Những mô hình đầu tư hiệu quả giúp người dân xóa đói, giảm nghèo

17:42, 15/12/2010

HGĐT- Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPPR) được đầu tư tại tỉnh ta với mục đích cải thiện tình hình kinh tế - xã hội của các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa ít được đầu tư các chương trình dự án, từng bước ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ nghèo một cách bền vững, nâng cao vai trò của người dân thông qua việc phát triển phân cấp sâu rộng đến các xã và thôn, bản để người dân có khả năng làm chủ cuộc sống của chính mình và góp phần phát triển cộng đồng.


 
 Điểm trường thôn Phia Peng, xã Ngọc Long (Yên Minh) do Dự án DPPR đầu tư được đưa vào sử dụng phát huy hệu quả. Ảnh: CTV

Từ mục đích thiết thực đó mà những năm gần đây, Dự án DPPR tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện các công việc được giao, đạt kết quả tốt, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương, góp phần đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày một cao, bớt đi phần nào những khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Có thể khẳng định rằng, Dự án đã và đang đầu tư một cách hiệu quả tại cơ sở thông qua nhiều mô hình hỗ trợ trực tiếp cho người dân cũng như cho các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, dần đưa các xã và người dân thoát khỏi đói nghèo.


Thôn Lủng Pủng B và Há Lìa là hai trong số những thôn điển hình của xã Sủng Thài (Yên Minh) được dự án hỗ trợ sản xuất cũng như đầu tư xây dựng các công trình cơ bản mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Dự án DPPR được triển khai tại xã và đến với người dân 12 thôn bắt đầu từ năm 2007 với 690 hộ tham gia. Hiệu quả và lợi ích trực tiếp đến với người dân trong thôn được thông qua việc triển khai các mô hình của dự án. Công trình xây dựng điểm trường Lủng Pủng B là một ví dụ, đây là điểm trường được dự án đầu tư với tổng mức giá trịlà 384 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp 10 triệu cộng với san ủi mặt bằng), trường gồm 2 phòng học, 2 phòng lưu trú giáo viên, có bể nước và hệ thống công trình phụ. Theo lãnh đạo xã và thôn cho biết: “Điểm trường được đầu tư xây dựng đã giúp cho gần 50 học sinh (cả Tiểu học và Mẫu giáo) của 3 xóm là Đờ Khá, Lủng Pủng A và B. Điểm trường được xây dựng tại trung tâm của 3 thôn cho nên học sinh đi học rất đầy đủ kể cả những ngày mưa, gió. Trường được xây dựng giúp học sinh có chỗ học, chỗ chơi thoải mái, mưa nắng yên tâm, không như trước đây chính điểm trường này được làm bằng nhà trình tường, mái lợp rạ lụp sụp nên nhiều khi mưa to các em học sinh không thể học nổi. Bà con nhân dân trong xóm rất vui và phấn khởi do vậy đã động viên con em đi học một cách đầy đủ...”. Cũng như công trình điểm trường, công trình Chợ đầu mối km26 xã Thèn Phàng (Xín Mần) cũng là một điển hình mang lại hiệu quả. Chợ đầu mối km 26 được đầu tư gần 700 triệu đồng, nằm đón lõng đường giao thương giữa cụm xã: Thèn Phàng, Bản Díu, Ngán Chiên, Trung Thịnh, Thu Tà, lại rất thuận lợi nằm giữa vị trí đường Quốc lộ 4D chạy dọc từ Tân Quang (Bắc Quang) qua Hoàng Su Phì vào Xín Mần, nối thông sang Bắc Hà (Lào Cai) và xuôi xuống phía Nam Xín Mần ra huyện Quang Bình, nối lên phía Bắc đón đầu vào Cửa khẩu mốc 5 xã Xín Mần. Với điều kiện địa lý thuận lợi nêu trên, nên Chợ km 26 được xem là đầu mối thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế, giao lưu văn hóa, xã hội và kết nối cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển.


 
 Mô hình nuôi lợn nái sinh sản do Dự án DPPR đầu tư đang phát huy hiệu quả ở xã Ngọc Long (Yên Minh). Ảnh: CTV

Song song với các công trình xây dựng cơ bản thì mô hình hỗ trợ sản xuất, phát triển chăn nuôi cũng đã được đầu tư mang lại hiệu quả, điển hình như: Mô hình nuôi trâu, bò sinh sản đã giúp cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gia đình anh Sùng Sè Pó ở thôn Há Lìa, xã Sủng Thài (Yên Minh) được Dự án hỗ trợ 1 con bò cái, sau một thời gian ngắn đã sinh sản được 1 con bê con và hiện tại con bò mẹ đã được luân chuyển đưa sang cho hộ nghèo khác nuôi. Ngoài việc được lợi từ 1 con bò con, anh Pó còn rất tích cực trong việc truyền đạt cho những hộ dân được luân chuyển về kỹ thuật nuôi bò sinh sản và nhân giống tại địa phương. Ở thôn Cháng Lộ, xã Sủng Cháng (Yên Minh) có gia đình các anh là Giàng Chá Xì và Giàng Mi Mí; thôn Làng Khác A, xã Du Già (Yên Minh) có gia đình anh Nguyễn Văn Thanh; thôn Khuổi Luông, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) có gia đình anh Phàn Văn Sơn cũng được dự án hỗ trợ mỗi gia đình 1 con bò cái sinh sảntrị giá 5 triệu đồng; thôn Yên Thượng và Pà Vầy Sủ của xã Yên Thành (Quang Bình) có gia đình các anh Hoàng Văn Hoan, Làn Văn Vụ, Vương Đức Kìn được hỗ trợ 1 con trâu cái sinh sản. Hiện số trâu, bò đã đẻ con và đã luân chuyển con mẹ cho các hộ khác nuôi. Nhìn chung số trâu, bò của dự án được phân đến cho từng hộ dân đã giúp cho người dân có thêm sức kéo phục vụ sản xuất, giảm sức lao động chân tay đồng thời phù hợp với địa hình núi đá và đất dốc, ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và chăm sóc đàn bò do dự án hỗ trợ là rất tốt. Để làm được điều đó là do người dân trước khi được hỗ trợ họ đã được dự án tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp chăm sóc, cách thức nuôi và biện pháp nhân giống. Hay như hộ ông Thào Mí Nô, xóm Làn Chải, xã Cán chu Phìn (Mèo Vạc), chỉ có 1,5 triệu vốn vay ban đầu, gia đình ông đã mua lợn sinh sản, đến nay lợn đã đẻ được 5 lứa, thu được 16 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ việc nuôi lợn nái sinh sản, từ cuối năm 2006 đến nay, nhiều hộ đã đăng ký vay vốn mua lợn nái sinh sản và đã tăng thêm được trên 200 con lợn nái bằng nguồn vốn tự có của các hộ nông dân. Mô hình nuôi cá ao cũng là mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, điển hình như mô hình đào ao thả cá của gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Làng Khác A, xã Du Già (Yên Minh) với 5.000m2 đã cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng. Cùng với gia đình chị Liên còn có các gia đình khác phát triển rất hiệu quả như gia đình các anh Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Đình Tưởng, Nguyễn Đình Tính...


Ở huyện Đồng Văn, hoạt động của Nhóm Tín dụng - Tiết kiệm cũng là một mô hình hoạt động điển hình. Đây là mô hình dành riêng cho phụ nữ nghèo về vốn, kiến thức quản lý, kiến thức sử dụng vốn vay trong phát triển kinh tế gia đình và cơ sở hạ tầng thôn, bản. Khi mới thành lập, toàn bộ thành viên đều là phụ nữ, đa số chị em phụ nữ ở thôn, bản đều không biết chữ, không tiếng phổ thông. Dó đó công tác tuyên truyền, hướng dẫn chị em tham gia thành lập, duy trì các hoạt động của nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Khi đi vào hoạt động, một bộ phận chị em không hiểu được mục đích, ý nghĩa, quy trình hoạt động của nhóm, từ đó dẫn đến sự tham gia chưa nhiệt tình, gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động nhóm. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ xây dựng nhóm kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa nhiệt tình nên ảnh hưởng đến kết quả công việc. Để khắc phục tình trạng trên, BQL Dự án huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, BQL Dự án xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thường xuyên cắt cử cán bộ xuống tận thôn, bản tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng dân tộc. Dần dần, chị em cũng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó tự nguyện tham gia, phối hợp cùng xây dựng và duy trì hoạt động nhóm ngày càng hiệu quả. Cán bộ tín dụng BQL Dự án huyện thường xuyên phối hợp cùng Ban tín dụng xã thăm, hướng dẫn quy trình hoạt động cho các nhóm, giúp các nhóm đi vào hoạt động ổn định. Dự án cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác tín dụng, những đối tượng tham gia nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động cũng như kiến thức sử dụng vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình...


Có thể nói, đây mới chỉ là một số trong rất nhiều mô hình tiêu biểu được đầu tư hiệu quả ở cơ sở. Sự đầu tư đó đã mang lại cơ hội “đổi đời” của người dân nghèo nói chung và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh nói riêng.


ANH ÁNH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thực hiện Nghị quyết 30a ở Xín Mần
HGĐT- Đến thời điểm này, Nghị quyết 30a CP của Chính phủ đã được triển khai thực hiện ở Xín Mần hơn 2 năm. Kết quả bước đầu cũng đã có nhưng còn hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để việc thực hiện Nghị quyết giảm nghèo “nhanh - bền - vững” của Chính phủ đạt được mục tiêu đề ra.
15/12/2010
Hiệu quả của việc áp dụng LPMD và Quỹ PTĐP trong Chương trình Chia sẻ
HGĐT- Việc triển khai chu trình lập kế hoạch quản lý phát triển địa phương (LPMD) và Quỹ phát triển địa phương (PTĐP) là một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình Chia sẻ II.
15/12/2010
Thành đoàn Hà Giang tặng 3.718 bộ áo ấm cho học sinh huyện Mèo Vạc
HGĐT- Sáng 13.12, Thành đoàn Hà Giang phối hợp với Huyện đoàn Mèo Vạc tổ chức lễ trao quà, quần áo ấm cho các em học sinh huyện Mèo Vạc.
15/12/2010
Côn Đảo không xa
HGĐT- MỖI NGƯỜI DÂN VIÊT NAM TỪ GIÀ TỚI TRẺ HÔM NAY KHÔNG AI KHÔNG BIẾT ĐẾN CÁI TÊN CÔN ĐẢO, BỞI CÔN ĐẢO - MỘT HÒN ĐẢO THUỘC TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU, NẰM Ở BIỂN ĐÔNG, PHÍA ĐÔNG NAM CỦA TỔ QUỐC VIÊT NAM, SUỐT 113 NĂM QUA, (TÍNH ĐẾN NGÀY CÔNĐẢO ĐƯỢC GIẢI PHÓNG NGÀY 1.5.1975 ), DƯỚI ÁCH THỐNG TRỊ CAI QUẢN CỦA CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ, ĐÃ GIAM CẦM, ĐÀY ĐOẠ HÀNG CHỤC VẠN
15/12/2010