Lao động - việc làm, những con số ấn tượng
HGĐT- Nhìn lại thực tế năm 2011 nổi lên một tiêu điểm chung toàn cầu là sự suy giảm kinh tế, nguyên nhân sâu xa từ sự nợ công của các Tập đoàn kinh tế thế giới nói chung và sự đầu tư kém hiệu quả của một số Tập đoàn kinh tế nhà nước trong nước nói riêng.
Đánh giá và nhận định vấn đề trên, Chính phủ đề ra Nghị quyết 11CP nhằm cắt giảm chi tiêu công, xiết chặt công tác đầu tư xây dựng cơ bản, thắt chặt tín dụng để kìm chế lạm phát. Trong thời gian gần đây, vấn đề sắp xếp và cấu trúc lại nên kinh tế đã và đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu để phát triển bền vững... Đặt vấn đề trên để thấy rằng năm 2011 là năm hết sức khó khăn trong công tác giải quyết lao động, việc làm không chỉ toàn cầu, trong nước. Giải quyết tốt công tác lao động, việc làmvẫn là vấn đề thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Theo con số báo cáo của Sở Lao động- TB&XH tỉnh, hết tháng 9/2011 toàn tỉnh đã giải quyết được trên 12.000 lao động có công ăn, việc làm, tăng so cùng kỳ năm 2010 là 2,35%. Trong số lao động có việc làm trên có khoảng 1.100 lao động đi lao động ở các tỉnh trong khu vực và nước ngoài, tăng so cùng kỳ tới 19%. Số lao động trực tiếp xuất khẩu là 114 người, đạt 102% kế hoạch giao. Kết quả nêu trên là con số đầy ấn tượng trong thời kỳ suy thoái nền kinh tế toàn cầu hiện nay tại một tỉnh có nền kinh tế chậm phát triển như Hà Giang. Điều đó cũng có nghĩa phản ánh chân thực sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh, trong quá trình tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Đa dạng hoá các hình thức ngành nghề, đa dạng nghề và đào tạo nghề là một trong những “chìa khoá” giải quyết việc làm tại chỗ cho mọi người lao động. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, tại mỗi huyện, thành phố của tỉnh, mỗi Trung tâm Dạy nghề đều nắm vững tình hình biến động lao động tại địa phương để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền cơ sở mở lớp dạy nghề tại chỗ, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Các nghề được đưa về tận mỗi xã, phường, thị trấn truyền thụ nghề cho người lao động trong độ tuổi. Sau và trong thời gian vừa học nghề, vừa làm nghề, cũng vừa giải quyết việc làm tại nơi, tại chỗ hiệu quả nhất; các cơ sở xã, thậm chí là thôn bản cho rằng, trong thời gian qua, công tác dạy nghề đưa về thôn bản đã tạo cho mọi người dân được hưởng lợi ngay trong quá trình học, tìm, giải quyết viẹc làm, nhất lả ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Nghề nông, lâm nghiệp, nghề xây dựng dân dụng, nghề sửa chữa xe máy và một số ít nghề truyền thống mây tre đan... hiện được phát huy tạo việc làm cho nông dân, thanh niên trong độ tuổi lao động.
Nhìn từ thực tiễn cho thấy: Trong lúc khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng đến xuất khẩu lao động, Hà Giang đã đi sâu vào thị trường nội địa theo hướng: Con người tại chỗ - Đào tạo nghề tại chỗ - Giải quyết việc làm tại chỗ cho mọi người dân. Bài học từ thực tế đó khẳng định một hướng đào tạo mới, đó là hướng đi từ nông nghiệp - nông dân - nông thôn, theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 7, khoá X của Đảng về xây dựng nông thôn mới. Hiện đại hoá NN-NT chính là đầu tư cho nông dân, nông thôn “có nghề”trong tay. Và thực tiễn giải bài toán việc làm cho người lao động trong 9 tháng qua ở tỉnh ta đã minh chứng điều nêu trên.
Đồng hành với công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm là công tác hỗ trợ vốn vay cho người lao động. Trong 9 tháng đã có 561 dự án được giải ngân. Vốn hỗ trợ việc làmqua các dự án là: 15.327 triệu đồng, tăng 27,8% so cùng kỳ năm 2010. Số lao động được hưởng trực tiếp là 1.173 người. Đã có rất nhiều thanh niên “ăn nên, làm ra” từ công tác đào tạo nghề và vay vốn tạo việc làm tại chỗ. Và thực tế hiện nay trong tỉnh, đi đâu, về đâu cũng thấy các nghề sửa chữa, xây dựng, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi v.v... phát triển rộng khắp. Đó cũng là những tín hiệu vui trong lúc nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn.
Trong 3 tháng cuối năm nay, chỉ tiêu đặt ra cho các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở là giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động mới. Những gì có được từ bài học trong thời gian qua, tin rằng: Đảng bộ, các cấp chính quyền, cùng sự hỗ trợ tích cực công tác dạy nghề, công tác vốn vay cho người lao động, chúng ta sẽ giải quyết tốt việc làm, thu nhập cho mọi người lao động, góp phần giữ vững an sinh xã hội.
Hãy cho người lao động: Kiến thức làm ăn - vốn, để họ tự làm sau khi đã có kiến thức trong tay thì: Nhất định họ sẽ làm được tất cả.
Ý kiến bạn đọc