Gian nan đường về Ngọc Minh
HGĐT- Mới đây, trong chuyến công tác về xã Ngọc Minh, phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ cho đoạn đường khoảng 24km từ thị trấn Vị Xuyên (trong đó có 13km đường đất từ Ngọc Linh vào Ngọc Minh), chúng tôi mới đến được trung tâm xã. Một thầy giáo của trường tiểu học ra đón chúng tôi cho biết, các bác đi ô tô thì mới nhanh thế, còn nếu đi xe máy thì ít cũng phải mất tiếng rưỡi. Quả thật, khi về đây mới thấy, trong khi cấp ủy, chính quyền và người dân Ngọc Minh đang mơ ước vươn lên để thoát khỏi xã vùng 3 thì đường xá là một trong những vật cản làm chậm ước mơ ấy.
Là xã vùng 3, Ngọc Minh có 7 thôn với 829 hộ và gần 4 ngàn nhân khẩu gồm 6 dân tộc anh em. Tổng diện tích tự nhiên trên 7.400ha. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế..., là những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 85%. Vài năm trở lại đây, xã nghèo Ngọc Minh lại ồn ào hơn với hoạt động khai thác quặng của các doanh nghiệp. Theo thống kê, hiện có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng mangan tại địa bàn gồm các công ty TNHH: Tường Phong, Hồng Hà, Việt Bắc, công ty CP đầu tư khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang, công ty TNHH Cao Nguyên Đá, Tập đoàn Đông á và đơn vị mới được cấp phép khai thác ngay tại thời điểm 30.6 vừa qua là công ty Tư vấn mỏ địa chất một thành viên Hà Giang.
Nhìn chung các công ty được cấp phép hoạt động tại đây bước đầu đã có sự phối hợp với chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi đất đai; một số công ty đã ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương và tham gia quyên góp cho địa phương. Tuy nhiên, cái được đó không thể bù đắp những vất vả của cán bộ, nhân dân nơi đây trong những năm qua. Hiện nay, 7 công ty được cấp phép khai thác trên diện tích gần 200ha tại 6/7 thôn gồm: Bản Xám, Tiến Thành, Khuôn Han, Pạu, Riềng, Tân Bình. Do khan hiếm nước, một số công ty sau khi khai thác sử dụng xe ô tô trọng tải lớn vận chuyển quặng thô ra bên ngoài; nhưng một số tận dụng được nguồn nước tự nhiên để khai thác, tuyển quặng tại chỗ như: Công ty Tường Phong, Việt Bắc, Hồng Hà và công ty CP đầu tư khai thác khoáng sản Điện lực. Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh Lý Tiến Định cho chúng tôi biết, do quá trình vận chuyển quặng của các công ty, đã làm không ít con đường, cầu cống của xã và đường từ xã ra huyện xuống cấp một cách tệ hại. Đặc biệt là vào mùa mưa, quãng đường từ xã ra đến huyện luôn là quãng đường “khổ cực” đối với cán bộ, nhân dân, học sinh của xã. Xe trọng tải lớn lưu thông khiến không ít những đoạn đường trở nên lầy lội, gồ ghề. Tại nhiều đoạn, các doanh nghiệp cũng đã cho máy san gạt, gá lại những “ổ voi”, nhưng sau một vài lần đi lại, các xe chở quặng lại thi nhau quấy thành bùn, thành hố phá nát hết đường khiến cho việc đi lại của người dân càng thêm vất vả.
Trao đổi với thầy cô giáo ở các trường mần non, trường tiểu học và THCS, đa phần họ đều là người ở các xã, thị trấn bên ngoài tâm huyết với nghề vào đây giảng dạy. Do đường xá khó khăn nên các thầy cô mỗi tuần chỉ dám về nhà một lần, có người 3 – 4 tuần mới về nhà một lần. Cô Lục Thị Tươi, giáo viên trường mầm non Ngọc Minh tâm sự, “Đường xá quá lầy lội, gồ ghề bùn đá khiến mỗi lần về nhà hoặc ra ngoài huyện là chúng em lại bẩn từ đầu đến chân. Nhiều lúc ngã, người đau, xe hỏng vất lắm anh ạ. Trong khi đồng lương thì có hạn khiến đời sống của chúng em càng thêm khó hơn”. Cô giáo Hoa, nhà ở thành phố Hà Giang, người đã có thâm niên 3 năm đi lại trên những quãng đường lầy lội cho biết: “Mỗi lần ra hoặc vào, thường chúng em phải “tìm” một đồng nghiệp nam đi cùng. Đường xấu, khi chị em mà xe bị thụt, lầy, không có ai giúp thì chỉ biết ngồi nhìn. Mỗi lần đi từ xã ra huyện, mang xe máy đến hiệu rửa xe, nhìn thấy chúng em, họ rất ngại anh ạ”. Một cán bộ xã Ngọc Minh nửa đùa nửa thật rằng, mỗi lần ra ngoài huyện họp, phải mang thêm một bộ quần áo, ra ngoài đó thay rồi mới...vào họp được. Đường xá ngày một xấu thế này, nhỡ có ai trong xã không may bị bệnh cần đưa lên tuyến trên cấp cứu khẩn cấp thì không biết thế nào!? Trong những ngày đầu năm học mới này, học sinh nhiều thôn đi học cũng vô cùng vất vả, công tác huy động học sinh đã khó, nay các giáo viên càng phải khéo léo hơn để động viên các em vượt qua những quãng đường gồ ghề, lầy lội đến trường...
Quá trình khai thác quặng cũng gây ra những vấn đề đáng quan tâm. Do lợi ích của quặng trên những mảnh đất đá sỏi, đã dẫn tới một số vụ tranh chấp đất đai giữa những người dân trước nay vẫn sống tình cảm với nhau. Cùng với đó, một số hộ có đất nằm trong khu vực được cấp phép thu hồi đã bí mật bán cho hộ tư nhân tiến hành hoạt động khai thác lậu... Từ đó gây ra những vẫn đề về an ninh trật tự. Tại một số mỏ, doanh nghiệp còn tổ chức khai thác và tuyển quặng tại chỗ. Song, các hoạt động đào, tuyển cũng hết sức “vô tư” dù chưa đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, không có hệ thống xử lí nước thải. Qua theo dõi của xã Ngọc Minh, đã có tình trạng nước thải thường xuyên được thải trực tiếp ra các khe suối làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và môi trường nơi đây. Việc khắc phục, cải tạo môi trường của các đơn vị khai thác còn rất hạn chế. Từ đó, trên đường đi vào Ngọc Minh, có thể nhận thấy những con suối đã ngầu lên mầu nâu, đỏ do quá trình khai thác, xả thải cùng với mưa lũ rửa trôi các diện tích bị đào bới...
Đường xá ngày một xấu đi, đời sống của khoảng trên 80 cán bộ xã, giáo viên các cấp cùng hàn ngàn người dân Ngọc Minh thêm phần khó khăn. Hàng hóa vận chuyển vào không dễ, khiến giá cả cũng đắt hơn. Trong khi các địa phương trong tỉnh đang chung sức đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí cơ bản, thì với Ngọc Minh, một địa bàn có đến 7 doanh nghiệp khai thác quặng, các tiêu chí về đường giao thông, về giảm tỷ lệ hộ nghèo, về vệ sinh môi trường và hàng loạt các tiêu chí khác đến bao giờ sẽ đạt!? Doanh nghiệp và một số người phát giàu, liệu người dân có hết khổ? Đó là câu hỏi mà chắc chắn mỗi cán bộ, mỗi người dân ở xã đặc biệt khó khăn Ngọc Minh muốn đặt ra cho các cấp, các ngành chức năng cùng suy ngẫm.
Ý kiến bạn đọc