Thực trạng sản xuất rau, quả, chè, thịt trong thời gian qua và một số biện pháp quản lý chất lượng an toàn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới
HGĐT- Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta được các cấp, các ngành quan tâm, thúc đẩy đầu tư phát triển nên đã tạo ra nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú và ổn định cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, các kỹ thuật sản xuất chủ yếu tập trung vào phát triển số lượng là chính. Do đó, việc quan tâm đầu tư đến chất lượng còn rất hạn chế, đặc biệt là việc áp dụng các qui phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP, GAHP), thực hành sản xuất tốt (GMP), phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất từ trang trại tới bàn ăn.
Với việc gia nhập WTO, cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có thế mạnh nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm đang sản xuất hiện nay đang phải đối mặt với các yêu cầu ngày càng tăng về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đặc biệt là yêu cầu của người tiêu dùng trong nước đối với các mặt hàng nông sản chủ yếu như rau, quả, chè và thịt gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm VSATTP chưa được tiến hành thường xuyên, dẫn đến tỷ lệ sản phẩm không đảm bảo VSATTP còn cao, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, bức xúc trong xã hội và cản trở xuất khẩu.
Một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên đã được triển khai, có kết quả ban đầu như: Xây dựng các mô hình áp dụng VietGAP, GAHP, tăng cường kiểm tra VSATTP. Tuy nhiên, đảm bảo VSATTP vẫn là thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp tại Việt
1. Thực trạng sản xuất rau, quả, chè, thịt trong thời gian qua
- Sản xuất rau, quả, chè và thịt ở quy mô nhỏ còn chiếm tỷ lệ lớn, gây khó khăn cho việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới, quy trình thực hành sản xuất tốt và quản lý VSATTP.
- Nhận thức về vấn đề VSATTP từ các cấp quản lý đến người sản xuất và tiêu dùng thực phẩm chưa thực sự đầy đủ và nhất quán. Từ đó, dẫn đến thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng và đầu tư các nguồn lực xã hội cho vấn đề này còn thấp, không thường xuyên.
- Việc kiểm tra, giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản. Chưa có đầy đủ cơ sở khoa học, phương pháp luận trong việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, chưa thống nhất phương pháp phân tích, kiểm tra, đánh giá giữa các phòng xét nghiệm VSATTP.
- Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm chưa được chú trọng, chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành về VSATTP, hoạt động kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành thường xuyên và chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.
- Đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu và yếu về nghiệp vụ chuyên môn, trang thiết bị cho công tác kiểm soát chất lượng vật tư chăn nuôi, thú y và VSATTP thiếu và không đồng bộ.
- Việc phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật về VSATTP đối với người sản xuất còn hạn chế. Các chương trình thông tin, truyền thông chưa nâng cao một cách rõ rệt kiến thức về VSATTP cho người sản xuất.
2. Giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rau, quả, chè và thịt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới
2.1 Quan điểm
- Đảm bảo tính phù hợp của cơ chế, chính sách; tính khả thi, hiệu lực cao của các quy trình quản lý, kiểm tra, kiểm soát; phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong kiểm soát quá trình từ sản xuất đến khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
- Thực hiện các nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến khi đưa ra lưu thông trên thị trường; tập trung nguồn lực để kiểm soát VSATTP tại công đoạn có rủi ro cao nhất trong toàn bộ quá trình.
- Thúc đẩy xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động kiểm nghiệm, kiểm tra chứng nhận hệ thống đảm bảo VSATTP. Tăng cường liên kết ngành hàng giữa chủ thể công đoạn sản xuất với phân phối, tiêu thụ, tạo sự gắn kết trách nhiệm và lợi ích.
- Chứng nhận và đảm bảo kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ tạo uy tín với người tiêu dùng và tăng giá hợp lý các sản phẩm được chứng nhận chất lượng.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về VSATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và thực hiện cơ chế xử lý vi phạm nghiêm minh.
- Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm an toàn tạo lợi ích, động lực cho người sản xuất, kinh doanh.
2.2. Mục tiêu đến năm 2020
- 100% diện tích rau, cây ăn quả, chè tại các vùng sản xuất tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VIETGAP);
- 100% sản phẩm rau, quả và 100% sản phẩm chè tại các vùng sản xuất tập trung được chứng nhận và công bố sản xuất, chế biến an toàn theo VIETGAP, HACCP;
- 80% số cơ sở chăn nuôi công nghiệp được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm theo GAHP; trên 90% cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp áp dụng HACCP, GMP;
-Tỷ trọng thịt được giết mổ, chế biến công nghiệp so với tổng sản lượng thịt đạt 24-25%.
2. 3. Giải pháp thực hiện
- Hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý VSATTP như:
+ Phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện Luật An toàn Thực phẩm;
-Tăng cường vai trò của UBND các cấp trong đảm bảo VSATTP: phân công trách nhiệm về quy hoạch, thanh tra, kiểm tra cơ sở, vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn; cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, chợ đầu mối rau quả, chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống và kiểm soát thực hiện quy hoạch, thanh tra, kiểm tra;
+ Hoàn thiện đề án hệ thống tổ chức quản lý VSATTP nông sản từ tỉnh đến địa phương huyện, xã.
- Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất rau, chè, quả và thịt đảm bảo VSATTP:
+ Điều tra, khảo sát, xác định các vùng sản xuất an toàn: vùng sản xuất rau, quả, chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VIETGAP); vùng chăn nuôi trọng điểm; vùng, liên vùng và cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh;
+ Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất an toàn: điện, đường giao thông, hệ thống tưới tiêu, nước sạch, hệ thống xử lý chất thải;
+ Tổ chức sản xuất theo quy mô trang trại, công nghiệp gắn với sơ chế, chế biến, giết mổ tập trung; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp, sơ chế, chế biến, liên kết với vùng, cơ sở sản xuất an toàn;
+ Khuyến khích áp dụng các chương trình, biện pháp đảm bảo VSATTP:GAP, GMP, HACCP, chương trình thú y cộng đồng,...
- Tăng cường năng lực quản lý VSATTP
+ Tăng cường nguồn lực: Hoàn thiện hệ thống quản lý, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho hệ thống cơ quan quản lý VSATTP nông sản từ trung tỉnh đến địa phương. Chuẩn hoá chức danh và đào tạo nâng cao năng lực theo tiêu chuẩn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý VSATTP;
+ Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra: Thành lập và triển khai hoạt động của hệ thống thanh tra VSATTP trong nông nghiệp từ trung ương đến địa phương; Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo về chất lượng, VSATTP; thực hiện truy xuất nguyên nhân sản phẩm rau, quả, chè và thịt không đảm bảo ATTP. Thực hiện kiểm tra, thanh tra về VSATTP đối với rau, quả, chè và thịt trong toàn bộ quá trình sản xuất: Từ khi trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ động vật, sơ chế, bao gói, bảo quản, vận chuyển đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất: phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, hoá chất, phụ gia bảo quản, sơ chế
+ Áp dụng các thực hành sản xuất tốt (GAP, GAHP) và xúc tiến hoạt động chứng nhận: Thử nghiệm và nhân rộng các mô hình áp dụng thực hành sản xuất tốt trong sản xuất rau, quả, chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với chứng nhận và công bố tiêu chuẩn chất lượng. Hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GAHP: tổ chức đào tạo, tập huấn; chi phí lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng đất, nước; chi phí kiểm tra nội bộ, chi phí chứng nhận.
+ Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn về VSATTP và xúc tiến thương mại: Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về VSATTP; nâng cao nhận thức về các qui định sản xuất, kinh doanh rau, quả, chè, thịt an toàn; đối với người sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Xây dựng kế hoạch truyền thông và tiếp thị sản phẩm an toàn theo các chuỗi ngành hàng; thông qua các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nhận biết và sử dụng sản phẩm an toàn.Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau, chè, thịt, quả an toàn.
+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, chè, quả, thịt: Triển khai áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt như: VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP trong từng công đoạn trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, giết mổ, chế biến.
Ý kiến bạn đọc