Ở nơi “đá núi... cúi đầu”
HGĐT- Lên Mèo Vạc mùa này, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy một bầu trời đặc quánh sương,từng dãy núi đá tai mèo dựng đứng, hứng cái lạnh tái tê ngả mầu xậm tối, héo mòn, quạnh quẽ. Ở nơi thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nước không đủ làm xanh cây rừng, có những người lính cần mẫn gùi từng nắm đất, xây từng mét vuông vườn để trồng rau, chăm chút từng chậu cây cảnh trong khuôn viên doanh trại. Họ là những cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện Mèo Vạc, những người lập kỳ tích: “làm cho đá núi phải cúi đầu”.
ĐÁ NÚI CÚI ĐẦU
Sự kỳ vĩ, hoành tráng của cao nguyên bạt ngàn đá núi khiến cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh) vừa được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Điều đó cũng chứng minh những người dân nơi đây với sức sống vô cùng mãnh liệt biến những việc không tưởng “trồng rau, trồng ngô trên đá, nuôi bò trên lưng” thành hiện thực. Ban CHQS huyện Mèo Vạc tuy đóng quân ở thị trấn song cũng không tránh khỏi cảnh “ăn trên đá, ngủ trên đá, bước chân khỏi nhà đã va phải đá núi”. Quyết tâm xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị xanh - sạch - đẹp, chuồng trại, vườn cơ bản là điều ấp ủ lâu nay. Biến ước mơ thành hiện thực, chiến dịch khai phá, cải tạo những dãy đá tai mèo để xây dựng vườn, giàn, chuồng trại theo hướng cơ bản để phục vụ chính đời sống của mình được triển khai, thực hiện quyết liệt, lâu dài. Bằng tất cả các phương tiện có được, cán bộ, chiến sỹ đơn vị tập trung phá đá, san gạt mặt bằng. Những nơi khó khăn, họ tiến hành phương pháp đốt thủ công để phá đá. Những mảnh vườn xinh xắn (chừng vài mét vuông/1 mảnh) dần được hình thành. Lúc này, cán bộ chiến sỹ đơn vị toả đi khắp nơi, gùi từng gùi đất quí giá đổ vào những “mảnh vườn đá”. Cây rau mang nặng sức người cũng bén rễ, xoè tán trong niềm vui khôn xiết của những người lính. Không dừng lại ở kết quả ban đầu, cán bộ, chiến sỹ đơn vị lại tiếp tục qui trình đập đá, san gạt mặt bằng làm chuồng trại, xây dựng hệ thống dẫn nước, bể chứa nước sinh hoạt, nước thải, hầm Bioga... Từ quá trình kiên trì, bền bỉ, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã xây dựng 850m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, nhím; trên 840 m2 vườn rau, gần 200 chậu cây cảnh; khoanh nuôi, trồng, chăm sóc, bảo vệ 450 ha rừng... Trong chiến dịch “làm cho đá núi cúi đầu” thật khó để thống kê chi tiết đơn vị đã bỏ ra bao nhiêu ngày công, đầu tư bao nhiêu tiền mà đơn vịdùng để đo đếm chính xác nhất đó chính là sự nhiệt tâm của những người lính không chịu khuất phục đá núi.
MẦM XANH TỪ NHỮNG GIỌT MỒ HÔI
Nhìn những mảnh vườn rau nhỏ nhắn với những ô, thửa được xây bằng bê tông theo hình thức ruộng bậc thang, tất cả đều mướt mầu xanh nõn nà của các loại rau, củ, quả, Đại tá Nguyễn Đức Hải, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện tâm sự với chúng tôi: “ở đây, đất, nước đều rất quí giá. Để tránh đất bị rửa trôi, chúng tôi phải xây lại bằng bê tông.” Đúng như những gì anh Hải đã nói, mọi nguồn nước hiếm hoi từ khe núi, nước mưa từ mái nhà, nước sinh hoạt của bộ đội đều được kết nối bằng hệ thống dẫn nước vào bể chứa tập trung. Từ đây, nước dùng cho vệ sinh chuồng trại, tắm rửa cho gia súc sau đó được dùng tưới rau. Tất cả đều tuân thủ chặt chẽ theo qui trình khép kín, liên hoàn và tận dụng triệt để... khiến chúng tôi hình dung phần nào sự quí giá của đất và nước trên miền cao nguyên đá.
Trong nhưng ngăn chuồng xây kiên cố, gần chục con lợn nái đòi ăn bằng những âm thanh huyên náo. Trung tá Thào Mí Dính, Chủ nhiệm Hậu cần đơn vị cho chúng tôi biết: Hàng năm, số lợn nái của đơn vị cung cấp hơn 60 con giống. Ngoài việc bảo đảm giống nuôi trong đơn vị, số còn lại đơn vị cho các đối tượng là dân quân, tự vệ trên địa bàn nuôi theo hình thức, đơn vị đầu tư con giống và chia lợi nhuận sau bán theo tỉ lệ. “Thực tế, việc đầu tư giống rất được anh em ủng hộ và đã giúp được một số gia đình dân quân thoát nghèo” -Anh Dính khẳng định. Bên cạnh trại chăn nuôi lợn đơn vị cũng xây dựng chuồng và nuôi hơn 10 đôi nhím. Số nhím này không chỉ giúp đa dạng hoá vật nuôi mà còn góp phần quan trọng giúp nâng cao hiệu quả công tăng gia sản xuất với vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: do được xây dựng cơ bản nên các phụ phẩm của tăng gia được dùng cho chăn nuôi, chất thải sau khi qua xử lí bằng công nghệ sinh học được dùng để trồng các loại rau, củ, quả nên đã giúp đơn vị tận dụng triệt để và tiết kiệm tối đa nhân công và chi phí phát sinh. Do đó, công tác tăng gia, sản xuất của đơn vị luôn đạt hiệu quả cao. Chỉ tính trong năm 2010, trừ khoản thu từ cây cảnh đơn vị đã thu từ tăng gia sản xuất đạt gần 84 triệu đồng. Kết quả trên tuy không lớn song rất ý nghĩa bởi thành quả ấy được làm nên từ chính mảnh đất vốn trọc trơ đá núi.
Ý kiến bạn đọc