Giải quyết chất đốt cho đồng bào vùng cao - nhu cầu cấp thiết hiện nay

17:10, 14/03/2011

HGĐT- Các huyện vùng cao núi đá gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ là nơi cư trú của cộng đồng 18 dân tộc anh em gồm Mông, Tày, Dao, Kinh, Nùng, La Chí, Pu Péo...Thu nhập bình quân đầu người đạt dưới 3 triệu đồng/năm.


 

 Lấy củi giúp gia đình trên đường đi học về.


Toàn vùng có trên 60% số hộ thuộc diện đói nghèo. Trong những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư và triển khai nhiều dự án hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế – xã hội cho nhân dân tại 4 huyện vùng cao để nâng cao đời sống cho nhân dân về mọi mặt, cải thiện môi trường sinh thái, giảm tác động một chiều vào tài nguyên thiên nhiên như Chương trình 30a, Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ xây dựng hồ treo...Song do áp lực về dân số, nhu cầu nguyên liệu làm chất đốt cho đun nấu, sinh hoạt ở hộ gia đình ngày càng gia tăng và trở nên khan hiếm đã kéo theo việc khai thác rừng vượt quá khả năng sinh trưởng của cây rừng, làm giảm chức năng phòng hộ. Mặc dù đã được Chính phủ quan tâm đầu tư trong công tác trồng và hỗ trợ lương thực cho người dân bảo vệ rừng, song diện tích rừng trồng mới chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến trữ lượng và sinh khối rừng chưa được nâng lên rõ rệt. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu sử dụng cây rừng làm chất đốt của nhân dân hiện nay là quá lớn, đời sống của nhân dân còn nghèo chưa thể sử dụng các chất đốt thay thế như: ga, than, điện... Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững cần nâng cao độ che phủ rừng, hạn chế tình trạng khai thác cây rừng làm chất đốt, cải thiện môi trường sinh thái, phát huy khả năng phòng hộ, góp phần điều tiết nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống dân cư, tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn các giá trị di sản Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.


Thực trạng sử dụng chất đốt tại 4 huyện vùng cao.

Qua nhiều chuyến đi công tác đến các huyện vùng cao núi đá, được tận mắt nhìn thấy việc sử dụng chất đốt của bà con đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là vào những ngày mùa đông giá rét chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn vất vả của họ. Chất đốt đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn, có những hộ gia đình chỉ sử dụng các loại thân lõi cây ngô sau khi thu hoạch bắp đã được phơi khô đem về để đun nấu hoặc cho trâu, bò ăn. Hoặc có gia đình dùng thân cây đậu, cỏ để nấu nướng hàng ngày ...Theo số liệu thống kê của ngành chức năng hiện nay dân số của 4 huyện vùng cao có khoảng 44.850 hộ, 257.952 khẩu, mật độ bình quân109 người/km. Cuộc sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, đa số các hộ gia đình không có thu nhập từ các ngành nghề khác, sản xuất mang tính tự cung tự cấp. Hiện nay còn khoảng 80% số hộ gia đình sử dụng chất đốt hàng ngày từ cây rừng được lấy từ rừng tự nhiên, rừng trồng và phế thải từ chế biến gỗ và các phế phẩm từ nông nghiệp. Nguyên nhân là do người dân chưa có điều kiện kinh tế để sử dụng các chất đốt thay thế và ngoài việc đun nấu người dân còn sử dụng khói bếp để bảo quản nông lâm sản và sưởi ấm hàng ngày. Các hình thức đun nấu củi được sử dụng trong nhân dân từ trước đến nay là các loại bếp kiềng hoặc bếp lò được đắp bằng đất, gạch, đá...do vậy hiệu suất của bếp rất thấp, không tận dụng được tối đa lượng nhiệt tỏa ra từ chất đốt. Năm 2001, tổ chức CARITAS Thụy Sĩ đã triển khai thử nghiệm hỗ trợ cho nhân dân 1.200 chiếc bếp củi cải tiến tại xã Đông Hà, Thanh Vân, Lùng Tám (Quản Bạ) và được đánh giá là có hiệu quả tiết kiệm được 50% lượng chất đốt và phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân, đây là mô hình đun nấu có khả năng nhân rộng. Theo tính toán của ngành chuyên môn mức tiêu thụ củi trung bình của một người dân vùng cao núi đá khoảng 2 kg/ngày, dùng cho nấu cám lợn, nấu rượu là 7,7 kg/hộ/ngày. Như vậy với trên 80% số hộ (35.880 hộ/44.850 hộ) sử dụng củi làm chất đốt thì trên một ngày nhân dân sử dụng khoảng 688.896 kg (1.000 kg củi tương đương 1m3) củi đun nấu tương đương với 688,89 m3 gỗ, trong đó nguồn nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp là thân lõi ngô, thân cây đậu, cỏ vv... đáp ứng khoảng 20% (137,77m3) còn lại nhân dân sử dụng củi lấy từ rừng khoảng 551,112 m3 củi gỗ các loại. Như vậy trong một năm nhân dân của 4 huyện sử dụng hết 201.155 m3 gỗ củi, so với rừng tái sinh (90m3/ha) số củi này tương đương 2.235 ha.


Giải pháp giải quyết chất đốt cho đồng bào vùng cao.

Trên cơ sở thực tế việc sử dụng chất đốt cho đồng bào vùng cao hiện nay là rất khó khăn, tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng Đề án: “Trồng cây dược liệu, giải quyết chất đốt, trồng rừng phòng hộ bằng các loại cây trồng bản địa tại 4 huyện vùng cao núi đá giai đoạn 2011 – 2015”. Hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn dự án đầu tư phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá. Mục tiêu của dự án này là hạn chế sử dụng cây rừng làm chất đốt của người dân tại 4 huyện vùng cao núi đá, đồng thời làm giảm sự tác động của con người đến tài nguyên rừng bằng cách hỗ trợ sử dụng chất đốt bằng các hình thức như bếp đun cải tiến, than không mùi, hầm Biogas...dần dần làm thay đổi nhận thức, tập quán và thói quen của nhân dân trong việc sử dụng cây rừng làm chất đốt. Trong thời gian tới dự án sẽ hỗ trợ cho 5.386 hộ gia đình của 4 huyện vùng cao núi đá đang sử dụng củi chuyển sang sử dụng các chất đốt khác thay thế như Biogas, than không mùi, củi trầu...Theo như tính toán của ngành chuyên môn thì giá một viên than là 2.000đ/viên, trung bình mỗi hộ gia đình một ngày sử dụng 5 viên/hộ, như vậy mỗi ngày mỗi hộ gia đình chỉ chi phí 10.000đ để sử dụng than sạch làm chất đốt. Nếu sử dụng bếp đun cải tiến chi phí xây dựng chỉ hết 0,6 triệu đồng/ hộ. Nếu chi phí xây dựng lắp đặt 1 bể Biogas composite hết khoảng 15 triệu đồng/bể.


Như vậy việc giải quyết chất đốt cho đồng bào vùng cao 4 huyện núi đá bằng hình thức thay thế đun củi bằng đun nấu than sạch, Biogas, bếp đun cải tiến thì sẽ đạt được về mặt hiệu quả kinh tế – xã hội, hàng năm sẽ giúp cho người dân giảm thời gian giải quyết nhu cầu chất đốt của gia đình, tăng thời gian lao động sản xuất và tiết kiệm được đáng kể chất đốt cho mỗi gia đình. Theo tính toán, việc sử dụng các hình thức đun nấu này sẽ có khoảng 5.186 hộ gia đình sử dụng than sạch để đun nấu, 200 hộ gia đình sử dụng dùng bể Biogas và 8.970 hộ sử dụng các loại năng lượng thay thế. Số hộ sử dụng bếp cải tiến để đun nấu thường xuyên là 30.494 hộ, bằng 106.850 m3 củi/năm tương đương với 1.187 ha rừng tái sinh, so với hiện trạng củi sử dụng hàng năm giảm được 1.048 ha rừng bị chặt phá lấy củi phục vụ chất đốt của các hộ gia đình tại 4 huyện. Ngoài ra việc sử dụng các hình thức đun nấu nêu trên sẽ làm thay đổi nhận thức, thói quen cuả nhân dân trong việc sử dụng chất đốt, hạn chế việc sống phụ thuộc vào rừng, từng bước ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Mặt khác hiệu quả về mặt môi trường sẽ đựơc nâng cao, việc hạn chế tối đa tình trạng chặt phá rừng làm củi thì người dân sẽ tích cực trồng rừng, nâng độ che phủ của rừng lên cao, góp phần phát huy được chức năng phòng hộ, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế hạn hán, lũ quét, duy trì được nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, góp phần cải thiện điều kiện khí hậu, thời tiết, thay đổi môi trường sống có lợi cho đời sống con người...


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực cho vay XĐGN ở Đồng Văn
HGĐT- Trong những qua, NHCSXH huyện Đồng Văn đã không ngừng đổi mới và hợp lý hoá quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục, tổ chức phục vụ và đáp ứng nhanh, bảo đảm quyền lợi với những đối tượng được thụ hưởng các chính sách do Đảng và Chính phủ ban hành, góp phần đắc lực vào mục tiêu đẩy nhanh XĐGN, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
14/03/2011
Góp phần tích cực giải quyết việc làm, an sinh xã hội và XĐGN trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Mặc dù còn nhiều khó khăn trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, trong tỉnh...; song năm qua, cán bộ, nhân viên Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh vẫn chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất triển khai các hoạt động và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Quyết định của
14/03/2011
Đoàn Thanh niên BHXH Việt Nam và Hà Giang tặng quà cho xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc)
HGĐT- Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931-2011), từ ngày 8 -10.3, Đoàn Thanh niên BHXH Việt Nam phối hợp với Đoàn thanh niên BHXH tỉnh lên thăm và tặng quà cho đồng bào các dân tộc xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) theo chương trình “Tuổi trẻ cơ quan BHXH Việt Nam hành động vì biên cương Tổ quốc, vì người nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”.
11/03/2011
Tuổi trẻ Báo Hà Giang phối hợp với một số đơn vị sẽ có nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Thanh niên 2011
HGĐT- Hưởng ứng Năm Thanh niên 2011 và thiết thực chào mừng 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ Báo Hà Giang sẽ có nhiều hoạt động phối hợp với Tuổi trẻ 11 Báo Đảng các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, Huyện đoàn Quản Bạ hướng về địa bàn biên giới.
11/03/2011