Thực trạng đời sống người lao động tại các doanh nghiệp

15:49, 23/09/2011

HGĐT- Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội, với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang tăng nhanh, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.


Đến nay, tổng số các doanh nghiệp, chi nhánh văn phòng đại diện được cấp phép hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh là 1.118 doanh nghiệp, trong đó: doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương đóng tại địa phương là 16 doanh nghiệp; DNNN địa phương là 2 doanh nghiệp; công ty cổ phần là 201 doanh nghiệp; công ty TNHH là 675 doanh nghiệp; các loại hình khác là 224 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp này thuộc ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh có sự chuyển dịch dần từ lĩnh vực xây dựng là chủ yếu, sang khai thác khoáng sản, thủy điện, chế biến nông, lâm sản và dịch vụ.


Đa số DNNN, các Công ty Cổ phần (khoảng 35% doanh nghiệp trên địa phương) có sản xuất kinh doanh ổn định và có sử dụng từ 10 lao động trở lên có sự quan tâm chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động như: có tủ sách, báo, ti vi cho người lao động ở tập thể; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà đối với những lao động khi gặp khó khăn; có thưởng trong dịp Tết Nguyên Đán.


Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh phần lớn là nhỏ lẻ, hoạt động theo công trình, dự án nên người lao động thường được các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng lao động ngắn hạn theo thời gian, tiến độ thi công công trình. Vì vậy người lao động luôn trong tình trạng bấp bênh về việc làm, không ổn định. Hầu hết người lao động phải tự lo về chỗ ở, không có điều kiện để sinh hoạt văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.


LĐLĐ tỉnh đã phối hợp cùng với các ngành tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp trong việc cụ thể hóa pháp luật lao động, chế độ, chính sách đối với người lao động thông qua việc xây dựng hệ thống các nội quy, quy chế như: thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và quy chế trả lương; xây dựng nội quy lao động…Đến nay có 72/117 công đoàn trong các doanh nghiệp đã thực hiện ký kết thương lượng lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký thỏa ước lao động tập thể thấp, nội dung đăng ký thỏa ước lao động mang tính hình thức, chưa quan tâm đến những nội dung có lợi cho người lao động. Số lao động làm việc từ 3 tháng trở lên trong các doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm dưới 60% so với số lao động sử dụng trong các doanh nghiệp. Số lao động được thực hiện ký kết hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 87%, trong tổng số lao động được ký kết hợp đồng trên 3 tháng trở lên. Song, nội dung ký kết còn sơ sài, chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, đặc biệt là về tiền lương, tiền công, chế độ BHXH, giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi. Việc ký kết hợp đồng với người lao động thông qua người được ủy quyền hợp pháp thay mặt cho nhóm người lao động (cai, thầu) không đúng quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, đã có khoảng 36% số doanh nghiệp đã xây dựng nội quy (doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên) nhưng vẫn mang tính hình thức nên hiệu quả hoạt động thấp. Các doanh nghiệp (kể cả công ty nhà nước) hầu như không xây dựng thang lương, bảng lương, xây dựng đơn giá tiền lương, định mức lao động và ký với Sở Lao động – Thương binh xã hội theo quy định của Bộ luật Lao động. Đến nay mới chỉ có 6% doanh nghiệp xây dựng hệ thống thang, bảng lương và đăng ký theo quy định. Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Đến tháng 12.2010, có khoảng 212 doanh nghiệp với 5147 lao động được thực hiện tham gia bảo hiểm bắt buộc, chiếm 41% so với tổng số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc. Tình trạng vi phạm pháp luật bảo hiểm còn diễn ra như: nợ đọng bảo hiểm, đóng bảo hiểm ở mức tiền lương tối thiểu (không đóng bảo hiểm cho người lao động theo tiền lương thực tế). Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động theo hình thức hợp đồng dưới 3 tháng (để trốn đóng bảo hiểm xã hội).


Thêm vào đó, trong thời kỳ lạm phát, với tiền công và thu nhập thấp đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng sinh hoạt của người lao động (các chất dinh dưỡng trong các bữa ăn không đáp ứng được nhu cầu năng lượng). Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, nâng bậc lương cho người lao động, do đó họ không được nâng bậc lương theo định kỳ.Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc trang cấp bảo hộ lao động và huấn luyện, tập huấn về công tác an toàn lao động cho người lao động


Vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ còn nhiều bất cập. Thu nhập của lao động nữ, điều kiện việc làm không thuận lợi, chị em thường chỉ được tham gia các công việc mang tính phổ thông với mức lương thấp như: làm đường, phụ hồ, hái chè, nhặt chè, nấu ăn cho các tổ thợ, chăm sóc đồi rừng, khai thác lâm sản... Hơn nữa, do tác động của công việc thường theo mùa vụ, không ổn định nên các doanh nghiệp không có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nữ công nhân, lao động nữ ít có cơ hội được bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý, không có chế độ nghỉ thai sản, thậm chí có chủ doanh nghiệp đơn phương chấm dứt sử dụng lao động nữ trong thời gian thai sản hoặc nuôi con nhỏ.

           
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, thực hiện phúc lợi xã hội, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trước mắt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thái độ của doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động có cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển kinh doanh theo luật định đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật, chăm lo đời, sống vật chất tinh thần cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các ngành có liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp vi phạm thỏa ước, hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, tinh thần người lao động. Tăng cường xây dựng các tổ chức chính trị xã hội trong các doanh nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thanh niên, tổ chức công đoàn, đây sẽ là những hạt nhân chính trị để quy tụ và xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với vị thế và vai trò của giai cấp công nhân trong tiến trình lịch sử và giai đoạn cách mạng hiện nay.   


HÙNG HÀ (Văn phòng Tỉnh ủy)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chiến dịch 350.org
Với nhiều hoạt động khác nhau, hơn 2.000 bạn trẻ đến từ hơn 16 tỉnh thành trên cả nước cùng chung tay tham gia chiến dịch 350.org toàn cầu về biến đổi khí hậu.
22/09/2011
Đảng bộ huyện Vị Xuyên: Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị
HGĐT- Ngày 1.7.2004, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Nghị quyết số 37 về phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo Quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010.
21/09/2011
Hội Chữ thập đỏ Vị Xuyên: Đại hội đại biểu lần thứ V (nhiệm kỳ 2011-2016)
HGĐT- Ngày 20.9, Hội chữ thập đỏ Hội (CTĐ) huyện Vị Xuyên long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ V (nhiệm kỳ 2011-2016). Dự hội nghị có các đồng chí trong BTV huyện ủy; đại diện HCTĐ tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành của huyện và 136 đại biểu chính thức.
21/09/2011
Qũy thiện tâm tặng thiết bị tin học cho trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Sủng Trà
HGĐT- Để trợ giúp các em học sinh dân tộc thiểu số và cán bộ, giáo viên có điều kiện tiếp cận kiến thức, khai thác thông tin kịp thời, thiết thực phục vụ công tác giảng dạy, học tập của nhà trường, từng bước nâng cao trình độ quản lý và cải thiện chất lượng giáo dục, vừa qua Qũy Thiện tâm - Công ty cổ phần Vincom (Hà Nội) đã trao tặng quà cho trường Phổ thông Dân tộc bán trú
21/09/2011