Cần đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở Quang Bình
HGĐT- Thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) của Đảng và Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 12.3.2010 của UBND tỉnh Hà Giang và Kế hoạch số 76/KH-Ban chỉ đạo (BCĐ) nông thôn mới (NTM) của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015, Quang Bình đã triển khai chuyên đề xây dựng nông thôn mới trên địa bàn bước đầu đã có nhiều kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong việc thúc đẩy xây dựng NTM trên toàn huyện giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn 2020.
Kết quả ban đầu.
Tháng 3.2010, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quang Bình đã thành lập BCĐ xây dựng NTM. Lấy 3 xã: Xuân Giang, Vĩ Thượng, Bằng Lang mỗi xã lấy 2 thôn làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2012. Sau khi thành lập, các BCĐ cơ sở đã tiến hành rà soát các tiêu chí xây dựng NTM. Sau đó tiến hành cắt cử cán bộ, đồng bào của các xã, thôn điểm đi tham quan, học tập kinh nghiệm. Tiến hành họp dân, họp thôn tuyên truyền chủ trương, đường lối, cách thức xây dựng làng xã theo tiêu chuẩn NTM của T.Ư đề ra. Sau khi tuyên truyền, học hỏi, rà soát và chọn lọc những điểm mạnh, điểm yếu và cả những khiếm khuyết cụ thể ở từng xã, từng thôn, đúc rút bài học thực tế để có hướng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện và sau khi rà soát từng chi tiết cụ thể theo các tiêu chí quy định cho thấy các tiêu chí đề ra cơ bản đạt theo quy định. Còn lại một số tiêu chí như: Quy hoạch hạ tầng giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, hình thức tổ chức sản xuất (trâu, bò 2 con/hộ) và một số tiêu chí nhỏ về vệ sinh môi trường... còn nhiều mặt hạn chế do đặc thù địa phương từ xa xưa để lại cần được khắc phục và hoàn thiện. Để từng bước xây dựng NTM thành công, bước đầu các BCĐ xây dựng NTM từ huyện xuống cơ sở đã tiến hành các bước chỉnh trang lại làng bản theo quy định quy hoạch đề ra. Đến thời điểm này, nhiều chuyển biến tích cực trong dân đã được ghi nhận. Qua hơn 8 tháng triển khai thực hiện, đã có trên 300 hộ dân tự nguyện hiến đất mở đường giao thông, xây dựng và uốn nắn khuôn viên làng bản theo tiêu chuẩn. Đã có hơn 14.000m2 đất được hiến tặng trong quá trình chỉnh trang làng bản, xây dựng kênh mương. Cũng đã có trên 1.200 ngày công lao động do đồng bào đóng góp để làm đường giao thông nông thôn và để xây dựng nhiều km kênh mương dẫn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cũng có gần 200 hộ xây dựng hoàn chỉnh 3 công trình vệ sinh, làm sạch môi trường, 135 cổng và hàng ngàn mét tường rào cũng đã xây cất, làng bản bước đầu đã có đường to, rộng, cổng vào đẹp, tường rào ngay ngắn và hệ thống kênh mương dẫn nước theo tiêu chuẩn phục vụ sản xuất, đời sống. Hiện nay, các phong trào làm đường bê tông, xây cổng vào, tường rào, làm các công trình vệ sinh hộ gia đình đang phát triển mạnh ở 6 thôn làm “điểm” của 3 xã thực hiện chỉ đạo mô hình NTM là kết quả đáng mừng.
Cần “cú hích” để xây dựng NTM.
Những kết quả ban đầu nêu trên thực sự đang là động lực thúc đẩy toàn dân tập trung xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội. Người dân đã vào cuộc tích cực ngay sau khi triển khai kế hoạch xây dựng NTM. Qua gần 8 tháng thực hiện những hạn chế đã phát hiện và rất cần một “cú hích” mạnh để Nghị quyết T.Ư 7 khóa X của Đảng đi vào cuộc sống tập hợp được “tổng lực” xã hội để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền chắc, nông dân có cuộc sống ngày một ấm no, thịnh vượng, nông thôn đổi mới khang trang, xanh, sạch, đẹp và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Cú hích đầu tiên chính là công tác quy hoạch trong đó có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao,phát triển bền vững đất lúa nhằm đảm bảo và ổn định an ninh lương thực trước những biến đổi mạnh về khí hậu, môi trường. Trong quy hoạch sử dụng đất cho phát triển ổn định, lâu dài có tầm nhìn chiến lược cần xác định các quỹ đất cho phát triển dân cư, làng nghề vả thương mại, dịch vụ. Quy hoạch các khu dân cư mới hay “quy tụ” dân cư phải được áp dụng vào thực tiễn khách quan ở từng xã, từng địa phương “phù hợp” với thuần phong mỹ tục, tránh tình trạng áp đặt làm méo mó và càng tránh tình trạng xã to đẹp, làng bản chật hẹp không bảo tồn được văn hóa truyền thống mà phải có sự phối kết hợp hài hòa giữa văn hóa hiện đại với văn hóa truyền thống làm cho nó hòa quyện lại trong xã hội phát triển. Cần có nguồn kinh phí để xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đường giao thông kênh mương tưới tiêu chủ động phục vụ sản xuất, điện thắp sáng, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, nghĩa trang, khu xử lý rác thải, hệ thống cấp thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường...
Thiếu quy hoạch, phát triển sẽ không đáp ứng yêu cầu đề ra. Thiếu cú hích, thiếu đầu tư sẽ trở nên chắp vá, phát triển không đồng bộ ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường, dẫn đến sản xuất thiếu bền vững. Cần tránh bỏ tình trạng “có đến đâu, làm tới đó” dẫn đến tình trạng méo mó không đạt được mục tiêu đề ra. Hơn lúc nào hết, xây dựng NTM là chiến lược phát triển lâu dài mang tính chiến lược cho nên cần phải thực hiện chặt chẽ ngay từ những bước đầu triển khai. Công tác quy hoạch và đầu tư phải đi đôi với nhau mới tạo nên sự đồng bộ trong suốt quá trình triển khai thực hiện. Một mặt cần sự huy động tối đa nguồn tài lực của toàn xã hội, trong đó người dân cần xác định xây dựng NTM chính là xây dựng “chính” đời sống của mỗi gia đình được “gắn kết” với cộng đồng xã hội, cho nên cần nhiều sự đóng góp của dân. Nhà nước cũng cần tập trung đầu tư thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư nhỏ giọt, tràn lan, thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn. Xây dựng NTM là xây dựng lâu dài, bền vững, tránh tình trạng chủ quan, nóng vội. Còn tại Quang Bình, chương trình triển khai đề án, phương án xây dựng NTM đã có nhiều thuận lợi, nhưng cũng rất cần sự đầu tư “đủ” coi đó là “cú hích” làm động lực thúc đẩy.
Ý kiến bạn đọc