Nhân dân các dân tộc Hà Giang ngày càng ấm no, hạnh phúc

17:08, 13/12/2010

HGĐT- Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động từ đầu năm 2007, đến nay đã gần tròn 4 năm. 4 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã nghiêm túc triển khai, đồng thời hưởng ứng tích cực cuộc vận động nên đã tạo một bước chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, tạo động lực to lớn để thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.


“Nở rộ” những tấm gương

Có thể nói cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của Bác là sự lựa chọn hết sức “đúng” và “trúng” của Đảng ta, bởi vậy đã được tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Riêng đối với tỉnh ta, cuộc vận động đã lan tỏa khắp các bản làng, khu phố, từ các công sở cho tới mỗi công trường..., đặc biệt đã trở thành “kim chỉ nam” cho các phong trào thi đua lao động, học tập, xây dựng đời sống xã hội.


Xín Mần là một huyện tiêu biểu trong việc học và làm theo tấm gương của Bác. Qua việc nghiên cứu các chuyên đề của cuộc vận động, hầu hết cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong huyện đã nhận thức rõ những giá trị to lớn, đầy tính nhân văn trong tư tưởng đạo đức và lối sống của Người. Từ đó, mỗi cá nhân, tổ chức xác định rõ trách nhiệm của mình trong mỗi việc làm, lời nói. Huyện đã gắn kết chặt chẽ các nội dung học tập với mục tiêu chung của toàn huyện, do vậy đã tạo một sự đồng thuận lớn để Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong huyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như năm 2008, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế... nhưng với tinh thần đẩy mạnh cuộc vận động trên tất cả các lĩnh vực, Xín Mần vẫn đạt những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%; tổng sản phẩm xã hội đạt gần 250 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt gần 28.000 tấn (lương thực bình quân đầu người đạt trên 500kg); thu nhập bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng; việc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội được giải quyết kịp thời, có hiệu quả, tạo được lòng tin của đông đảo nhân dân các dân tộc với Đảng bộ, chính quyền huyện...


Ở trường Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì có em Lương Trọng Trung, dân tộc Nùng, học sinh lớp 12A1. Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng việc học, làm theo tấm gương đạo đức của Bác được Trung nhận thức rất đúng đắn, từ đó em đã xây dựng cho riêng mình một kế hoạch học tập, rèn luyện khoa học, hiệu quả, để quyết tâm vượt khó học giỏi đáp ứng với lòng mong mỏi của thầy cô và gia đình. Với phương châm không được phép tự mãn với những gì mình có, mình đạt được mà cần khiêm tốn, lễ phép, Trung đã tích cực tham gia các phong trào thi đua học tập, lao động của trường, các buổi sinh hoạt Đoàn, qua đó rèn luyện kỹ năng sống, học tập, tạo cho mình một đức tính biết giúp đỡ những người khó khăn, những người già cả, neo đơn, những em nhỏ... Liên tiếp năm học 2008 -2009, 2009 – 2010, Trung đã đạt danh hiệu Học sinh giỏi, được tặng nhiều Giấy khen, học bổng Vừ A Dính. Tại hội thi Thanh niên thanh lịch tỉnh Hà Giang lần thứ tư, năm 2010, em đã giành giải Nhất với những phần thi năng khiếu, trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo hết sức thông minh, thuyết phục. Từ những suy nghĩ, cách vươn lên trong học tập của mình, Trung đã trở thành tấm gương sáng cho các bạn trong toàn trường noi theo.


Thiếu tá Vũ Hồng Mạnh là Đại đội trưởng Đại đội Công binh 19. Nhiệm vụ rà phá vật cản do chiến tranh để lại trên các tuyến biên giới để đem lại đất đai cho nhân dân sinh sống, sản xuất hết sức nặng nề, gian khổ và nguy hiểm. Tuy nhiên anh xác định: Đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao không những đem lại bình yên cho nhân dân mà còn là thiết thực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Qua đó, anh đã tự làm tốt việc giáo dục chính trị cho mình, xây dựng ý chí quyết tâm, bản lĩnh vững vàng; đồng thời cùng với tập thể cấp ủy, chỉ huy đơn vị nắm bắt kịp thời những tâm tư tình cảm, băn khoăn của cán bộ, chiến sỹ, giải quyết thấu đáo, kịp thời vì thế đã tạo sự đồng thuận, ý chí quyết tâm trong toàn đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị Công binh 19 đã có những đóng góp quan trọng cho thành công của công tác phân giới cắm mốc và trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


Năm 2009, khi phóng viên tìm hiểu về việc thực hiện cuộc vận động tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), đồng chí Trần Minh Thơ, Bí thư Đảng ủy thị trấn khẳng định việc triển khai thực hiện cuộc vận động ở thị trấn đã gắn với điều kiện cụ thể của từng khu dân cư, đã tạo ra động lực mới trong toàn thị trấn, đi đầu là những cán bộ, đảng viên. Vì thế, các ngày lao động cộng sản mở đường giao thông liên thôn đã thu hút được sự tham gia của đông đảo mọi người. Quan trọng hơn, qua phong trào này lại xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong việc hiến đất để làm đường, bởi nói đến tấm gương đạo đức của Bác, bà con đều hiểu rất sâu sắc, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và luôn mong muốn học tập, làm theo để đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp. Tiêu biểu cho phong trào hiến đất ở Vĩnh Tuy, đó là gia đình anh Tạ Văn Lập, thôn Ngòi Cò; gia đình anh Trần Văn Triển ở Xóm Mới...


Trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang lần thứ IV (giai đoạn 2005 – 2010) được tổ chức vào tháng 9 năm 2010, đông đảo đại biểu về dự đều trầm trồ thán phục khi ông Vừ Sé Cơ, dân tộc Mông ở xóm Ma Xí B, xã Ma Lé (Đồng Văn), trình bày báo cáo thành tích vượt khó thoát nghèo, giúp đỡ các hộ khác cùng phát triển kinh tế ở vùng khó khăn. Trước những khó khăn về vốn, về đất sản xuất, về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, ông Cơ đã không chịu lùi bước. Ông xác định, phải dám nghĩ, dám làm, dám học hỏi thì mới có thể mau chóng xóa đói vươn lên làm giàu, mới có điều kiện giúp đỡ anh em trong gia đình và bà con trong xóm. Ý chí quyết tâm vươn lên của ông cộng với sự giúp đỡ của nhà nước qua những đồng vốn hỗ trợ, qua các chương trình dự án đã giúp ông và gia đình từ khó khăn thiếu thốn vươn lên đạt mức thu nhập gần 70 triệu đồng mỗi năm, một mức thu nhập mà ngay cả những hộ nông dân vùng thấp cũng không dễ gì đạt được. Hiện nay, cùng với việc làm giàu cho gia đình, ông còn giúp đỡ hàng chục hộ gia đình trong xóm có bò để nuôi, có giống lúa trồng, có vật liệu để xây dựng nhà cửa. Đối với ông Cơ, một nông dân chân chất nơi vùng cao gian khó, đó chính là những hành động cụ thể, thiết thực nhất trong việc học và làm theo tấm gương của Bác.


Còn rất nhiều tấm gương cá nhân, rất nhiều tấm gương tập thể thực sự đã trở thành những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa dâng Người mà trong phạm vi một bài viết không thể nêu hết. Chỉ biết rằng, những bông hoa đó vẫn đang là những đề tài phong phú, hấp dẫn mà những người làm báo nói chung, những phóng viên của Báo Hà Giang nói riêng đang hàng ngày, hàng giờ tìm tòi, hướng tới, nhằm phản ánh đến đông đảo bạn đọc trong tỉnh, để rồi những bông hoa đó ngày càng được nhân rộng, ngày càng phổ biến. Ngoài việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, học tập và nâng cao kiến thức, giữ vững, nâng cao bản lĩnh chính trị... trách nhiệm tìm tòi, phát hiện, phản ánh tới đông đảo mọi người những tấm gương sáng trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, được lãnh đạo và tập thể phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang xác định đó cũng chính là việc làm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động. Vì qua mỗi bài viết, qua mỗi tấm gương, những người làm báo của Báo Hà Giang sẽ học được nhiều hơn.


Những việc còn phải làm

Qua gần 4 năm thực hiện cuộc vận động, sự chuyển biến về nhận thức và những kết quả đạt được đã rất rõ. Ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân... có thể nói đã được nâng cao một bước. Những tấm gương như phần trên của bài viết đã nêu thực sự đã trở thành những nhân tố rất quan trọng góp phần tích cực để Hà Giang xóa được đói, giảm được nghèo, sớm thoát ra khỏi tình trạng một tỉnh đặc biệt khó khăn. Tuy được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc đồng tình hưởng ứng, nhưng để cuộc vận động thực sự trở thành “động lực” phát triển xã hội thì tính thường xuyên liên tục cần phải được quán triệt, qua đó tạo được tính bền vững, tính tự giác trong tất cả các cơ quan, tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang. Có một thực tế là còn không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức quần chúng nhận thức về ý nghĩa cuộc vận động chưa cao, điều đó được thể hiện qua những kết quả “chung chung” khi thực hiện cuộc vận động; qua việc xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh còn chưa cụ thể, rõ ràng. Trong thực tế cuộc sống, còn không ít những cơ quan công quyền chưa tổ chức tốt cho cán bộ học tập, lề lối, tác phong làm việc còn chưa chuyên nghiệp, còn phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ... Cần phải thấy rõ rằng, cuộc vận động không chỉ nhằm ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, không phải chỉ để phòng, chống tham nhũng, quan liêu mà vượt lên tầm cao hơn, hiệu quả của cuộc vận động đã trở thành động lực để phát triển kinh tế, xây dựng xã hội phồn vinh. Chính vì vậy, việc tuyên truyền về cuộc vận động cần tiếp tục được triển khai sâu rộng, bằng những hình thức cụ thể, hiệu quả. Sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao, quyết liệt của cấp ủy các cấp, kịp thời và thẳng thắn khắc phục những thiếu sót sẽ là điều kiện tiên quyết để cuộc vận động tiếp tục đi vào thực tiễn lao động, sản xuất trong tất cả các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh. Vì ý nghĩa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh ta sẽ ngày càng đạt tới ấm no, hạnh phúc, Hà Giang chắc chắn sẽ sớm thoát khỏi đói nghèo, vươn tới sự phồn thịnh, văn minh.


TRUNG THU

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn - nhiều nguồn lực đầu tư xóa nhà tạm
HGĐT- Năm 2010, huyện Đồng Văn đề ra kế hoạch xóa 1.161 nhà tạm, thực hiện điều này, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước theo Chương trình 167 và ngân sách địa phương, huyện đã huy động nhiều nguồn lực từ bên ngoài nhằm đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm.
29/11/2010
Năm 2010, toàn tỉnh có 7.600 hộ thoát nghèo
HGĐT- Năm 2010, qua các chương trình dự án về công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và trợ giúp người nghèo từ ngân sách nhà nước, từ nguồn vốn quyên góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị đã được các cấp, ngành chức năngtỉnh ta triển khai lồng ghép và thực hiện hiệu quả.
27/11/2010
Sớm cấp kinh phí cho chương trình bố trí, sắp xếp dân cư tại Quang Bình
HGĐT- Năm 2010 theo kế hoạch của UBND tỉnh, công tác được bố trí, sắp xếp dân cưra khỏi vùng có nguy cơ sạt, lở, lũ ống tại huyện Quang Bình được thực hiện dưới 2 hình thức, đó là bố trí, ổn định dân cư tập trung và hình thức bố trí, ổn định dân cư xen ghép. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, công tác ổn định dân cư tại huyện diễn ra còn chậm, ảnh hưởng đến
27/11/2010
Cần nhân rộng mô hình đầu tư giảm nghèo bền vững ở Xín Mần
HGĐT- Xín Mần là một trong 6 huyện nghèo đang được thụ hưởng chính sách ưu tiên đầu tư theo Nghị quyết 30a. Ngoài nguồn vốn của nhà nước, Xín Mần còn nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Tổng công ty nhà nước. Sự giúp đỡ đó là nguồn lực quan trọng để Xín Mần xóa nghèo. Đến với Xín Mần theo “tiếng gọi 30a”, Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Liên Việt có cách làm rất
27/11/2010