Nghị quyết 30a tạo bước đột phá cho các huyện nghèo
HGĐT- Chương trình xóa nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a là chương trình đầu tư hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Một trong những chính sách đạt được kết quả đáng ghi nhận, đó là hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo.
Lồng ghép với nguồn vốn dự án 661, hơn 18 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình 30a đã góp phần hỗ trợ cho người dân ở 4 huyện vùng cao phía Bắc có điều kiện để bảo vệ 132.366,7 ha rừng, khoanh nuôi phục hồi gần 57 ngàn ha và chăm sóc 1.839,8 ha rừng trồng, trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đạt 2.446 ha. Riêng ở hai huyện phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần thực hiện bảo vệ được 15.336 ha, khoanh nuôi phục hồi 9.000 ha, chăm sóc rừng trồng gần 2000 ha, trồng rừng sản xuất, phòng hộ là 2.446 ha.
Từ chương trình 30a, hai năm qua gần 4.000 tấn gạo đã được hỗ trợ cho hộ nghèo nhận chăm sóc bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cho 794 hộ nghèo các thôn biên giới không tham gia bảo vệ rừng nhưng chưa tự túc được lương thực.
Chương trình cũng đã hỗ trợ giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng cho 3.388ha; hỗ trợ vốn vay không lãi để phát triển chăn nuôi cho trên 11.000 hộ; hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển ngành nghề cho 263; tăng cường hoạt động khuyến nông, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương.
Trong 2 năm qua, với tổng kinh phí được bố trí là gần 3 tỷ đồng, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực thực hiện các công việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Đã có trên 1.000 lao động được hỗ trợ dạy nghề, hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động cho 67 người. Từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu kết hợp với nguồn bổ sung từ Chương trình 30a,các cơ sở dạy nghề thuộc 6 huyện nghèo đã tổ chức các lớp sơ cấp dạy nghề, dạy nghề thường xuyên tại các xã, các trung tâm cho hơn 3.000 người, góp phần định hướng và nâng cao kỹ năng để người lao động có thể tự giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, thôn nghèocũng được chương trình 30a tập trung đầu tư. Ở cấphuyện, với tổng kinh phí 216. 841 triệu đồng đã đầu tư cho 86 công trình, trong đó chủ yếu là đường giao thông.Đối với cấp xã và dưới xã có tổng số vốn đầu tư là 44.831 triệu đồng vớinhiều công trình đã được triển khai thực hiện, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tỉnh ta cũng đã phát động sâu rộng và được sự hưởng ứng tích cực từ phía các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân hỗ trợ hộ nghèo về giống gia súc, về xóa nhà tạm, hỗ trợ phản nằm, xây dựng trường lớp học... Cuối năm 2009, tỉnh ta đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 6278 ngôi nhà cho hộ nghèo. Năm 2010, tiếp tục hỗ trợ xóa nhà tạm cho 5836 hộ nghèo.
Năm 2009, các doanh nghiệp được trung ương phân công đỡ đầu xã đặc biệt khó khăn đã cam kết hỗ trợ 136.168 triệu đồng. Năm 2010, cam kết hỗ trợ là 81.958 triệu đồng. Chủ yếu đầu tư xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xây trường lớp học, hỗ trợ giống gia súc, phát triển sản xuất, hỗ trợ các hoạt động giáo dục và y tế...
Những kết quả đạt được bước đầu là rất đáng khích lệ, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nghị quyết, tỉnh ta vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết, đó là khó khăn nảy sinh từ nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế của 6 huyện nghèo. Nguồn vốn thực hiện đề án không cụ thể, việc phê duyệt đề án giao cho địa phương nhưng địa phương lại không tự chủ về nguồn lực, dẫn đếnlúng túng trong việc thẩm định và phê duyệt đề án của các huyện nghèo. Một số huyện còn bố trí nguồn vốn được cấp chưa kịp thời để thực hiện các chính sách theo hướng dẫn của đề án, tiến độ giải ngân còn chậm, một số chính sách chưa được triển khai, hoặc chính sách đã triển khai nhưng hiệu quả không như mong muốn; các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai chậm do nguồn kinh phí ít lại bố trí dàn trải, nhiều công trình dẫn tới việc thi công dở dang, chậm tiến độ. Đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Đề án 30a phải kiêm nhiệm, trình độ năng lực còn hạn chế, thường xuyên thay đổi, đặc biệt là cán bộ cấp huyện và cấp xã...
Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục đích của Chương trình 30a trong những năm tiếp theo, tỉnh ta xác định phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các huyện... nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Đó là tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ của nhà nước tới nhân dân, thực hiện công khai, dân chủ và bàn bạc thống nhất trong dân để tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chính sách. Phân bổ và giám sát sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được giao theo đúng nội dung chính sách hỗ trợ mà nhà nước đã quy định. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên hoàn thành việc quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệpvà quy hoạch dân cư để làm căn cứ cho việc xem xét đầu tư...
Ý kiến bạn đọc