Tăng cường công tác bảo hộ lao động góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Bảo hộ lao động (BHLĐ) là các hoạt động nhằm loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo điều kiện lao động thuận lợi và ngày càng được cải thiện tốt hơn để ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau và giảm sút sức khỏe cũng như những thiệt hại khác đối với người lao động, nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động. Trong những năm qua, công tác BHLĐ của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.065 doanh nghiệp và 639 HTX với khoảng 35.895 công nhân lao động và xã viên, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 2.875 lao động, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 18.120 lao động và 14.900 xã viên trong HTX. Trong năm 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết và 15 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn trên phần lớn là do người sử dụng lao động chưa quan tâm đến công tác BHLĐ và do người lao động chưa chấp hành nghiêm chỉnh về quy trình an toàn lao động. Hậu quả của các vụ cháy nổ thường gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của, ảnh hưởng tới nền kinh tế - xã hội. Do làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống cháy nổ nên năm qua toàn tỉnh không để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng; trong qúa trình lao động sản xuất, một số vụ cháy xảy ra với quy mô nhỏ và được xử lý kịp thời. Trong năm toàn tỉnh xảy ra 62 vụ cháy và 1 vụ nổ, tổng giá trị thiệt hại là 24 tỷ 362 triệu đồng. Công an tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền công tác PCCC được 11 lớp với 327 lượt người tham dự tại các cơ sở, ngành trọng điểm về kinh tế – xã hội – văn hóa, các địa bàn cơ sở có tính chất nguy hiểm, cháy nổ cao; xây dựng và củng cố 361 đội PCCC, dân phòng tại các cơ sở và các địa bàn; thường xuyên kiểm tra công tác an toàn PCCC tại các cơ sở thuộc diện PCCC. Trong năm, đã lập danh sách 571 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC như: Cơ sở kinh doanh xăng, dầu, ga, kho vật liệu cháy nổ cố định và di động, chợ kiên cố, chợ bán kiên cố, khối cơ quan, trường học...; phân loại cơ sở nguy hiểm cháy, nổ loại I là 50 cơ sở, loại II là 196 cơ sở, loại III là 325 cơ sở. Kiểm tra an toàn PCCC theo định kỳ, đột xuất được 409 lượt cơ sở, lập 409 biên bản kiến nghị với 1.184 thiếu sót về PCCC...
Qua đánh giá, phân tích cho thấy, trong những năm qua điều kiện làm việc của người lao động tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế của tỉnh cơ bản đều được đảm bảo và được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư khá nhiều tiền để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, mua sắm và trang bị bảo hộ lao động và có nhiều sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, qua đó có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng lao động, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo sức khỏe cũng như việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm thiểu các rủi ro trong qúa trình lao động sản xuất. Thực hiện công tác vệ sinh lao động, một số đơn vị đã thực sự quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện bệnh nghề nghiệp, qua đó sắp xếp công việc hợp lý phù hợp với tình trạng sức khỏe của người lao động. Đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện cho công nhân lao động hàng năm được khám sức khỏe định kỳ, tiêu biểu là các đơn vị như: Viễn thông Hà Giang, Công ty Điện lực, Công ty Xăng, dầu Hà giang, Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông, Công ty Cổ phần Hải Hà... Việc thực hiện các chế độ chính sách về BHLĐ được các cấp, các ngành và các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, trang bị phương tiện BHLĐ cho người lao động, thực hiện bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật đối với những công nhân lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Các trang thiết bị, phương tiện BHLĐ như quần áo, mũ, giầy, ủng, găng tay... đã được các doanh nghiệp thực hiện cấp phát đầy đủ, tiêu biểu là các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Hùng Cường, Tập đoàn Công ty Cổ phần khoáng sản và Năng lượng Hoàng Bách, Công ty TNHH Giang Sơn, Công ty TNHH Tiến Đạt... Chế độ bồi dưỡng độc hại được một số doanh nghiệp quan tâm như: Công ty Cổ phần Cơ khí & khoáng sản hà Giang, Công ty Xăng, dầu Hà Giang... Bên cạnh đó, các ngành chức năng như Sở LĐTB & XH, Liên đoàn LĐ tỉnh, Công an tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền mạnh mẽ về công tác an toàn, vệ sinh lao động phòng, chống cháy nổ. Năm 2010, Sở LĐTB&XH đã tổ chức huấn luyện được 6 lớp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động cho 409 người là cán bộ các xã, phường, thị trấn và các ngành. Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế đã tổ chức huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động cho 2.628 người. Sở Công thương đã kết hợp với các cơ quan chức năng mở 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nổ mìn cho 124 lao động, cấp 124 chứng chỉ nổ mìn, cấp 141 giấy phép sử dụng vật liệu nổ cho 105 doanh nghiệp; đăng ký thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được 32 thiết bị và vật tư có yêu ầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Trong năm 2010, Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp kiểm tra 116 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện công tác BHLĐ, tổ chức thanh tra về việc chấp hành các quy định về thực hiện Bộ Luật lao động góp phần đảm bảo an toàn lao động cho công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị đóng chân trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc