Tìm nghề thoát nghèo cho đồng bào vùng cao
Những ngày đầu năm, khi cái giá rét của mùa đông vẫn kéo dài trên các triền núi cao, công việc nương rẫy chưa thể bắt đầu, bà Lý Thị Sún cũng như nhiều lao động quanh thị trấn Phó Bảng đã đến với mô hình hỗ trợ tìm và dạy nghề để tìm công việc làm thêm và học nghề. Quanh năm chỉ biết đến trồng ngô, trồng sắn, nay họ được cán bộ hứa là sẽ dạy cách trồng loại cây mới. Giống cây này sẽ giúp bà con không phải lo đói trong ngày giáp hạt mà còn có đồng ra đồng vào sắm sửa cho gia đình.
Bà Ly Thị Mỹ - Xã Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang chia sẻ: “Cán bộ bảo xuống đấy để làm rồi học trồng hoa, mình cũng đang nhàn rỗi. Mấy hôm nữa nhà mình mới trồng ngô, ở nhà cũng không có việc gì làm. Mình cho cả cháu mình đi cùng nữa. Cán bộ bảo vừa học việc vừa trông cháu cũng được”.
Người lao động là nhân tố quyết định trong việc tìm và dạy nghề. Nhân lực vùng cao lại thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đổi thay tập tục sản xuất truyền thống không thể làm trong một sớm một chiều.
Ông Phùng Viết Vinh - Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng, huyện Đồng Văn, Hà Giang cho biết: “Do trình độ nên không thể nói trên lý thuyết được. Phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể cho người ta. Thông qua cả những phương pháp bằng hình ảnh, chúng tôi đã xây dựng cả những video có tiếng của bà con vào trong đấy. Quan trọng nhất vẫn là thực hành ở đồng ruộng”.
Ngày một chưa quen, ngày hai sẽ quen. Không có cái chữ, không đọc được tài liệu thì người biết nhiều dạy cho người biết ít. Chuyện cầm tay chỉ việc trở nên rất hiệu quả. Bà con nay quen dần với những khái niệm: Nghị quyết Tam nông, chuyển giao khoa học, kĩ thuật... Bởi đồng bào biết rằng những chính sách ấy hay việc học nghề sẽ giúp mình và con cháu no cái bụng, ấm cái thân.
Chị Lùng Thị Dung - Dân tộc Lô Lô, Hà Giang cho biết: “Tìm nghề để giảm nghèo cho đồng bào vùng cao không chỉ thực hiện bằng những giải pháp căn cơ, phù hợp với tập quán, trình độ sản xuất và điều kiện kinh tế - xã hội của từng dân tộc, vùng, miền... mà đòi hỏi sự đồng thuận từ hai phía. Chính quyền tổ chức sản xuất cho đồng bào một cách kiên trì, thiết thực và cụ thể. Bà con phải có ý thức tự lực vươn lên muốn thoát nghèo và nỗ lực thoát nghèo”.
Sắc hồng nở sớm trên vùng rẻo cao, những tín hiệu vui về một sự đổi thay trong tập tục sản xuất của đồng bào dân tộc. Bà con ở đây bao đời đã quen với nếp sống, nếp nghĩ giản đơn. Kiến thức kỹ thuật vốn phức tạp, khó hiểu nay được đơn giản hóa bằng những mô hình cụ thể. Hợp tác xã của dân, cán bộ của dân, và mô hình kinh tế mới của dân - đang có thêm những sự gắn kết mới được hình thành từ chính nơi đây. Mảnh đất này cũng theo đó thay da đổi thịt hàng ngày.
Ý kiến bạn đọc