Hội đồng hương Hà Giang tại Hà Nội: Dư âm ngày họp mặt
HGĐT- Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội đồng hương Hà Giang tại Hà Nội (2001-2011), anh chị em chúng tôi, những người con sinh ra trên mảnh đất Hà Giang và những người đã từng cống hiến cho mảnh đất xa xôi của chúng tôi đã có cuộc họp mặt khá đông đủ và thật vui.
Thường mỗi năm một lần, thông qua Ban liên lạc, anh chị em lại tề tựu tại một địa điểm nào đó để thăm hỏi nhau, cùng ôn lại kỷ niệm những ngày sống trên mảnh đất cực bắc của tổ quốc. Đầu tháng 3 vẫn đang là mùa xuân. Tiết xuân với mưa lây phây, không khí dịu nhẹ, cỏ cây xanh tươi, hoa lá rực rỡ sắc màu như cùng vui chung trong niềm vui của chúng tôi. Hơn hai trăm người từ khắp các quận, phường Hà Nội đã tập trung về đây tíu tít chuyện trò rồi hát và ngâm thơ. Dĩ nhiên trong những ca khúc chúng tôi đã cùng nhau say mê hát không thể thiếu bài “Hà Giang quê hương tôi” của nhạc sỹ Thanh Phúc. Nhạc sỹ Thanh Phúc đã viết đến vài chục ca khúc về Hà Giang nhưng chỉ với “Người Mèo ơn đảng” và “Hà Giang quê hương tôi” đã thừa tiêu chuẩn trở thành công dân danh dự của tỉnh, nhưng thật tiếc, bởi tuổi đã cao, mấy năm nay ông ít đi lại. Còn nhiều người cũng là những nhân vật làm rạng rỡ cho quê hương tôi không đến được trong cuộc gặp mặt hôm nay. Đó là Giáo sư Lê Trung Vũ, nguyên cán bộ Ty Văn hóa Hà Giang, người đã dành hàng chục năm trời lặn lội 3 cùng với đồng bào khắp vùng cao sưu tầm và giới thiệu kho tàng truyện cổ, dân ca, ca dao các dân tộc thiểu số Hà Giang; đó là nghệ sỹ ưu tú Kim Tiến, diễn viên múa Đoàn văn công tỉnh, phát thanh viên sáng giá hơn 3 thập kỷ của Đài truyền hình Việt Nam... Thiếu sót này Ban liên lạc nhiệm kỳ 2011-2015 cần khắc phục.
Gọi “Hội” cho oai vậy thôi chứ thực ra nó chỉ là Ban liên lạc đồng hương, nơi tụ họp những người tự nguyện, đã từng sống, học tập, công tác ở Hà Giang nay sinh sống và làm việc tại Hà nội. Có một ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa đó là cách đây 10 năm, ngày ra mắt Hội, ông Triệu Đức Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tới dự và tặng quà. Năm nay, kỷ niệm 10 năm, ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, con trai ông Triệu Đức Thanh đến dự và cùng chung vui với anh chị em. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, vậy là một thế hệ đã đi qua. Cùng đến dự buổi gặp mặt với Bí thư Tỉnh ủy còn có ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND, ông Thào Hồng Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh. Các vị lãnh đạo đã thân mật, cởi mở chia sẻ tâm tư với các đồng hương. Anh chị em chúng tôi thực sự xúc động trước mối quan tâm của thế hệ lãnh đạo mới của tỉnh, đặc biệt là các bác nghỉ hưu có thâm niên. Mọi người đều có chung một niềm tin rằng lớp trẻ sẽ làm được nhiều cho Hà Giang.
Hội đồng hương Hà Giang ở Hà nội hiện nay tập hợp được 493 thành viên, chiếm khoảng hơn 70% người Hà Giang sinh sống ở Hà Nội. Đó là những người đã cống hiến cả một thời thanh xuân cho vùng cao Hà Giang, có những người không chỉ sống và làm việc vì Hà Giang những năm tháng tuổi trẻ mà còn gắn bó với mảnh đất biên cương suốt mấy chục năm trời trong thời kỳ khó khăn nhất. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Phạm Đình Di đã có mặt nơi vùng quê nghèo khó này ngay từ những năm còn là một kỹ sư mới ra trường. Nếu không nhắc chắc lớp trẻ không bao giờ biết được, cây cầu Yên Biên I chính là tác phẩm đầu tay của kỹ sư trẻ Phạm Đình Di. Những năm 60 của thế kỷ trước, đó là một trong những công trình lớn, đến hôm nay, đã bốn năm chục năm trôi qua, Yên Biên I vẫn là nhịp cầu nối hai bờ sông Lô giữa lòng thành phố, chứng kiến từng bước phát triển của Hà Giang, hiện diện trong kỷ niệm vui buồn của bao thế hệ và điểm tô cho vẻ đẹp thơ mộng của phố núi. Xa Hà Giang, tôi nhớ những ngọn hình răng cưa tít tắp mù sương, nhớ núi Mỏ Neo chất ngất, nhớ dòng Lô và nhớ tình người chân chất, mộc mạc quê tôi. Các anh Thiều Khắc Được, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, anh Hoàng Toái, Thiếu tướng Phó tư lệnh quân khu II... cũng có người chỉ làm chuyên viên, giáo viên tiểu học, thậm chí có người cả đời làm “vạn đại”, nhưng có một điều rất chung là dù sống ở xa Hà Giang nhưng ai cũng nhớ về mảnh đất Hà Giang nghèo khó mà giàu tình cảm. Chắp nối các câu chuyện hàn huyên, tất cả đều toát lên một điều: người Hà Giang chân thành và mến khách, mảnh đất Hà Giang là một vùng văn hóa đặc sắc. Đó là ấn tượng về một vùng quê không thể quên.
Trong buổi họp mặt tôi được gặp lại những người tôi yêu mến. Thầy Chu Lục Sự giáo viên lịch sử trường Lê Hồng Phong, người chỉ với vài nét phấn tài hoa mà những bản đồ lịch sử hiện lên đầy đủ, sinh động và chính xác. Người thầy ấy đã thổi vào tâm hồn tôi niềm say mê tìm hiểu lịch sử và tình yêu tổ quốc. Năm nay thầy đã gần 80 tuổi nhưng vẫn rất khỏe, minh mẫn và hóm hỉnh. Nhìn ông tranh luận cùng Giáo sư sử học Lê Mậu Hãn, người bạn từ thời sinh viên của ông, mà lòng tôi càng yêu kính thầy hơn. Anh Phong Hà nguyên Trưởng Ban tài chính quản trị Tỉnh ủy với dáng người nhỏ nhắn lanh lợi luôn cười và bắt tay các đồng sự. Các cựu học sinh trường Lê Hồng Phong: Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Hùng, Phạm Hòa, Ngô Mạnh Trí...
Lớp trẻ từ Hà Giang chuyển về Hà Nội công tác nhiều người đang thực thi trọng trách của mình rất hiệu quả. Anh Nguyễn Phúc Vinh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Điện lực miền Bắc, mạnh thường quân của hội, anh là người có công duy trì, củng cố và phát triển hội. Anh Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chị Triệu Thị Nái, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Quốc hội; Trung tướng Hoàng Châu Sơn, Cục trưởng Cục Dân quân Bộ Quốc phòng... Lớp đàn em như Thạc sĩ Vũ Ngọc Hảo, Giám đốc Trung tâm đào tạo Làng trẻ SOS Hà Nội; Nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó khoa Môi trường Trường Đại học Tài nguyên – Môi trường, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hạnh Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Báo chí và truyền thông. Các cô con dâu của Hà Giang cũng tiếp tục phát huy khả năng ở nhiều lĩnh vực công tác: Tiến sĩ Phạm Ngọc Thắng, hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu học liệu Viện Nghiên cứu Sách và học liệu Nhà xuất bản Giáo dục; Tiến sĩ Đỗ Thị Hằng, nghiên cứu viên chính của Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông, người hai năm liền, 2009 và 2010, được nhận giải báo chí. Còn rất nhiều người là Giáo sư, Tiến sỹ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, các doanh nhân thành đạt, nhiều người làm việc tại các cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Thủtướng chính phủ.
Đồng hương Hà Giang ở Hà Nội tập hợp nhau lại không chỉ thuần túy thăm hỏi sức khỏe nhau, ôn lại kỷ niệm “ngày xưa”. Tất cả đều biết rằng vùng quê ấy còn khó khăn lắm nên khi nghe tin Xín Mần, Bắc Quang, Hoàng Su Phì gặp thiên tai, nhiều người đã quyên góp ủng hộ tiền, sách vở, quần áo, chăn màn. Thật tiếc, do thông tin chưa đầy đủ nên nhiều hội viên không kịp tham gia. Số tiền, hàng quyên góp được không lớn nhưng đó là tấm lòng của những người vẫn đau đáu nghĩ về vùng quê yêu dấu.
Trong lời phát biểu với anh chị em đồng hương, Bí thư Tỉnh ủy, Tiến sĩ Triệu Tài Vinh đã coi đây cũng là nguồn lực của tỉnh. Biết anh động viên anh chị em thôi, nhưng quả thực người Hà Giang ở Hà Nội cũng khá tiềm năng, nhiều người có khả năng đầu tư cả trí tuệ và vật chất cho vùng đất họ yêu mến. Vài năm qua những cuộc hành hương của hội viên Hội đồng hương thường được tổ chức theo nhóm ngành công tác, những người công tác trong ngành giáo dục, ngành văn hóa, nông nghiệp hoặc các cơ quan huyện... Trở về nơi xưa, họ được bà con, bạn bè đón tiếp nồng hậu, được cơ quan cũ quan tâm, tình cảm giữa người đi xa và người ở lại càng thêm bền chặt. Những cuộc tiếp xúc này chính là điều kiện để nắm bắt thông tin và định hướng hoạt động của những người đi xa giúp đỡ Hà Giang, nơi họ đã từng sống và mãi còn gắn bó.
Có lẽ tình nghĩa mãi sâu đậm đối với những người luôn chia ngọt sẻ bùi. Truyền thống ấy truyền sang cả thế hệ sau. 10 năm trôi qua, theo đánh giá của ban liên lạc, hội luôn “giữ vững phong trào, hoạt động bền bỉ”, từ chuyện thăm nom nhau khi ốm đau, sẻ chia việc hiếu, việc hỷ đến bàn bạc tìm ra biện pháp hoạt động tốt hơn trong tương lai... Trong cuộc gặp mặt hôm nay, vấn đề được anh chị em hưởng ứng và bàn luận sôi nổi nhất là làm thế nào cống hiến được nhiều hơn cho Hà Giang.
Buổi liên hoan ngày gặp mặt đầu năm diễn ra trong không khí thật ấm cúng và chứa chan tình cảm. Chia tay, các anh lãnh đạo tỉnh phải về ngay để ngày mai còn xuống cơ sở theo kế hoạch, tiếng hát “Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu của tôi” cứ vang lên không dứt, tiếng hát vang vọng từ chính trái tim mỗi người. Tạm biệt nhé, hẹn mùa xuân sang năm gặp lại!
Ý kiến bạn đọc