Hà Giang chặng đường 120 năm hình thành và phát triển
HGĐT - Hà Giang - mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc - đã có từ lâu đời. theo dòng lịch sử với các tên gọi khác nhau như bộ, châu, phủ... đến ngày 20.8.1891, toàn quyền pháp ở đông dương ra quyết định chia khu quân sự thứ ii thành 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang; triều đình nhà nguyễn thừa nhận quyền lực và tính pháp lý của quyết định đó. kể từ đây, Hà Giang chính thức có tên trên bản đồ đơn vị hành chính, là một tỉnh của nước việt nam.
Toàn cảnh Thành phố Hà Giang 120 năm tuổi
Lịch sử 120 năm đấu tranh xây dựng và phát triển của tỉnh Hà Giang là lịch sử của tinh thần yêu nước nồng nàn, tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, là ý trí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, truyền thống ấy luôn được củng cố và phát huy qua các thế hệ, qua từng giai đoạn phát triển cụ thể: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Hà Giang vượt qua khó khăn, gian khổ ra sức phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Nhiều gia đình tự nguyện quyên góp ruộng đất, trâu, bò, tiền của cho cuộc cách mạng; hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, nông dân tích cực nộp thuế nông nghiệp, động viên chồng và con em lên đường kháng chiến cứu quốc. Trong những năm kháng chiến, tỉnh ta đã có hơn 1.300 người vào bộ đội, nhiều người tham gia du kích; nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp được 27.500 tấn lương thực và hơn 1 triệu 800 nghìn ngày công phục vụ cho cuộc kháng chiến, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Những năm kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tuyền tuyến”, “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”... nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn phát huy truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường, không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển KT- XH, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Hàng vạn thanh niên, những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Hà Giang đã xung phong lên đường ra mặt trận, hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm, hàng vạn thanh niên xung phong, dân quân hoả tuyến đóng góp cho cuộc kháng chiến, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đã có 892 người con ưu tú của tỉnh anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 709 thương binh đã để lại một phần xương máu ngoài mặt trận. Với thành tích đó, hàng ngàn cá nhân, hàng trăm tập thể của tỉnh đã được Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công tác loại.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, năm 1976 để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Sang đầu những năm 90 của thế kỷ XX, xu thế hội nhập ngày càng phát triển, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng miền, từng địa phương xây dựng nền kinh tế thị trường, tỉnh Hà Tuyên lại được chia tách thành 2 tỉnh là Tuyên Quang và Hà Giang.
Trải qua 20 năm đổi mới, tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã vượt qua nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa: Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, giai đoạn 2005- 2010 tốc độ tăng trưởng bình bình quân hàng năm đạt 12,7%, đặc biệt trong sản xuất nông- lâm nghiệp đã tạo thành những vùng suất hàng hoá tập trung, trên cơ sở đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nền kinh tế của tỉnh từ chủ yếu là sản xuất mang tính tự cung, tự cấp đã và đang chuyển dần sang sản xuất hàng hoá với năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm ngày một tăng; an ninh lương thực được đảm bảo, bình quân lương thực theo đầu người đạt 460kg/người/năm, tăng 95kg so với năm 2005. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng lớn, làm thay đổi bộ mặt thành thị và nông thôn, đến nay hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã đã được dải nhựa hoặc bê tông hoá đến trung tâm, các xã đều có trạm y tế, các huyện đã có bệnh viện khang trang, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày một tốt hơn; công tác giáo dục- đào tạo được mở rộng cả về quy mô và loại hình trường lớp, chất lượng dạy, học được nâng lên rõ rệt. Năm học 2009-2010 có 190/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, trình độ dân trí được nâng lên; tỷ lệ phủ sóng phát thanh- truyền hình đạt trên 90%. Lao động, việc làm và xoá đói giảm nghèo có nhiều đổi mới và tiến bộ, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, với nhiều chính sách cụ thể, theo hướng phát huy nội lực là chính, thông qua các chính sách, dự án đầu tư, chương trình mục tiêu Quốc gia như Chương trình 134, 135 và mới đây là Nghị quyết 30a, Quyết định 167 của Chính phủ, cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, sự vươn lên của các hộ nghèo, đại bộ phận hộ nghèo trong tỉnh đã được xoá nhà tạm, xây dựng các công trình vệ sinh, bể nước ăn, vay vốn không lãi để phát triển sản xuất... Qua đó đời sống của người dân đã từng bước cải thiện, nâng cao theo hướng bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,8% (theo tiêu chí cũ), giảm 35,3% so với năm 2005; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 30% vào năm 2010. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thông chính trị trong tỉnh có sự đổi mới về phương thức lãnh đạo theo hướng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng; mạnh dạn triển khai luân chuyển cán bộ giữa các cấp, ngành; tổ chức phân cử cán bộ, sĩ quan trong LLVT cho các xã, khu vực trọng điểm, biên giới. Cùng với đó là quan tâm cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước ở huyện, tỉnh và Trung ương; các huyện thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa các chức danh chủ chốt của xã, thị trấn lên huyện để bồi dưỡng phương pháp làm việc, giúp đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng trưởng thành về trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao chất lượng trong quản lý, điều hành, đáp ứng tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
Có thể nói hơn một thế kỷ qua, đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã vượt qua mọi khó khăn, góp phần cùng cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa. Vinh dự và tự hào, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang và các danh hiệu cao quý khác, đặc biệt vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh, Hà Giang lại vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Điều đó vừa thể hiện niềm vinh dự, vừa thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ý kiến bạn đọc