm” thôi mà trong lòng tưởng như là một nơi rất hoang sơ, tiềm ẩn sự sợ hãi kinh hoàng... Đi tận nơi mới thấy, xuống tận dân mới hiểu đồng bào trong thôn Nà Phiêng chăm chỉ như thế nào. Đến đây, mọi sự liên tưởng của chúng tôi tan biến, các nóc nhà sàn mọc lên san sát dưới sườn núi, các cô thiếu nữ Dao đỏ với bộ quần áo dân tộc sặc sỡ đang thu hoạch đậu tương, những vườn ngô đang già từng ngày, tín hiệu cho một vụ thu hoạch mới.
Thôn Nà Phiêng hôm nay thay đổi nhiều lắm! 34 hộ gia đình nhà nào cũng được sử dụng điện lưới Quốc gia, dưới gầm sàn không còn nuôi nhốt gia súc nữa, chuồng lợn, gà được đưa ra xa nhà, thay vào đó là những chiếc xe máy. Trong phát triển kinh tế, trung bình nhà nào cũng có từ 5 con lợn, 2 con trâu trở lên. Một điều khác hẳn so với nhiều địa phương đó là hộ gia đình nào trong thôn cũng có máy xay xát, máy thái chuối lợn. Được chiêm ngưỡng mới thấy sự đổi thay kỳ diệu của người dân nơi đây, con em đồng bào được cắp sách đến trường; công tác dân số ổn định ,không có người sinh con thứ 3, các lễ hội, phong tục truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát triển. Anh Bồn Văn Bình, một hộ dân ở thôn, cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, nhân dân được hưởng lợi rất nhiều. Trong quá trình triển khai, chính quyền địa phương rất gần gũi với dân, giờ đây ý Đảng đã thực sự vào lòng dân rồi... Lời tâm sự của người nông dân tuy mộc mạc nhưng khẳng định niềm tin, tinh thần phấn khởi của nhân dân.
Năm 2011, thôn Nà Phiêng được xã chọn là thôn làm điểm xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong thôn phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước, các tuyến đường được nhân dân đoàn kết góp sức đổ mới bê-tông kiên cố để thay thế những con đường đất ghồ gề, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước hỗ trợ xi-măng, nhân dân bỏ sức lao động và góp cát, sỏi). Toàn thôn, mỗi hộ gia đình tự nguyện mua cát sỏi để đầu tư làm đường kết hợp với láng nền nhà, xây cổng vào nhà và công trình vệ sinh, bể nước. Phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhân dân trực tiếp hưởng lợi, mọi người hăng say góp công sức thực hiện. Từ đó đã tạo ra phong trào thi đua rộng khắp. Có đường giao thông thuận lợi sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, nhân dân trong thôn được thuận lợi trao đổi hàng hoá... Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Thanh Thiết, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nà Phiêng là một trong những thôn trọng điển của xã, nhân dân trong thôn đoàn kết, đồng lòng áp dụng KH - KT mới vào chăn nuôi, sản xuất, gia đình nào thiếu vốn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư. Ngoài ra, xã cử cán bộ phụ trách thôn xuống cùng nhân dân để thực hiện, vừa là để nhân dân theo dõi vai trò của cán bộ xã và phát huy tính cạnh tranh trong quá trình thực hiện...
Chia tay thôn Nà Phiêng vào những ngày cuối năm trước cái lạnh mùa đông buốt giá. Nhưng trong lòng tôi cảm thấy nơi đây vẫn ấm áp kỳ diệu từ tính cần cù hăng say lao động, phát triển kinh tế của nhân dân trong thôn.
Ý kiến bạn đọc