Từ sự thiếu và yếu của ngành Kiểm lâm
HGĐT- "Chỉ 50% trong tổng số cán bộ ngành Kiểm lâm có thể hoạt động độc lập và hoàn thành công việc đúng chức trách, nhiệm vụ được giao". Đây là lời nhận xét, đánh giá rất thẳng thắn, được chính lãnh đạo ngành Kiểm lâm đưa ra trong buổi làm việc mới đây với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối. Điều này cho thấy, chất lượng cán bộ, hoạt động ngành Kiểm lâm đang bộc lộ rất nhiều bất cập.
Ngành Kiểm lâm được Đảng, Nhà nước giao xứ mệnh là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, để thực hiện tốt trọng trách đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Kiểm lâm phải am tường, thực thi hiệu quả pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay, ngành Kiểm lâm Hà Giang có 258 biên chế, làm việc ở 17 đơn vị trực thuộc, trong số đó, 50% cán bộ, công chức đạt trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, dự kiến đến năm 2015 sẽ có 65% cán bộ đạt trình độ đại học, bởi lẽ hàng năm ngành đều cử cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại. Nếu so sánh giữa tổng số biên chế ngành Kiểm lâm và diện tích rừng, đất lâm nghiệp của tỉnh hiện có (gần 555 nghìn ha) thì đội ngũ cán bộ mới đáp ứng được 50% yêu cầu, tức là còn thiếu khoảng trên 250 biên chế nữa. Thế nhưng, bên cạnh việc thiếu về số lượng, thì chất lượng cán bộ Kiểm lâm đang bộc lộ nhiều vấn đề.
Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với ngành Kiểm lâm vừa qua, khi được mời phát biểu, đại diện Hạt Kiểm lâm Quản Bạ thẳng thắn: Tình trạng khai thác lâm sản trái phép đang diễn biến rất phức tạp, hoạt động của lâm tặc rất tinh vi, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Nguyên nhân, do nguồn lợi từ gỗ rừng rất cao nên nhiều người dân, chủ quản lý rừng dù đã được học luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nhưng, yếu tố có tính quyết định đến chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng chính là trình độ của đội ngũ cán bộ Kiểm lâm. Cụ thể như, tại Hạt Kiểm lâm Quản Bạ, chỉ 1/3 cán bộ có thể tự chủ trong giải quyết công việc, các đơn vị khác như Bắc Quang, nơi được đánh giá trình độ cán bộ nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ ½ làm được việc, Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc có 9 biên chế, chỉ 4 cán bộ làm việc tốt... toàn ngành Kiểm lâm chỉ 50% cán bộ đảm đương tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, có những cán bộ đã 20 năm khoác trên mình bộ quân phục Kiểm lâm nhưng không nắm được quy trình lập biên bản vi phạm, không xác định được đối tượng liên quan. Con số trên thật chua xót, nó cho thấy, công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ ngành Kiểm lâm đang “có vấn đề”, nếu không kịp thời chấn chỉnh, sẽ rất khó đảm nhiệm vai trò lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Báo cáo đánh giá hoạt động ngành Kiểm lâm thời gian qua thừa nhận: Tuy công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng các vụ xâm hại rừng vẫn liên tục xảy ra, gây bức xúc trong dư luận. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm phát hiện 275 vụ việc vi phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng, đã xử lý hành chính 264 vụ, trong đó phạt tiền, tịch thu lâm sản 176 vụ, khởi tố hình sự 11 vụ. Tình hình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng chủ yếu là khai thác rừng trái pháp luật ở các khu rừng tự nhiên, có tính đa dạng sinh học, nhiều loại gỗ quý, hiếm; tình trạng mua bán, cất trữ, vận chuyển lâm sản trái phép diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi.
Báo cáo này cũng cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan như cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp chưa thực sự khuyến khích người dân gắn bó với rừng còn có yếu tố chủ quan là: Công tác phối hợp liên ngành đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập; chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, buông lỏng quản lý, chưa chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn; cán bộ phụ trách công tác lâm nghiệp xã, phường, lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở kiêm nhiệm, năng lực hạn chế nên không phát huy được vai trò tham mưu với chính quyền trong quản lý, bảo vệ rừng... Từ đó để xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, điển hình như vụ khai thác gỗ trái phép tại Lạc Nông (Bắc Mê).
Lợi dụng chủ trương cho khai thác tận thu, tận dụng gỗ làm nhà sàn truyền thống, các đối tượng đã khai thác trái phép hàng trăm mét khối gỗ quý, hiếm tại khu rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Lạc Nông. Vụ việc này là bài học đắt giá về sự buông lỏng quản lý của cán bộ Kiểm lâm và hành vi coi thường pháp luật của những người có trách nhiệm. Đây là vụ việc đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh bởi đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép là Chủ tịch UBND xã, người chịu trách nhiệm cao nhất trước cấp uỷ, chính quyền huyện về quản lý tài nguyên rừng lại ký quyết định cho phép khai thác rừng trái pháp luật. Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Mê đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tiến hành bắt giam ông Vũ Minh Dân, nguyên Chủ tịch UBND xã Lạc Nông để phục vụ điều tra. Qua sự việc trên, nếu như khi nhận được tờ trình của UBND xã Lạc Nông xin chủ trương khai thác gỗ làm nhà sàn truyền thống, huyện Bắc Mê giao phòng NN-PTNT và các cơ quan chức năng xác minh địa điểm khai thác, chủng loại gỗ, lập bảng kê lý lịch, xác định khối lượng, đánh dấu sơn... Sau đó báo cáo UBND huyện lập tờ trình báo cáo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT xin phê duyệt cấp phép mới được khai thác. Và nếu như, cán bộ Kiểm lâm làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có sự tham mưu, can gián kịp thời thì rừng không bị tàn phá, cán bộ không dính vào vòng lao lý!
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Tường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thừa nhận những hạn chế về trình độ của đội ngũ cán bộ trong ngành khi thi hành công vụ. Thực trạng này đang diễn ra ở hai xu thế, đó là những cán bộ mới tuyển dụng, chưa có kinh nghiệm và cán bộ tuổi cao, sức ỳ lớn, không tích cực nghiên cứu, học tập nên không nắm vững quy trình, quy phạm giải quyết công việc. Thực tế trên cũng cho thấy, việc quản quân của các đơn vị đã bị buông lỏng nên Kiểm lâm địa bàn không làm tốt công tác tham mưu, dẫn đến người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền không nắm được trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Khắc phục những hạn chế trên, ngành Kiểm lâm đang gấp rút xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Đề án đổi mới hoạt động với hy vọng, nó sẽ giải quyết căn bản những yếu kém hiện nay.
Ý kiến bạn đọc