Chuyện về nước sinh hoạt ở Bát Đại Sơn
HGĐT- MỘT NGÀY LANG THANG KHẮP CÁC BẢN LÀNG Ở BÁT ĐẠI SƠN, CÂU CHUYÊN MÀ CHÚNG TÔI "LƯỢM LẶT" ĐƯỢC TỪ CÁN BỘ XÃ, ĐẾN NGƯỜI DÂN BẢN ĐỊA VÙNG SƠN CƯỚC NÀY TRƯỚC SAU VẪN LÀ CHUYÊN VỀ NƯỚC. NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT Ở ĐÂY KHAN HIẾM ĐẾN NỖI, MỖI TUẦN NHIỀU NGƯỜI DÂN Ở CÁC BẢN CAO CHỈ DÁM TẮM MỘT LẦN ĐỂ TIẾT KIÊM NƯỚC. NHỮNG CÂU CHUYÊN TƯỞNG NHƯ CHƯA BAO GIỜ XẨY RA LẠI ĐANG HIÊN HỮU NƠI ĐÂY KHIẾN NHỮNG NGƯỜI NGHE PHẢI TRĂN TRỞ...
Hồ “treo” Bát Đại Sơn sẽ giải quyết được một phần nhu cầu về nước cho người dân. |
200 ngàn đồng = 1 khối nước
Hình ảnh người phụ nữ Mông ngồi khóc bên bể nước ở bản vùng cao Xà Pìn ám ảnh chúng tôi mãi trên đường về xuôi. Một buổi sáng chớm lạnh, người phụ nữ này mang theo can đựng xuống núi để lấy nước về dùng. Con đường hơn 10km khiến đôi chân chị mệt mỏi, về được giữa lưng chừng ngọn núi thì trời bỗng đổ mưa to. Tiếc nước trời cho, chị đành vứt can nước đi để chạy thật nhanh về nhà nhằm hứng được nhiều nước mưa cho những ngày tiếp theo. Nhưng về tới nhà thì trời lại sáng, không kịp hứng giọt mưa nào.Tiếc công, tiếc của, lại chẳng có nước để dùng, chị cứ ngồi khóc mãi bên bể nước...
Đầu năm nay, ở Bát Đại Sơn xẩy ra một vụ cháy rừng. Vì không có nước, cán bộ xã đã vận động bà con mang nước đi chữa cháy nhưng không được, cuối cùng xã đành chịu mua nhưng họ cũng không chịu bán. Sau nhiều lần “thương thuyết”, họ chịu đi “cứu” rừng nhưng phải họp bản xem mỗi nhà mang bao nhiêu nước để đi dập lửa...
Đó lànhững câu chuyện chúng tôi được nghe, được thấy đang hiện hữu nơi vùng núi cao này.
Bát Đại Sơn là một xã giáp biên với 7,5 km đường biên giới. Chỉ có 526 hộ đồng bào Mông và Dao sinh sống. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Mặc dù đã được Đảng và nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để phát triển kinh tế nhưng vì quỹ đất sản xuất ít, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn nên cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi cuộc sống bà con nơi đây với tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 80%. Trong số 9 thôn bản của xãthì có ba thôn cao giáp biên giới còn rất khó khăn. Không có đường giao thông thuận lợi, không có điện, Không có nhiều đất để trồng cây lúa, cây ngô, cây thảo quả thì bấp bênh về đầu ra, con bò, con lợn không chịu nổi rét đậm, rét hại lăn đùng ra chết, dịch bệnh xẩy ra thường xuyên, lại thêm không có nước sinh hoạt khiến đời sống người dân càng thêm cơ cực.
Mỗi năm, người dân ở các thôn cao phải chịu thiếu nước đến một nửa thời gian. Họ phải vượt rừng trên 10 km để cõng nước về bản. Những bể nước gia đình dùng để dự trữ nước mưa cũng chỉ đủ dùng trong một đến hai tháng. Một người dân ở bản Thào Xu Pìn cho biết: “Ban đêm, xe máy để ngoài sân chẳng ai lấy, nhưng nước sinh hoạt thì phải mang vào nhà”.
Đem những câu chuyện nghe được về nước sinh hoạt này hỏi cán bộ xã, ông Lò Văn Sử, chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn thừa nhận đó là chuyện có thật, rồi ông chỉ cho chúng tôi thấy con sông Miện vẫn hiền hòa chảy dưới chân núi kia: “Sông Miện quanh năm có nước, nhưng vực sâu quá, không đưa được nước lên, nước phía đầu nguồn cũng không có để lắp vòi tự chảy, đứng đây thấy nước, vậy mà dân vẫn phải chịu “khát” ”.
Nhìn từ UBND xã, thấy rõ con sông Miện chảy phía dưới, vậy nhưng mỗi buổi chiều, các thầy giáo trường tiểu học và trung học cơ sở lại chẳng giám chơi thể thao vì sợ không có nước tắm, nếu muốn xuống tắm sông thì đành phải chạy xe 5km xuống cuối dốc.
Khi được hỏi về dự án xây dựng hồ treo, anh Nguyễn Đăng Nhu, phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Hồ treo được xây dựng từ năm 2009, theo kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng vào đầu năm 2011, nhưng vì sạt lở, nhà thầu đang phải kè hai bên, nên chưa bàn giao và sử dụng được. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, hồ treo này cũng chỉ đáp ứng được nước sinh hoạt cho các đơn vị như UB xã, trường học, trạm y tế, và người dân vùng trung tâm xã, còn những bản cao trên kia thì vẫn chưa có nước...”. cán bộ Nhu chỉ tay về phía những ngọn núi đá dựng đứng: “Phải vượt những ngọn núi kia, rồi đi xa nữa mới vào được các bản biên giới”.
Trong những câu chuyện về nước, anh Lò Văn Sử kể rằng: “Mới cách đây một tháng, khi những cơn mưa chưa về, những công trình xây dựng trên địa bàn thiếu nước, không muốn chậm tiến độ thì các nhà thầu chỉ còn cách đi mua nước. Giá mỗi khối nước ở thời điểm đó là 200 ngàn đồng. Biết là đắt đỏ nhưng cũng phải “thắt lưng buộc bụng” chứ biết làm sao, có khi mua người ta còn không chịu bán nữa vì họ cũng sợ hết nước”.
Những câu chuyện về nước như vậy cứ kéo dài, kéo dài mãi mà chưa có hồi kết thúc.
Bài toán khó
Nhìn những dãy núi đá sừng sững chĩa thẳng lên bầu trời kia, chúng tôi hiểu vì sao ở độ cao hơn 1200 mét này, nước lại trở thành một tài sản quý giá như thế. Cán bộ xã cũng đã phải nhiều đêm trăn trở nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải nào cho bài toán khó này.
Anh Lò Văn Sử nói như phân trần rằng: “Bát Đại Sơn núi cao, sông sâu, không có nước nguồn để có thể dẫn về, hồ treo vẫn chưa đưa vào sử dụng, bà con chúng tôi ngoài việc đi bộ cả chục cây số đường dốc núi thẳng đứng để cõng nước về thì chỉ còn biết trông trời thôi”.
Dự án xây dựng hồ treo cho ba bản vùng cao biên giới đã được xã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần rồi, nhưng vì đường giao thông vất vả, không có đường vận chuyển vật liệu khiến chi phí xây dựng khá lớn nên vẫn chưa đượccấp trên phê duyệt.
Có lẽ đối với người dân vùng cao nguyên đá, chuyện thiếu nước không còn là chuyện lạ, nhưng nó lại đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chia tay những bản làng chênh vênh bên dốc núi, chúng tôi xuôi theo dòng sông Miện về xuôi. “Ước gì có một phép màu nhiệm, người dân Bát Đại Sơn sẽ ước về nguồn nước”. Câu nói của cán bộ trẻ Nguyễn Đăng Nhu đủ để khiến những ai được nghe trăn trở, trải lòng và mong muốn được làm một điều gì đó cho bà con nơi đây...
Ý kiến bạn đọc