Quang Bình tập trung xây dựng xã, thị trấn văn hóa
HGĐT- Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng xã, thị trấn văn hóa, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống và bản sắc văn hoá của địa phương, tập trung xây dựng nguồn lực, nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cơ sở hạ tầng từ trung tâm thị trấn huyện lỵ đến các xã, thôn bản từng bước “thay da đổi thịt”.
Ném còn, một trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Quang Bình vào những dịp lễ hội, tết, thường xuyên được duy trì. |
Phấn khởi trước những thành quả đạt được trong những năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Quang Bình cho biết: Kể từ khi thành lập đến nay (từ năm 2003), được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước và doanh nghiệp vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt và sản xuất, hệ thống trường học, trạm y tế được cứng hóa, hệ thống đường, điện nông thôn được đầu tư nâng cấp. Cùng với sự kết hợp tốt việc phát huy nội lực đến nay cơ sở hạ tầng toàn huyện cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Cùng với đó, nền kinh tế của huyện tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bình quân hàng năm đạt 18,4%. Năng suất, chất lượng sản phẩm các cây trồng, vật nuôi, sản lượng lương thực và thu nhập lương thực bình quân đầu người tăng qua các năm. Bình quân mỗi năm tốc độ tăng trưởng đạt trên 26%, góp phần tạo thế và lực để huyện tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế theo hướng mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp tăng cả về quy mô và loại hình, đã có nhiều cơ sở mới đầu tư đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Tiểu thủ công nghiệp cũng dần được hình thành, các HTX sản xuất, chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng từng bước hoạt động có hiệu quả, một số sản phẩm có lợi thế của huyện đã xây dựng được thương hiệu thị trường. Nền kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Sản xuất hàng hóa đã hình thành, các tiềm năng, thế mạnh được khơi dậy và phát huy đáng kể. Cơ cấu kinh tế của huyện có bước chuyển biến tích cực, theo đó ngành dịch vụ thương mại luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng cao. Toàn huyện có hơn 500 hộ kinh doanh cá thể, 7 cơ sở lưu trú, 12/15 xã có chợ phiên đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hoá cho nhân dân trong vùng.
Đặc biệt trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện phát triển sâu, rộng từ huyện đến cơ sở, trở thành phong trào chủ đạo, định hướng cho các phong trào khác phát triển. Tổng số gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá là 10.450 hộ. 98 làng đạt tiêu chí và duy trì, giữ vững danh hiệu làng văn hoá, trong đó có 77làng đạt danh hiệu làng văn hoá 3 năm liên tục. Phong trào văn nghệ quần chúng của huyện ngày càng được nâng cao về chất lượng, toàn huyện hiện có 168 đội văn nghệ quần chúng, 1 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp, 16 Đội tuyên truyền văn hoá cơ sở. Hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng phát triển, tạo được niềm tin tưởng của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện đã có chủ trương như thế nào trong việc xây dựng xã văn hoá, thị trấn văn hoá? đồng chí Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Văn Tuệ khẳng định: Ban chấp hành Đảng bộ huyện luôn coi trọng xây dựng nền văn hoá vừa hiện đại, vừa mang tính dân tộc, mang tính xã hội chủ nghĩa. Vì vậy đã có chủ trương và chỉ đạo tập trung xây dựng xã, thị trấn văn hoá nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc, góp phần cải thiện đời sống vật chất, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân lao động. Phát triển các thiết chế văn hoá, thông tin, quan tâm công tác đầu tư của Nhà nước gắn liền với đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân giữa các vùng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống cho cán bộ, nhân dân lao động góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội của huyện. Mục tiêu đạt được tại các xã, thị trấn văn hóa trước hết phải đạt được các yếu tố về kinh tế, hạ tầng kinh tế xã hội, văn hóa - xã hội - môi trường, hệ thống chính trị.... Tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển toàn diện văn hoá - xã hội gắn với mục tiêu rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo trong nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã, thị trấn... Tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào giao thông, thuỷ lợi, điện nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Có biện pháp khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng các thiết chế văn hoá thôn, bản. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá văn hoá, thể thao, huy động có hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, thể thao, bảo tồn và phát triển các lễ hội truyền thống và tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hoá thể thao ở cơ sở;
Song song với các nhiệm vụ trên, huyện cũng đã tích cực chỉ đạo phong trào xây dựng xã, thị trấn văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển văn hoá - xã hội, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, khu vui chơi giải trí tại các xã, thị trấn văn hóa. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, tiến tới chuẩn hoá đội ngũ cán bộ văn hoá - xã hội ở cơ sở. Giữ gìn và bảo tồn các làng nghề, nhóm nghề thủ công truyền thống. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề và có việc làm, thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân...
Ý kiến bạn đọc