Hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo
HGĐT- Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện trên địa bàn tỉnh ta từ năm 2008. Mỗi năm Dự án thực hiện 3 mô hình tại 3 xã không thuộc Chương trình 135 giai đoạn II với khoảng 25 đến 50 hộ dân/xã tham gia. Nguồn kinh phí thực hiện mỗi mô hình là 500 triệu đồng do Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo hỗ trợ. Qua 3 năm thực hiện, với hình thức đầu tư trực tiếp, mô hình trở thành đòn bẩy giúp các hộ có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiến tới thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Chị Phàn Thị Tấy, thôn Nà Thuông, Kim Linh (Vị Xuyên) được đầu tư giống trâu sinh sản. |
Sau 3 năm triển khai, Dự án đầu tư 9 mô hình ở 9 xã, cụ thể: Năm2008, thực hiện 3 mô hình nhân rộng chăn nuôi trâu, bò sinh sản gắn với trồng cỏ ở Đông Minh (Yên Minh), Linh Hồ (Vị Xuyên), Nậm Dịch (Hoàng Su Phì); năm 2009, thực hiện 3 mô hình, mô hình nhân rộng chăn nuôi lợn đen tại Tân Bắc (Quang Bình), mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Kim Linh (Vị Xuyên), mô hình chăn nuôi lợn hàng hoá tại Yên Định (Bắc Mê); năm 2010 thực hiện 3 mô hình chăn nuôi lợn, trâu bò hàng hoá Ngọc Minh (Vị Xuyên), Bản Rịa (Quang Bình) và Việt Vinh (Bắc Quang). Để việc xây dựng các mô hình phát huy được hiệu quả, mục đích, ý nghĩa đề ra, sau khi có nguồn vốn cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh lựa chọn huyện tham gia xây dựng mô hình rồi phân bổ để các huyện lựa chọn xã thực hiện mô hình. Các xã được chọn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình rồi tự xây dựng nội dung đầu tư mô hình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, một yêu cầu bắt buộc đó là mô hình được xây dựng phải có bài học kinh nghiệm thành công ở trong xã hoặc một địa phương khác. Đa số các xã đều lựa chọn mô hình chăn nuôi gia súc, trong đó chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản, chăn nuôi lợn hàng hoá. Mỗi mô hình được đầu tư 150 đến 200 triệu đồng tùy thuộc vào số hộ nghèo tham gia. Hình thức đầu tư được thực hiện theo phương thức Dự án hỗ trợ 70% tiền cho người dân mua con giống, tu sửa chuồng trại, mua thức ăn hoặc trồng cỏ...Khi được chọn tham gia mô hình, người dân chủ động trong việc tu sửa chuồng trại, trồng cỏ, lựa chọn con giống rồi đề nghị BQL Dự án xã cấp kinh phí chi trả trực tiếp. Với hình thức đầu tư như vậy, Dự án đảm bảo được nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, tránh được tình trạng người dân cầm tiền rồi không đầu tư phát triển kinh tế mà sử dụng vào mục đích khác. Mỗi xã duy trì thực hiện mô hình trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm, mỗi hộ tham gia bắt buộc phải ký cam kết sau khoảng thời gian nhất định phải thoát nghèo, tuỳ thuộc vào từng mô hình. Đối với mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản yêu cầu bắt buộc sau 3 năm thoát nghèo, mô hình chăn nuôi nuôi lợn nái sinh sản, nuôi lợn hàng hoá sau 1 đến 2 năm thoát nghèo...
Năm 2009, xã Kim Linh (Vị Xuyên) được chọn triển khai Dự án, ngay sau khi có quyết định phân bổ nguồn vốn 150 triệu đồng, xã quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi trâu sinh sản với 25 hộ nghèo ở thôn Bản Lầu, Nà Thuông tham gia. Trên cơ sở thực tế, xã quyết định hỗ trợ cho người dân 5 triệu để mua giống trâu, gần 1 triệu để phát triển trồng cỏ và tu sửa chuồng trại. Sau khi được tuyên truyền, quán triệt,25 hộ dân đã chủ động đi chọn mua con giống và làm chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi. Đến nay, 100% hộ đã mua được trâu và có chuồng nuôi nhốt, một số trâu đã sinh sản. Chị Phàn Thị Tấy, nhà ở thôn Nà Thuông, một trong những hộ tham gia mô hình tâm sự: “Trước kia gia đình tôi cũng nuôi trâu nhưng bị chết rét năm 2008, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng tôi không có điều kiện để mua trâu về chăn thả, nhà làm ruộng, không có trâu làm sức kéo nên khó khăn vô cùng. May mắn là năm 2009 được Dự án hỗ trợ tiền nên gia đình tôi mới có điều kiện mua trâu về chăn nuôi, không những thế còn được hỗ trợ để tu sửa chuồng trại và trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc vụ Đông, tôi rất biết ơn Dự án đã hỗ trợ, giúp gia đình tôi có phương tiện để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế”. Chị Nguyễn Thị Chanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã khẳng định: “Việc triển khai, thực hiện mô hình rất đơn giản nhưng hiệu quả đạt được rất lớn bởi nó đáp ứng được yêu cầu về vốn đầu tư cho các hộ nghèo có phương tiện sản xuất, chăn nuôi. Không chỉ riêng nhà chị Tấy thực hiện mô hình đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn mà 24 hộ còn lại đều thực hiện nghiêm túc và bước đầu phát huy hiệu quả”.
Nhìn chung, sau 3 năm triển khai cho thấy, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai trên địa bàn 9 xã được chính quyền, người dân đồng tình ủng hộ. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã đã chủ động trong việc triển khai Dự án, lựa chọn mô hình, hoàn chỉnh dự án theo đúng yêu cầu, hướng dẫn, sát với thực tế địa phương. Các mô hình triển khai đều tập trung vào chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản đáp ứng được mong muốn hỗ trợ phương tiện sản xuất của các hộ nghèo cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương cũng như tập quán của người dân. Chính điều đó nên 100% các hộ tham gia thực hiện mô hình đều đảm bảo đầu tư đúng mục đích, bước đầu phát huy được hiệu quả kinh tế. Không những thế, khi tham gia mô hình, người dân không chỉ được hưởng lợi từ hoạt động hỗ trợ trực tiếp của Dự án mà còn nâng cao kinh nghiệm chăn nuôi nhờ được tham gia các lớn tập huấn do Dự án tổ chức cũng như được hướng dẫn trong quá trình thực hiện chăn nuôi tại gia đình. Các mô hình được triển khai cũng là bài học kinh nghiệm cho các huyện, các xã nhân rộng mô hình trên diện rộng. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, Dự án vẫn còn một số khó khăn cụ thể, trong đó khó khăn nhất là việc phân bổ kinh phí còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra, gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng dự án các huyện cũng như tiến độ triển khai thực hiện dự án của tỉnh.
Những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, xây dựng mô hình giảm nghèo cho các địa phương cũng như là những mô hình điểm cho người dân học tập.
Ý kiến bạn đọc