Giao ban trực tuyến toàn quốc sơ kết thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
HGĐT- Sáng 29.8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm 2011.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Hà Giang có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (Phó trưởng ban Thường trực BCĐ) đã báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011, trong đó đánh giá: Năm 2011 là năm thứ 2 thực hiện đề án, với mục tiêu dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn, trong đó có ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo. Trong 6 tháng đầu năm nay, từ Trung ương đến các địa phương đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, thành lập BCĐ các tỉnh và các tổ công tác thực hiện đề án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách của đề án, các mô hình, cách làm hay về dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Trong 6 tháng, cả nước đã dạy nghề cho 267.032 người theo chính sách của đề án, đạt 53% kế hoạch. Ngoài việc được dạy các kỹ năng nghề, một số lớp các học viên còn được trang bị các kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, các kỹ năng “mềm” khác như: Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, tạo dựng các mối quan hệ cộng đồng làng, xóm... Một số lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, tỷ lệ học viên gắn với việc làm và có việc làm mới ở các địa phương đạt trên 86%; một số mô hình thí điểm đã hoàn thành, được tổng kết và có thể ứng dụng rộng rãi, các mô hình khác đã dần rõ nét; điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn được chuẩn bị tích cực, bài bản; nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân về học nghề tăng rõ rệt...
Hội nghị cũng đã được nghe một số báo cáo tham luận từ một số địa phương; các bộ, ngành T.Ư và các gương lao động điển hình sau khi được học nghề. Qua đó đều đánh giá cao Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, giúp cho các địa phương nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đối với Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề triển khai 2 lớp mô hình thí điểm về dạy nghề cho 70 lao động nông thôn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến bảo quản chè sau thu hoạch và kỹ thuật gò hàn, sửa chữa máy nông nghiệp. Kết thúc khóa học, 100% học viên đều có việc làm; phối hợp với trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạmvà kỹ năng dạy học cho giáo viên dạy nghề; cử cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề cấp tỉnh, huyện và các cơ sở dạy nghề. Đến nay 11 huyện, thành phố đều có các trung tâm dạy nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ giáo viên nhiệt tình, ngành nghề đào tạo của các trung tâm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai của các Bộ, ngành T.Ư và các địa phương trong quá trình thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, do đó đã hoàn thành cơ bản kế hoạch mà Đề án đề ra. Tuy nhiên một số tỉnh việc phê duyệt đề án còn chậm. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần tích cực vào cuộc hơn nữa, tạo ra được sự gắn kết 3 bên giữa nơi đào tạo với người sử dụng lao động và người học; tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là các mô hình tiêu biểu, các nội dung, chính sách của đề án để người dân hiểu và biết được nghề trước khi đi học; tiếp tục hoàn thiện bộ máy BCĐ từ Trung ương đến các địa phương để thực hiện đồng bộ chương trình; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả và xây dựng chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn trên các phương tiện truyền thông tại địa phương...
Ý kiến bạn đọc