Ngày hè trên đất mỏ
Đã gần 10 năm trôi qua, lên đất mỏ lần nào tôi cũng bị quấn hút. Một phần có lẽ là vùng tài nguyên giàu có đã và đang góp phần làm đổi thay vùng đất nghèo Mậu Duệ cho cả trăm gia đình cán bộ công nhân lao động miệt mài ngày đêm trên đất mỏ. Một phần là những con số đóng góp vào ngân sách địa phương qua các năm càng ngày càng tăng, cùng những hỗ trợ của những người thợ mỏ vào những lĩnh vực an sinh, xã hội cho đông đảo đồng bào địa phương trong công tác xoá đói, giảm nghèo theo thời gian, qua năm tháng của doanh nghiệp cho các xã Mậu Duệ, Du Tiến, Thắng Mố... trong những năm gần đây đã và đang góp phần tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực.
Đất mỏ hôm nay gặp lại vẫn những gương mặt thân quen ngày nào, kỹ sư Phạm Văn Tuấn ở xưởng luyện, Quản đốc Đào Văn Cảnh, khu khai thác... Đã gần 10 năm qua đi, Kỹ sư, Quản đốc khu khai thác quặng nguyên liệu Đào Văn Cảnh trông ngày càng sương gió hơn. Dáng to cao, nước da hình như lai người Phi châu mạnh mẽ, khu khai thác hiện có 85 công nhân lao động, gần 20 bảo vệ làm việc. Mỗi năm khai thác bình quân trên 5.000 tấn quặng nguyên liệu đảm bảo cho xưởng luyện kim loại với công suất trên 600 tấn Ăng ti mon kim loại phục vụ xuất khẩu, mang về 80-90 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn, việc làm cho cả doanh nghiệp trên 200 lao động, hàng năm nộp ngân sách tỉnh từ 12- 15 tỷ đồng. Toàn bộ anh em công nhân làm việc theo ca ban ngày, đêm chỉ có anh em bảo vệ làm việc 24/24 giờ để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong, ngoài mỏ, ổn định sản xuất, an toàn lao động, bảo vệtài sản doanh nghiệp. Không khí lao động trên khu khai thác mỗi lúc một cao lên theo cái nắng oi nồng mùa hạ. Tiếng máy xúc, máy ủi, xe tải nặng ầm vang một vùng núi. Từng ben quặng nặng trĩu sam xám ánh bạc chứa chất niềm vui của người thợ mỏ hiện lên trong không gian náo nhiệt. Các bạn công nhân cho biết: Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn hiện nay mỗi người tự ý thức lao động chủ động, có kỷ luật, luôn tìm tòi cải tiến kỹ thuật đưa năng suất lao động ngày một tăng. Thực hiện tiết kiệm từng hạt quặng trong khai thác, tận thu nguyên liệu, cải tiến cách bốc dỡ đất đá sao cho khoa học, đổ thải tập trung và trồng cây xanh trên đất quanh mỏ bảo vệ môi trường. Bao quanh trên diện tích gần 10 ha diện tích mỏ được giao, cây xanh đã bao bọc kín đất sau khai thác hoàn thổ. Theo tính toán của đơn vị, cứ mỗi năm khai thác xong đến đâu, hoàn thổ đến đó, rồi tiến hành trồng cây. Thời điểm hiện tại đã có gần 5 ha cây xanh được trồng quanh đất mỏ. Gần kề khu khai thác doanh nghiệp đã tiến hành đắp đập vững chắc làm nơi đổ thải. Mỗi năm tổ chức quan trắc đánh giá tác động môi trường tại đất mỏ 2 lần để tự điều chỉnh tác động do khai thác tạo ra làm cho môi trường ổn định, gắn sản xuất trong môi trường bền vững. Đã lâu, tôi mới trở lại đất mỏ, thấy sản xuất với môi trường vẫn được doanh nghiệp thực hiện khá chu tất. Được biết, đến thời điểm hiện nay Công ty Cổ phần cơ khí & khoáng sản Hà Giang vẫn là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc thực hiện tốt nhất công việc ký quỹ tái tạo môi trường và thực hiện công tác ngăn chặn tác động đến môi trường sau khai thác bằng các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả. Khai thác đi đôi tận thu nguyên liệu, bảo vệ môi trường.Đến mỏ thấy cảnh sinh hoạt, đời sống xanh, sạch, anh em công nhân gắn bó, tình người lao động địa phương với mỏ chan hoà. Được biết, trên khu khai thác mỗi ngày có trên 50 lao động là đồng bào dịa phương tham gia thu nhặt quặng bán lại cho nhà máy tuyển luyện. Toàn bộ số lao động thời vụ trên được đăng ký, trả tiền trong ngày từ 50-70 ngàn đồng và được doanh nghiệp hỗ trợ ăn trưa ngay tại nơi làm việc. Bà con lao động tại đây cho hay rằng đã gắn bó với đất mỏ, anh em công nhân cả chục năm, mỏ giờ đã là nhà của bà con trong và quanh khu Mậu Duệ, tình cảm ngày càng gắn kết, ngày lễ tết no đói có nhau. Quản đốc Đào Văn Cảnh cho rằng, về nhà, nhớ mỏ và ở mỏ là nhà. Xa vợ con, ăn ở với công nhân, với bà con trên đất mỏ với anh đã trở thành máu thịt trong cuộc sống hôm nay.
Trong không khí nóng hổi của hệ thống lò thiêu, Quản đốc xưởng luyện kim loại Phạm Văn Tuấn đang miệt mài cùng anh em công nhân làm việc. Anh cho biết: Trong giai đọan khó khăn của nền kinh tế, tập thể cán bộ, kỹ sư nhà máy đã không ngừng phát huy cải tiến công nghệ, đổi mới kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nguyên liệu. Thay thế hình thức đốt than trực tiếp tại lò với quặng nguyên liệu bằng hệ thống thiêu hơi nóng qua ông dẫn nhiệt đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất hiện nay. Mỗi ngày nhà máy duy trì sản xuất 3 ca liên tục. Mỗi tháng cho ra lò từ 55- 60 tấn Ăng ti mon kim loại. Duy trì sản xuất ổn định là giải pháp giúp cho doanh nghiệp ổn định, phát triển trong suốt những năm qua. Thực tế cho thấy, trong cả giai đoạn suy thoái nền kinh tế toàn cầu cuối năm 2007, đầu năm 2008 và hiện nay là chuỗi khủng hoảng nợ công ởchâuÂu, châu Mỹ đã và đang đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng. Tiền tệ thắt chặt, lạm phát gia tăng, giá cả tiêu dùng gia tăng... thì việc giữ ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động được xem là “Lời giải” hữu hiệu nhất đối với doanh nghiệp. Và điều đó là mấu chốt để doanh nghiệp phát triển. Anh em công nhân trên đất mỏ cho biết, thu nhập bình quân của họ đạt tỷ trọng “đóng thuế” thu nhập cá nhân do nhà nước quy định trên 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện lương tối thiểu hệ số mới áp dụng là 1.050 đồng (lương cơ bản), được biết, Công ty Cổ phần cơ khí & khoáng sản Hà Giang là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh áp dụng trả lương cho công nhân theo quy định mới nhất của Chính phủ đề ra, nhằm hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Thiết nghĩ: Việc đảm bảo được 3 lợi ích là, người lao động – doanh nghiệp – Nhà nước chính là tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững nhất.
Ý kiến bạn đọc