Cho trẻ khuyết tật cuộc sống mới

17:42, 19/09/2011

HGĐT- Khi các bé của Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh bước ra sân khấu, cả hội trường đều im lặng, những cái nhìn chăm chú của hàng trăm đôi mắt đều dõi theo từng bước đi dò dẫm của các em. Nhạc nổi lên hòa với tiếng trống vang theo nhịp bài hát mang đậm sắc thái dân tộc Lô Lô trong tác phẩm: "Tiếng hát người cày nương" của cố Nghệ sỹ Ưu tú Vương Ngọc Vấn.


 

 Tiết mục múa hát tác phẩm: “Tiếng hát người cày nương” của cố Nghệ sỹ Ưu tú Vương Ngọc Vấn do các trẻ khiếm thính, khiếm thị biểu diễn.


Lời ca do các em khiếm thị cất lên thật mênh mông và sâu thẳm hòa theo từng điệu múa mềm mại như chính "đôi mắt" của bé đang dõi theo từng đường cày của cha trên nương. Dẫu cho một lần trong đời em chưa được nhìn thấy. Quả thật, phải trực tiếp xem các em biểu diễn mới cảm hết được tận trong sâu thẳm những cuộc đời "không lành lặn": Đó là khát khao cháy bỏng về 1 cuộc sống "vẹn tròn" đúng nghĩa!

Ngay sau buổi diễn văn nghệ của trẻ khiếm thị hát cho trẻ khiếm thính múa để lại trong lòng người xem ấn tượng sâu đậm về nghị lực sống của các em; chúng tôi tới Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh để tìm hiểu cuộc sống của các em.


Nỗi đau số phận...

Ngồi một mình một góc, với đôi mắt vô hồn không tròng, em Phù Thị Tả, dân tộc Pà Thẻn (thôn Thượng Sơn, xã Yên Bình, Quang Bình) được đưa ra chăm sóc, điều trị tại Trung tâm từ tháng 5.2010. Chị Lê Minh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Gia đình Tả thuộc diện hộ nghèo, điều kiện sinh hoạt, ăn ở thiếu thốn đủ bề; khi Tả mới đẻ cũng như bao trẻ khác, mũm mĩm, trắng trẻo nhưng lúc bị bệnh đau mắt không được chữa trị kịp thời, dần dần dẫn tới bị mù cả 2 mắt. Cũng từ đó, em sống 1 mình trong bóng tối, trong ngôi nhà chỉ đêm về gia đình mới đoàn tụ nên khi Trung tâm đón về điều trị em còn không nói được tiếng phổ thông, rất nhút nhát và luôn tránh xa mọi người...”. Trung tâm đón về hơn 1 năm, ngoài chăm sóc, điều trị em còn được tham gia các lớp học chuyên biệt nên tới nay đã nói khá thông thạo tiếng phổ thông.


Cùng chung cảnh ngộ với Tả là bé Thèn Thị Thêm, dân tộc Nùng (xã Trung Thành, Vị Xuyên), cũng bị mù cả 2 mắt do di chứng của bệnh đau mắt để lại. Theo chị Vân Thị Thành, Trưởng phòng Phục hồi chức năng: “Thương lắm, những trẻ được đưa về Trung tâm đa phần đều đã “quá muộn” nên việc cứu chữa, khắc phục gần như là không thể, nhất là đối với các em bị mù cả 2 mắt. Vì thế, công tác chăm sóc hiện nay chủ yếu là điều trị tâm lý và phục hồi chức năng đối với các trẻ bị di chứng bỏng, khe hở môi, vòm miệng hoặc khuyết tật, dị tật vận động...”. Thật tiếc cho các em, những số phận không trọn vẹn!


Hàn gắn nỗi đau...

Các em Phù Thị Tả và Thèn Thị Thêm chỉ là ví dụ rất nhỏ trong hàng ngàn đối tượng được Trung tâm khám và chăm sóc từ năm 2010 tới nay. Theo thống kê hiện nay, số lượng đối tượng xã hội, trong đó có trẻ khuyết tật cần sự quan tâm trợ giúp của cộng đồng là rất lớn. Nhưng thực tế, năng lực, kiến thức và trách nhiệm tham gia của gia đình trong việc phòng ngừa, phát hiện, trợ giúp các đối tượng yếm thế còn rất hạn chế. Đặc biệt là hầu hết trẻ em khuyết tật đều nằm trong những gia đình nghèo, khó khăn hay ở vùng sâu, xa... Vì vậy, việc chăm sóc, giúp đỡ các em gặp rất nhiều khó khăn nếu như không có sự chung sức ngay tại cơ sở.


Đa phần khi sinh ra các em đều lành lặn, khỏe mạnh nhưng chính vì một phần do các em sinh ra trong điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn; cha, mẹ, người lớn phải lo, kiếm sống nên không dành được thời gian thích đáng chăm lo tới trẻ nhỏ, thường để chúng một mình khi đầu nhà, lúc ở cuối nương... dẫn đến nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra hoặc do các em ốm, đau không được chăm sóc chu đáo đã vô tình biến các em thành trẻ khuyết tật.


Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh đã, đang phối kết hợp với các ngành chức năng từ tỉnh tới cơ sở tổ chức thực hiện khám phát hiện mới và xác định nhu cầu trợ giúp cho gần 700 trẻ em khuyết tật. Trong đó, có hơn 70 trẻ có chỉ định phục hồi chức năng, gần 140 trẻ có chỉ định phẫu thuật chỉnh hình và hơn 20 trẻ được đeo tai trợ thính... Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận 26 trẻ khiếm thính, khiếm thị và chậm phát triển trí tuệ vào chăm sóc, điều trị theo chế độ chuyên biệt...Anh Tống Khánh Hải, Giám đốc Trung tâm, tâm sự: “Đối với trẻ khuyết tật cùng với những tổn thương, khiếm khuyết về mặt hình thể còn kèm theo các rối loạn chức năng vận động, nghe, nói, nhìn, tự phục vụ; kỹ năng giao tiếp, vui chơi, học hành, tâm lý xã hội và nghề nghiệp...gây cản trở trẻ khuyết tật thực hiện vai trò của mình trong cộng đồng. Mục đích của công tác phục hồi chức năng là hoàn lại một cách tối đa thực thể, tinh thần và nghề nghiệp để trẻ khuyết tật tái hoà nhập xã hội. Vì vậy, các kỹ thuật phục hồi chức năng phải kết hợp bao gồm cả lĩnh vực y tế, giáo dục và hướng nghiệp. Việc kết hợp giữa y tế giáo dục và hướng nghiệp trong công tác phục hồi chức năng giúp trẻ khuyết tật vừa được phục hồi chức năng bằng các phương pháp trị liệu, vừa được giáo dục rèn luyện các kỹ năng trong cuộc sống kết hợp với kiến thức học đường tạo điều kiện cho trẻ tàn tật phát triển cả về tâm thần, vận động, nhận thức, tiếp thu kiến thức, được hướng nghiệp nhằm giúp chúng có cơ hội tìm việc làm, có thể tự phục vụ và nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội...”.


Đó cũng chính là định hướng, mục tiêu ngay từ ngày đầu thành lập Trung tâm. Nhưng để công tác chăm sóc, trợ giúp trẻ khuyết tật đạt được hiệu quả cả chất lượng và chiều sâu, nếu chỉ với nguồn kinh phí được cấp cộng một phần hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những “Tấm lòng vàng” trong cộng đồng thì vẫn chưa thể đủ trang trải đối với những đợt phẫu thuật có số lượng trẻ lớn. “Hàn gắn nỗi đau” cho trẻ khuyết tật đòi hỏi việc xã hội hóa công tác này cần được nâng lên một tầm cao mới; phải có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội đối với thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, nhất là đối với những trẻ khuyết tật.


NGUYỄN PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần lắm những hũ gạo tình thương
HGĐT- Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", do Bộ Chính trị phát động đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân học tập và làm theo Bác với những việc làm tuy rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận trong xã hội. Qua bài viết này, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc trong phong trào "Hũ gạo tình thương" đang được Hội LHPN xã Yên Thành (Quang
19/09/2011
Thắm tình quân - dân
HGĐT- Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới là một nội dung quan trọng của sự nghiêp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc và an ninh quốc gia là điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước, thực hiên thành công mục tiêu xây dựng nước Viêt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
19/09/2011
Họp Ban tổ chức kỷ niệm 55 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam
HGĐT- Ngày 15.9, Ban tổ chức ( BTC)các hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam tiến hành họp dưới sự trủ trì của đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch Hội LHTN, Bí thư Tỉnh Đoàn.
16/09/2011
Hà Giang đoạt 7 giải thưởng cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng toàn quốc
HGĐT- Tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng (TTN – NĐ) toàn quốc năm học 2010 – 2011, 7 thí sinh của Hà Giang đã xuất sắc vượt qua rất nhiều thí sinh của các tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều địa phương rất mạnh về hoạt động sáng tạo TTN-NĐ để đạt 7 giải thưởng tại cuộc thi rất có uy tín này.
16/09/2011