Hoạt động khai thác khoáng sản ở xã Ngọc Minh và những vấn đề đặt ra
HGĐT- Như chúng tôi đã thông tin qua bài “Gian nan đường về Ngọc Minh”, phản ánh về tình trạng khó khăn do hệ thống đường xá xuống cấp cùng những tác động môi trường đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xã Ngọc Minh, một xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên. Để tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi tiếp tục quay lại vùng đất giàu về tài nguyên nhưng còn rất khó khăn về KT - XH này.
Một công trường khai thác quặng ở Ngọc Minh với rất nhiều xe cộ, máy móc hạng nặng. |
Qua thực tế cho thấy không ít những vấn đề đặt ra, đòi hỏi các ngành chức năng cần phải xem xét để thấy hết những lợi ích và tác hại từ quá trình khai thác quặng không chỉ riêng ở Ngọc Minh mà còn nhiều nơi khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Trở lại Ngọc Minh, con đường vào xã luôn nhắc nhở chúng tôi cần phải tập trung cao độ, bởi nó không chỉ trơn mà còn nguy hiểm. Trên đường, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nhung, giáo viên trường tiểu học Ngọc Minh đang loay hoay đẩy xe máy giữa đường trơn trượt. Nhung cho biết, sau khi “thất bại” trong việc tìm đường ra thị trấn Vị Xuyên thông qua đường qua xã Bạch Ngọc, cô đã đành phải quay về và chấp nhận đi trên con đường mà lâu nay các xe chở quặng vẫn vào ra địa bàn được coi là mỏ quặng man gan này. Càng đi sâu vào địa bàn xã, qua các thôn Tiến Thành, Bản Xám, thôn Pậu, Tân Bình..., mới thấy hết Ngọc Minh đã, đang và sẽ trở thành một công trường khai thác quặng. Điều này có thể thấy thông qua việc con đường chính đi vào xã qua thôn Tiến Thành đã bị các xe trọng tải lớn làm nát bươm, không ít cống, rãnh đã bị sập. Anh Lê Xuân Bay, ở Bản Xám phản ánh, “họ lấy quặng từ phía trong ra, làm sập luôn cả tấm bê tông trên mương nước chạy qua đường. Để thuận tiện cho xe qua lại, họ lấy đá lấp luôn, thế là con mương dẫn nước được đầu tư từ chương trình 135 dài hơn 900m dẫn nước về thôn Bản Xám đã... tắc tịt”.
Đoạn đường vào Ngọc Minh là một cản trở đối với sự phát triển của xã 135 này. |
Theo con số mà Sở Tài Nguyên và môi trường cung cấp cho chúng tôi, trên địa bàn xã Ngọc Minh hiện có tới 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng man gan ở tại 9 điểm mỏ. Đây là một con số rất đáng chú ý tại một địa bàn chỉ có diện tích là 7.432,5ha mà có đến 7 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác trên một diện tích khoảng gần 200ha. Phải chăng đã có một sự ủng hộ, tiếp sức nào đó cho các doanh nghiệp rầm rộ vào Ngọc Minh!?. Vì thế, từ 2009 đến nay, người dân Ngọc Minh không còn xa lạ gì với những chiếc xe trọng tải lớn ra vào các công trường khai thác quặng. Nhiều quả đồi đã bị máy móc và cả con người đào chỗ này, bới chỗ kia, nhôm nhoam giữa rừng núi. Trên nhiều công trường đã và đang hình thành nên những xưởng tuyển quặng với quy mô nhỏ, được làm sơ sài. Tại không ít điểm mỏ, việc khai thác, sàng tuyển để lại những bãi thải không có bờ che chắn, mặc cho mưa gió sối rửa. Thậm chí, có doanh nghiệp còn để chình ình một bãi thải quặng ngay trên bờ suối. Từ đó, thảI quặng được xả trực tiếp ra môi trường nên ngay tại thôn Tiến Thành, dưới lòng suối vẫn còn nguyên một vệt thải quặng đen nâu mầu cà phê được nước lũ bồi lắng...
Một người dân chỉ cho P.V một công trình 135 đã bị…tắc tịt do ô tô trọng tải lớn làm sập. |
Qua trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, được biết, hầu hết các doanh nghiệp khai thác quặng ở xã Ngọc Minh được cấp phép từ 2009 đến khoảng thời điểm tháng 6.2011. Song, trên thực tế, do nhiều lí do khác nhau nên cho đến nay, các doanh nghiệp trên vẫn chưa đủ các điều kiện theo quy định để tiến hành khai thác quặng. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công nghệ khai thác, sơ tuyển...Trong sự chậm chễ của các doanh nghiệp có cả sự chậm chễ trong việc hoàn tất các thủ tục của các cơ quan chức năng. Việc cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác quặng ở đây là do Sở Tài nguyên và môi trường cấp, nhưng để có được một giấy phép khai thác thì cũng cần phải có sự thẩm định của nhiều cơ quan chức năng. Nguyên nhân dẫn đến một xã nhỏ có đến 7 doanh nghiệp cùng được cấp phép khai thác còn xuất phát từ một giai đoạn rầm rộ thu hút đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng... Vì thế, dẫn đến, trên địa bàn Ngọc Minh, có cả những doanh nghiệp “đa năng”, trước đây chuyên làm kinh doanh, xây dựng nho nhỏ thì này cũng trở thành những “chuyên gia” khai khoáng. Cho dù thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khai thác quặng tại Ngọc Minh chưa đủ điều kiện để tiến hành khai thác vì còn thiếu nhiều thủ tục. Nhưng, một thực tế đã diễn ra ở đây là các doanh nghiệp đã tranh thủ “làm quặng” từ khá lâu rồi. Lợi dụng việc vừa xây dựng, vừa chờ các thủ tục cấp phép, giải quyết đền bù với dân, nhiều doanh nghiệp đã vừa tiến hành khai thác theo kiểu, chỗ nào có quặng thì mang máy móc đến đào, bới, sàng tuyển rồi lặng lẽ mang xe trọng tải lớn vào chở ra ngoài... với lời giải thích là “tận thu”. Chủ một doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng ở Ngọc Minh tâm sự với chúng tôi, do trữ lượng quặng ở đây phân bố không đồng đều nên khó khai thác. Trong khi đó, việc tiến hành các thủ tục, kể cả việc thỏa thuận với người dân thường là cả một quá trình không dễ. Vì thế, nên có công trường, dù có đến hàng chục chiếc xe ô tô, máy móc khai thác, nhưng mới chỉ hình thành nên những hệ thống nhà xưởng sơ sài, tạm bợ theo kiểu “hết quặng là... cuốn chiếu”. Lợi dụng địa bàn gần như cách biệt với bên ngoài nên cuối năm 2010, một doanh nghiệp đã “tranh thủ” vượt phép, chặt cây, mở đường vào tận núi Pu Đồn thuộc thôn Tòong của xã để khai thác trộm tại một mỏ quặng chưa được cấp phép và đã bị phát giác. Qua thực tế trên cho thấy, cần phải nhìn nhận lại vai trò quản lý của cấp, các ngành trong hoạt động khai khoáng hiện nay.
Trong khi có mặt ở Ngọc Minh, chúng tôi cũng đã nắm được một vụ việc mới xảy ra khi 3 xe chở quặng của một doanh nghiệp đã bị người dân thôn Pạu kéo ra chặn đường không cho đi với lí do chưa thống nhất được đền bù và ảnh hưởng đến môi trường, đi lại... Với thực trạng cùng có nhiều doanh nghiệp khai thác trên một địa bàn nhỏ hiện nay, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hoàng Văn Nhu thì trước mắt sẽ chưa có gì nổi cộm, nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến những vấn đề khó lường. Đầu tiên có thể kể đến là trách nhiệm về các vấn đề môi trường, về việc đảm bảo hệ thống đường xá, giao thông... Quả thật, trên đường từ xã ra huyện Vị Xuyên, đi trên con đường lầy lội vết xe ô tô và những chiếc cống bị sập nhưng không ai sửa chữa mới thấy rằng, mặc dù các doanh nghiệp đã “làm quặng” từ lâu, nhưng sự phức tạp ở một địa bàn được coi là mỏ man gan này mới đang bắt đầu. Và nếu trong thời gian tới, đồng loạt 7 doanh nghiệp cùng đi vào khai thác, hoặc có thể sẽ có thêm doanh nghiệp được cấp phép khai thác ở đây, rất có thể Ngọc Minh sẽ trở thành vùng đất “sa mạc hóa”, Nếu không có sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng trong việc quản lí hoạt động khai thác và các doanh nghiệp không thực hiện đúng các cam kết thì người dân nơi đây sẽ vẫn phải tiếp tục chịu ảnh hưởng, và xã vùng 3 này đã khó sẽ lại càng khó khăn hơn.
Ý kiến bạn đọc