Chiến sĩ trong lòng dân
HGĐT- XÃ LAO CHẢI, HUYÊN VỊ XUYÊN LÀ XÃ BIÊN GIỚI, VÙNG III, ĐẶC BIÊT KHÓ KHĂN CỦA TỈNH. TRƯỚC KIA, NƠI NÀY CÒN LÀ MỘT VÙNG GẦN NHƯ TRẮNG DÂN CƯ, BỞI HẬU QUẢ CỦA CHIẾN TRANH. THẾ NHƯNG, NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY, CÙNG VỚI SỰ QUAN TÂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, NHẤT LÀ TỪ KHI CÓ MẶT CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ ĐỘI SẢN XUẤT SỐ 6 - ĐOÀN KT-QP 313, ĐÃ BÁM ĐẤT, BÁM DÂN, GIÚP VÙNG ĐẤT NÀY TỪNG BƯỚC THAY DA, ĐỔI THỊT.
Dân quân xã Phương Thiện giúp dân làm đường. Ảnh: QUANG HƯNG |
Trong những ngày tháng bảy, chúng tôi có dịp trở lại Đội sản xuất số 6, Đoàn KT- QP 313. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, vượt qua 24 km đường ngoằn nghoèo, đèo dốc, chúng tôi đã đến thôn Bản Phùng, nơi đơn vị đóng quân.
Theo chân các anh, chúng tôi cùng đến thăm gia đình ông Sùng Vản Dấu, người già bản mà các anh trìu mến gọi bằng “Bố”, xưng “Con”. Những năm trước đây, đời sống kinh tế gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2004, gia đình ông được Đội sản xuất số 6 giúp dựng nhà mới, hỗ trợ một con bò giống và 500 gốc thảo quả. Từ sự giúp đỡ về vốn, kỹ thuật của cán bộ, đội viên Đội sản xuất số 6, gia đình ông Dấu đã dần ổn định cuộc sống. Số thảo quả đã cho thu hoạch, bò giống đã sinh sản lứa đầu tiên. Gia đình ông không còn đói nữa.
Cùng với gia đình ông Dấu, 140 hộ dân khác trên địa bàn xã cũng được Đội hỗ trợ giống, vốn để phát triển cây thảo quả, trị giá 1 triệu đồng/1ha, tổng diện tích hỗ trợ là 129,2 ha; đồng nghĩa với việc chừng ấy ha rừng được bảo vệ, bởi đặc điểm sinh trưởng của cây thảo quả chỉ mọc dưới tán rừng, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Với diện tích 3/4 là đất lâm nghiệp, ở độ cao trên 1200m so với mực nước biển; khí hậu quanh năm mát mẻ, Lao Chải thực sự là địa bàn rất thuận lợi cho phát triển cây thảo quả. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Ngọc Phong, Đội trưởng Đội sản xuất số 6, cho biết: “Để bảo đảm việc mở rộng diện tích thảo quả, chúng tôi xây dựng 3ha vườn ươm, cấp giống cây sa mộc, cây mỡ để bà con trồng rừng, mở rộng diện tích thảo quả bền vững”.
Nhận thức rõ giá trị kinh tế của cây thảo quả, nhân dân cũng tích cực đầu tư giống, vốn để trồng mới. Tính đến nay, diện tích cây thảo trong toàn xã đã phát triển thành 578,8 ha. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ giàu. Điển hình như gia đình ông Giàng Vần Chang, ở thôn Bản Phùng; Lý Văn Xuyên ở thôn Lùng Chư Phùng... hay gia đình anh Sùng Seo Chư, thôn Bản Phùng với diện tích gần 5 ha, chỉ tính riêng trong năm 2010, gia đình anh Chư thu nhập từ thảo quả trên 75 triệu đồng. Anh tâm sự: “Từ cây thảo quả mà nhà mình đã có cái ăn, cái mặc, còn có tiền cho con ăn học”.
Dự án phát triển cây thảo quả, là một trong những dự án thành công rất có ý nghĩa của Đội, đã làm thay đổi tập quán canh tác của đồng bào: Từ chỗ đốt rừng để làm nương, nay giữ rừng để trồng thảo quả. Có thể khẳng định, tận dụng tiềm năng dưới tán rừng để phát triển trồng cây thảo quả là hướng làm kinh tế mới, thoát nghèo bền vững của đồng bào nơi đây. Ông Vàng Vần Lử, Bí thư Đảng uỷ xã Lao Chải, cho biết: “Cây thảo quả thực sự là động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chính quyền và nhân dân xã Lao Chải vô cùng cảm ơn cán bộ, chiến sỹ Đội 6 đã mang đến cho địa phương dự án nhiều ý nghĩa này”.
Để có được những kết quả đáng tự hào đó, không thể quên những ngày đầu gian khó, lặn lội thực hiện “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào, các anh đã biến những khu đất cằn cỗi quanh doanh trại, thành mô hình mẫu cho bà con tận mắt nhìn thấy. Quanh năm, vườn rau xanh mơn mởn, mùa nào thức ấy, trong chuồng: lợn, gà, vịt hàng đàn; đào ao thả cá, trồng cây su su...đồng thời cử cán bộ có chuyên môn về công tác khuyến nông trực tiếp xuống từng thôn, bản, từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, giải thích. Miệng nói, tay làm, hướng dẫn bà con nhân dân kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc các loại cây có hiệu quả kinh tế cao; cấp giống ngô lai và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, góp phần nâng năng suất lên gần 4 tấn/1ha, cao hơn nhiều lần so với trước. Cùng với đó, Đội đã cho 26 hộ nghèo nuôi luân chuyển 30 con trâu, bò sinh sản. Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát, xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu. Cuối năm 2008 đã hoàn thành 3.424 m kênh mương, bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho trên 300 hộ dân và nước tưới cho hơn 76 ha ruộng lúa nước. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cây trồng, vật nuôi, cuộc sống bà con nơi đây từng bước được cải thiện.
Cuộc sống của đồng bào xã Lao Chải tuy chưa hết nghèo khó, nhưng bước đầu đã có của ăn, của để. Với những việc làm trách nhiệm và nghĩa tình; cán bộ, chiến sỹ Đội 6 - Đoàn KT-QP 313 đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo của vùng đất biên giới nghèo nàn, lạc hậu; xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc