“Đấu sỹ” chống đói, nghèo nơi biên cương
HGĐT- Huyện Mèo Vạc dù cách xa thành phố Hà Giang tới gần 160km nhưng nay đã không còn "xa" và sẽ bớt khó khi mà giờ đây Mèo Vạc đã và đang có nhiều nguồn động lực như "nam châm" thu hút người người đến với mình.
Một trận đấu hay, thu hút đông đảo người xem giữa bò số 28 của xã Sủng Máng và bò số 30 của xã Pải Lủng tại Hội chọi bò huyện Mèo Vạc, lần thứ Nhất - 2011. |
Mọi người tới đây không chỉ ở trong nước mà cả bạn bè khắp "bốn bể, năm châu" tìm về để kinh doanh, buôn bán, giao lưu văn hóa; để du lịch khám phá những điều từ đơn giản như "cái khổ, nỗi khó" bao đời nơi "rừng đá" biên cương đến điều cổ điển đã trở thành điển tích như chợ tình Khau Vai.
Hãy đến để hòa mình vào cái mới mẻ tràn đầy khí thế, tưng bừng sức sống của bà con các dân tộc trên Cao nguyên đá... đó chính là Hội Chọi bò huyên Mèo Vạc lần thứ nhất cũng như chợ bò được họp vào sáng chủ nhật hàng tuần...
Khi chưa là “đấu sỹ”...
Mèo Vạc là một trong 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh nằm trong cụm Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt, chủ yếu là núi đá cao vút, vực sâu thăm thẳm và với địa bàn có độ dốc lớn, mùa mưa thường xuyên gây lũ quét, sạt lở còn mùa khô bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau và đây chính là thời điểm gần như cả “rừng đá vùng biên” đều thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nên sự nghiệp lao động, sản xuất, phát triển kinh tế của bà con dường như bị “kìm chân”. Vì vậy, vấn đề nước cho sản xuất và đời sống của trên 70.000 dân, gồm 16 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn luôn là một thách thức, khó khăn đối với quá trình phát triển KT-XH...
Trước những khó khăn cùng thách thức đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mèo Vạc đã, đang từng bước tháo gỡ, vượt qua từng bước rất vững chắc. Mà theo như Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Chí Thường cho biết: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong toàn huyện, nền kinh tế tiếp tục có nhiều khởi sắc; VH-XH có nhiều tiến bộ, AN - QP được củng cố và giữ vững; đời sống tinh thần, vật chất của bà con dần được nâng lên... Song, do xuất phát điểm của huyện thấp nên Mèo Vạc vẫn là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh và cả nước. Và để tạo được bước đột phát trong phát triển KT-XH, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện đã xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ là một trong 3 mũi nhọn, 1 trong 7 chương trình phát triển KT-XH trọng tâm trong giai đoạn 2010 – 2015...”.
Để tìm hiểu kỹ ngọn nguồn của sự phát triển ổn định về tổng đàn gia súc của một trong những huyện được mệnh danh “nghèo nhất tỉnh”; chúng tôi đã có những chuyến công tác cùng cán bộ Phòng No&PTNT huyện đến nhiều thôn, xóm, xã “mục sở thị” những nơi có số lượng trâu, bò lớn như các xã: Niêm Sơn, Nậm Ban, Tát Ngà, Niêm Tòng, Khâu Vai... Xã Tát Ngà hiện có gần 1.050 con bò và ở đây nhận thấy ý thức của người dân về chăn nuôi hay như chăm sóc gia súc đều được thực hiện rất tốt. Anh Phan Văn Phênh, xóm Bản Chiều (Tát Ngà) hiện có 2 con bò, 1 con trâu cho biết: “Để có được “gia tài” như vậy chính là nhờ huyện quan tâm đưa dự án, chương trình hỗ trợ về, cho nên cả nhà mình quý lắm. Ưu tiên tất cả cho “nó” đấy. Làm chuồng rất cẩn thận, cao ráo; luôn giữ sạch sẽ cho “nó” ở được thoải mái nhất, vậy nó mới nhanh lớn, nhanh được xuống chợ. Đấy! Tivi, xe máy trong nhà cũng từ nuôi trâu, bò mà có đó...!”. Quả thật, với miền xuôi thì 2 - 3 con trâu, bò nếu xét về kinh tế cũng chưa phải là lớn lắm, nhưng đối với các huyện vùng cao, nhất là đối với các hộ nghèo thì chỉ 1 - 2 con trâu, bò thôi cũng là một gia tài “kếch xù”. Về cơ bản thì bất cứ ai cũng hiểu điều này, nhưng để hiểu được cặn kẽ tầm quan trọng của con trâu, bò đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của người dân vùng cao thì không ai có thể hiểu hơn cán bộ Phòng No&PTNT huyện. Anh Hứa Đình Tuấn, Phó Trưởng phòng No&PTNT huyện tâm sự với chúng tôi: “Càng gắn bó với đồng bào, sâu sát cơ sở thì càng hiểu rõ được tầm quan trọng của con trâu, bò đối với người nông dân. Nên với chức năng, trách nhiệm, quyền hạn được giao, Phòng luôn chủ động phối, kết hợp với các xã chỉ đạo cán bộ phụ trách xóm, xã thường xuyên tham gia các buổi họp xóm để tuyên truyền vận động nhân dân chuẩn bị chuồng trại thật tốt trước mùa đông 2011, như: sửa chữa chuồng trại khô ráo, che chắn kín đáo; thường xuyên dọn vệ sinh; không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại... Ngoài ra, để sự tăng trưởng của tổng đàn gia súc được bền vững thì ngoài việc phát triển chăn nuôi theo hộ gia đình như hiện nay thì huyện đã, đang nghiên cứu xây dựng một số xã có điều kiện tốt tiến tới quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến kích các hộ gia đình chủ động lập trang trại chăn nuôi kết hợp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, trồng cỏ để có sự hỗ trợ tốt nhất cho chăn nuôi...”.
Đến nay, song song với việc duy trì sự phát triển của tổng đàn, huyện Mèo Vạc còn rất chú trọng tới công tác lai tạo giống bò có chất lượng tốt nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong, ngoài tỉnh cũng như giữ vững thương hiệu bò Mèo Vạc, động lực chính trong sự nghiệp phát triển kinh tế của toàn huyện...
Để đàn bò thực sự là “đấu sỹ” trong xóa nghèo...
Theo như kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2011 - 2015 của huyện Mèo Vạc đề ra tới năm 2015, tổng đàn gia súc trên địa bàn sẽ đạt tới hơn 124.000 con, riêng đàn bò phấn đấu đạt trên 34.400 con. Đây là một trong những kế hoạch “dài hơi” mà huyện Mèo Vạc đề ra để làm thay đổi diện mạo của một huyện nghèo lên tầm cao mới. Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Mèo Vạc có trên 95.700 con. Trong đó, tổng đàn bò có hơn 27.200 con và theo lũy kế đánh giá thì tốc độ tăng trưởng bình quân của đàn bò trên địa bàn luôn đạt từ 5,9 - 6,2%/năm...
Sau những chuyến thực tế ở một số xã, xóm về công tác chăn nuôi gia súc, chúng tôi nhận thấy: huyện Mèo Vạc đã, đang tận dụng mọi nguồn lực, chương trình, dự án để giúp người nông dân phát triển chăn nuôi, như: hỗ trợ vay vốn ngân hàng mua gia súc sinh sản; hỗ trợ trồng cỏ... cho nên phong trào chăn nuôi đã có bước phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt là trong những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc đã thực sự trở thành hàng hóa, là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Hàng năm, thu nhập của các hộ gia đình nông dân trên địa bàn huyện có trên 50% giá trị từ việc chăn nuôi đại gia súc... Và một dấu ấn hết sức quan trọng đánh dấu, khẳng định sự nghiệp chăn nuôi của địa phương phát triển ổn định chính là việc tổ chức thành công Hội chọi bò huyện Mèo Vạc lần thứ nhất - năm 2011 được diễn ra đúng thời điểm tỉnh Hà Giang tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh. Theo như anh Trần Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Trưởng ban tổ chức các ngày lễ lớn của huyện cho biết: “Sau một thời gian ngắn phát động và chuẩn bị, Hội chọi bò đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các xã, thị trấn và của các hộ chăn nuôi. Đến với Hội thi lần này có 30 con bò của 18 xã, thị trấn đăng ký thi đấu... Và thông qua Hội chọi bò lần này để huyện quảng bá về thành tựu KT-XH, con người của tỉnh cũng như là dịp để giới thiệu, thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến với Hà Giang, tới Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời, nhằm phát triển lễ hội truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú thêm hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn tạo động lực mạnh mẽ để cổ vũ, khích lệ, phát triển phong trào chăn nuôi bò, một trong những tiềm năng, thế mạnh đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của địa phương...”.
Sau sự thành công của Hội chọi bò huyện Mèo Vạc lần thứ nhất đã tạo nên một không khí rất mới trên địa bàn mà từ trước tới giờ chưa có. Hòa mình vào chợ bò ngày Chủ nhật tại chợ trung tâm thị trấn Mèo Vạc, chúng tôi nhận thấy: Ở bất cứ chỗ nào, dù đầu chợ hay cuối chợ và ngay cả tại những quán ăn ven đường, ở bên bàn nhậu quanh nồi “Thắng cố” đều bàn tán về các trận đấu đã diễn ra tại Hội chọi bò. Nào là: “Buồn thế, bò làng mình chưa đánh đã chạy, nếu có giải sau mình phải kiếm một con “ngon lành” rồi đào tạo để thi cho sướng...” rồi tới “con bò xã ấy ghê thật, đã to, cứ lừ lừ mà trận nào thắng trận đấy, đã mắt thật”. Trao đổi với anh Sùng Chứ Dia, xóm Khuổi Roài, xã Tát Ngà bên bàn rượu tại chợ, anh là chủ bò số 22 đã đạt giải Nhì tại Hội thi, cho biết: “Tiếc lắm cơ, cũng tại mình chủ quan không “thúc” bò từ sớm, đến gần giải rồi mới luyện nên bò vẫn còn “non”. Chú xem đấy, con giải Nhất sau khi vô địch đã được trả giá gấp đôi so với ban đầu, lại còn tiền giải nữa chứ. Không sao, lần đầu thế thôi chứ giải tới thì mình ăn “giải” là cái chắc!”...
Dù giải đã kết thúc nhưng dư âm của Hội chọi bò đã và sẽ còn đọng lại trong lòng bà con các dân tộc Mèo Vạc. Nơi mà nghề nuôi bò đã song hành cùng cuộc sống của người dân và nếu huyện Mèo Vạc duy trì được Hội chọi bò thành thường niên thì sẽ là một động lực rất to lớn đối với người dân về phát triển chăn nuôi bò hàng hóa theo hướng chuyên sâu hơn, chất lượng hơn về con giống, đàn giống to hơn, khỏe hơn, có giá trị kinh tế cao hơn. Nếu được như vậy thì mục tiêu phấn đấu tới năm 2015, tổng đàn gia súc trên địa bàn sẽ đạt tới hơn 124.000 con, riêng đàn bò phấn đấu đạt trên 34.400 con sẽ trong “tầm tay”...
Ý kiến bạn đọc