Hà Tuyên, một thời kỳ anh hùng
HGĐT- Tháng 4.1975,
Cầu Yên Biên I, công trình được hoàn thành từ thời kỳ Hà Tuyên. |
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tháng 4.1976, 2 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang được hợp nhất và lấy tên là tỉnh Hà Tuyên. Từ đây, mở ra một thời kỳ lịch sử của mảnh đất Hà Tuyên anh dũng, kiên cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tỉnh Hà Tuyên được thành lập khi ấy có diện tích trên 13.600km2, với dân số trên 700 ngàn người gồm 24 dân tộc anh em sinh sống ở 15 huyện và 2 thị xã. Thị xã Hà Giang được lựa chọn làm tỉnh lỵ của Hà Tuyên.Sau 1 năm hợp nhất, cuối tháng 4.1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên lần thứ nhất được tổ chức. Đại hội xác định mục tiêu phát triển của Hà Tuyên là xây dựng tỉnh phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, có cơ cấu kinh tế nông – lâm – công nghiệp phát triển cân đối theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa... Đây là bước khởi đầu cho công cuộc vươn lên vượt qua những khó khăn, thách thức sau hàng thập kỷ đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Có thể nói, với tinh thần đoàn kết, hướng tới mục tiêu phát triển KT – XH, củng cố vững chắc hệ thống chính trị, AN-QP, sẵn sàng đối phó với những tình huống có thể xảy ra, cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 tỉnh sau khi hợp nhất đã đồng lòng và quyết tâm mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền mới tỉnh Hà Tuyên. Mặc dù phải trải qua những ngày tháng đầy gian khó, khi mà đất nước mới thoát ra khỏi chiến tranh, đời sống cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hà Tuyên vẫn còn rất nhiều vất vả. Thế nhưng, tinh thần tương trợ, đùm bọc lẫn nhau trong những ngày đầu phải thay đổi nơi ăn, chốn ở, công việc mới...đã được thể hiện rõ. Và dường như trong gian khó, tình cảm gắn kết đồng bào, đồng chí lại càng trở nên thắm thiết. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng, là sức mạnh để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Tuyên vững vàng vượt qua nhiều thách thức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong suốt thời gian tiếp sau.
Trong bối cảnh của mối quan hệ quốc tế...có nhiều thay đổi, để đảm bảo cho công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền trong tình hình mới, ngày 21. 2.1979, tỉnh lỵ Hà Tuyên chính thức được chuyển từ thị xã Hà Giang về thị xã Tuyên Quang. Như vậy, trong suốt giai đoạn 15 năm hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang – Tuyên Quang, 2 thị xã trung tâm đều có vinh dự được lựa chọn làm tỉnh lỵ của Hà Tuyên. Để từ đó, với vai trò của mình, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Tuyên đã vững vàng trong lãnh đạo, điều hành, huy động sức mạnh và tinh thần đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh để xây dựng nên “thành đồng” bảo vệ Tổ quốc.
Với 16 năm, quãng thời gian dù chưa dài, nhưng những nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân Hà Tuyên thực hiện đã thực sự trở thành những thành tựu, những công lao to lớn đối với đất nước. Biết bao tâm huyết, trí tuệ, biết bao mồ hôi, xương máu đã hy sinh cho sự toàn vẹn, vững bền nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Năm 1978, một con đường ô tô đã nối thông từ núi Rồng ở Lũng Cú (Đồng Văn) với con đường Hạnh Phúc. Và từ những năm 80, những con người ưu tú của Cao nguyên đá Hà Giang như bác Vù Mí Kẻ, bác Sùng Đại Dùng..., đã nâng vai cùng những người anh em Hà Tuyên gánh vác trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Nhớ lại những ngày tháng đầy vất vả, các bác Ma Văn Hiệu, Vù Mí Kẻ, Sùng Đại Dùng, đều từng giữ cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên tâm sự, T.Ư và đồng bào cả nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào, chiến sỹ trên tuyến Hà Tuyên, qua đó luôn tiếp thêm ý chí sắt đá để mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cùng nhau đoàn kết, vươn lên giành những thắng lợi lớn...
Bằng tinh thần quyết thắng, Hà Tuyên đã thực sự trở thành một hình ảnh anh dũng và kiên cường đối với đồng bào cả nước. Từ đó, đã giúp cho Hà Tuyên vững vàng vượt qua một trong những thử thách lớn nhất trong lịch sử phát triển của vùng đất này. Ghi nhận những công lao to lớn ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 8 đơn vị và 1 cá nhân khác cũng vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động... Trải qua nhiều thách thức, công cuộc đổi mới mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ Nghị quyết Đại hội VI - 1986 của Đảng đã mở ra một thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, Đảng bộ và nhân dân Hà Tuyên đã phấn đấu không ngừng để vượt qua những gian khó của bước chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, từ nền kinh tế tự cấp, tự túc sang nền kinh tế thị trường với sự quản lý của Nhà nước.
Sau 16 năm hợp nhất, thực hiện nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử to lớn, đứng trước tình hình mới, cần phải có những quyết định nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, ngày 12.8.1991, Quốc hội đã quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngày 1.10.1991, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang chính thức đi vào hoạt động, mở ra một thời kỳ mới. Đây là một quyết định hết sức phù hợp với thực tế, qua đó sẽ giúp cho cấp ủy, chính quyền mỗi tỉnh có thể tập trung lãnh đạo, điều hành một cách cụ thể hơn, phù hợp và hiệu quả hơn.
Nhìn lại quãng thời gian chỉ là 16 năm nhưng cũng đủ tạo nên một sự cấu kết về địa lí, về tình cảm, tinh thần để 20 năm sau ngày tái lập, cái tên Hà Tuyên vẫn còn in đậm trong tâm thức cả những thế hệ sau này. Đã có rất nhiều những gia đình được vun đắp từ trước cho đến sau ngày hợp nhất gồm một nửa Hà Giang, một nửa Tuyên Quang. Để từ đó, sau ngày chia tách, Hà Giang và Tuyên Quang lại càng trở nên gần nhau hơn. Qua đó, như khẳng định thêm về tình cảm của những người anh em cùng “uống chung một dòng sông” và mãi mãi vẫn là mảnh đất Hà Tuyên của những ngày nhường cơm, sẻ áo, của một thời để nhớ.
Ý kiến bạn đọc