Một cặp vợ chồng có 5 người con bị câm, trong toàn xóm có 10 người bị câm
HGĐT- Đến Khuổi Niềng, một xóm hạ sơn của xã Kim Linh (Vị Xuyên) với dân số gần 100% là đồng bào Dao. Xóm có 32 hộ dân với 187 nhân khẩu. Trong khi cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thì có 4 gia đình ở đây phải chịu cảnh thiệt thòi khi trong nhà họ có đến 10 người bị câm. Gia đình có nhiều người câm nhất là gia đình ông Triệu Kim Mình, dân tộc Dao. Vợ chồng ông Mình đẻ rất nhiều con, trong đó có 5 người bị câm bẩm sinh.
Ông Triệu Kim Mình và 3 ngườicon bị câm. |
Cách đây hơn chục năm, 15 – 16 hộ đồng bào Dao trên núi Khuổi Niềng được Nhà nước vận động hạ sơn về vùng thấp của xóm Khuổi Niềng. Từ những hộ dân ban đầu, đã phát triển lên thành 32 hộ với 187 khẩu sống dựa vào nông nghiệp. Nhưng, có một điều lạ và thiệt thòi cho một số hộ nơi đây là có đến 10 người ở trong xóm phải chịu cảnh bị câm bẩm sinh. Gia đình thiệt thòi nhất là vợ chồng ông Triệu Kim Mình và bà Triệu Thị Pham. Ông Mình năm nay 65 tuổi. Ông lấy bà Pham và sinh được khoảng 10 người con thì có đến 5 người bị câm bẩm sinh. Các con ông đều đã lớn, nhưng 5 người trong số đó vẫn chưa khi nào cất được tiếng gọi bố, mẹ, chỉ phát được những âm thanh ú ớ ở cổ họng.
Trong số 5 người câm ở gia đình ông Triệu Kim Mình, có 3 người con trai là: Triệu Văn Pao, Triệu Văn Nhụt và Triệu Văn Thắng. Hai cô con con gái là: Triệu Thị Sai và Triệu Thị Lưu. Và trong số đó, có anh Triệu Văn Pao là có nhận thức khá hơn cả. Khi anh Pao đã có tuổi, gia đình ông Mình nhờ mai mối và cưới cho anh một cô vợ tên là Triệu Thị Nái ở bên xã Linh Hồ. Nhưng, chị Nái lại cũng là người bị câm như anh Pao. Năm 2010, nhà ông Mình tách hộ, vợ chồng anh Pao ra ở riêng và đưa người em chú bị câm là Triệu Văn Pú về ở cùng. May mắn là ông trời cũng thương vợ chồng anh Pao khi năm 2007, vợ anh sinh được một cô con gái, nhưng bé không bị câm như bố mẹ.
Anh Phùng Văn Hưng, Trưởng xóm Hạ Sơn cho chúng tôi biết, ngoài gia đình ông Triệu Kim Mình, trong xóm còn có gia đình anh Triệu Văn Sơn ở xóm cũng có một cô em gái tên là Triệu Thị Nái bị câm bẩm sinh. Hộ anh Triệu Văn Pú A cũng đang nuôi 1 cô em gái tên là Triệu Thị Pháy cũng bị câm từ nhỏ. Trong thôn cũng có một hộ với 2 người câm khác là gia đình của vợ chồng anh Triệu Văn Pú và chị Đặng Thị Lai, cũng là người dân tộc Dao. Anh Pú bị câm và được gia đình “cưới cho” một cô vợ là chị Lai từ xã Linh Hồ. Nhưng, chị Lai cũng bị câm giống như anh Pú. Hai vợ chồng anh Pú - Lai không có con nên đi xin được một bé gái về nuôi. Như vậy, toàn thôn Khuổi Niềng hạ sơn từ trên núi xuống có đến 8 người bị câm, tiếp đó, có 2 người phụ nữ câm nữa lấy chồng về đây để gia tăng số người bị câm lên con số 10. Cũng theo chị Vi Thị Chiến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Linh cho biết, ngoài thôn Khuổi Niềng, trong xã cũng còn một thanh niên nữa là người dân tộc Giấy bị câm.
Trao đổi với anh Hoàng Trung Tá, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Linh, anh cho biết, đa phần những người bị câm có nhận thức và khả năng lao động kém hơn những người bình thường. Do đó, trong một đợt tỉnh tổ chức giám định, xã đã đưa một số người bị câm đi giám định để có thể giúp họ được hưởng chế độ bảo trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, nơi giám định cho rằng họ dù nhận thức kém hơn những người bình thường, nhưng vẫn có sức khỏe lao động nên không được hưởng chế độ gì. Chỉ có chị Triệu Thị Sai là con ông Triệu Kim Mình, do bị tật ở lưng thì được trợ cấp tàn tật.
Hỏi chuyện ông Triệu Kim Mình, bố của 5 người con bị câm, ông cho biết, ông chưa từng đi bộ đội hay tiếp xúc với một chất độc gì. Vợ chồng ông lấy nhau cũng không cận huyết thống. Bố, mẹ đẻ ra ông cũng không cận huyết thống với nhau. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bố mẹ ông cũng đã đẻ ra một người em gái bị câm. Khoảng năm 2000, khi hạ sơn xuống đây, người em gái bị câm của ông đã mất. Ông cũng cho biết, trên chỗ ở trước đây cũng không gần nơi nào có khoáng sản, kim loại gì, con cái sinh ra lớn lên 5 đứa đều câm như vậy, chẳng biết sao nữa.
Anh Phùng Văn Sinh, công an viên phụ trách xóm Khuổi Niềng tâm sự, người già, người trẻ ở thôn cũng chẳng biết vì sao mà lại có nhiều người cùng bị câm như vậy...!? Mặc dù bị câm và có nhận thức kém hơn những người bình thường, nhưng những người bị câm trong thôn lại rất chăm chỉ lao động và đều có khả năng tự phục vụ bản thân. Song, đa phần người khác bảo gì thì họ làm vậy. Sau này, khi cha mẹ mất đi, những người câm kia sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do đó mong muốn làm sao họ sẽ nhận được sự quan tâm của cộng đồng, xã hội.
Ý kiến bạn đọc