Hiệu quả của việc áp dụng LPMD và Quỹ PTĐP trong Chương trình Chia sẻ
HGĐT- Việc triển khai chu trình lập kế hoạch quản lý phát triển địa phương (LPMD) và Quỹ phát triển địa phương (PTĐP) là một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình Chia sẻ II.
Trong 2 năm 2009-2010, Chương trình Chia sẻ giai đoạn II triển khai 7 hoạt động liên quan đến việc áp dụng LPMD và Quỹ PTĐP nhằm xác định các thành tố cốt lõi, điểm đột phá của tài liệu hướng dẫn cho phiên bản “giản lược hơn”. Sau hơn 1 năm thực hiện, có 4/7 hoạt động được triển khai gồm: Hoạt động phối hợp giữa BQL Chương trình Chia sẻ tỉnh và BQL Dự án Chia sẻ huyện Hoàng Su Phì tập huấn xây dựng kế hoạch cho 25 xã với 98 học viên tham gia; phối hợp với BQL Chương trình T.Ư tổ chức đào tạo tiểu giáo viên cho các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện và trường Chính trị tỉnh về lập kế hoạch phát triển KT-XH lồng ghép với 15 học viên tham gia; tập huấn phương pháp lập kế hoạch phát triển KT-XH cho các ban, ngành, xã, Ban Giám sát xã, cán bộ chủ chốt thôn và các chủ hộ gia đình với tổng số 362 lượt người tham gia. Có 3 hoạt động đang lên kế hoạch triển khai gồm: Hoạt động phối hợp giữa BTK Chương trình và tư vấn hoàn thiện hệ thống theo dõi đánh giá giám sát cho Chia sẻ; hoạt động phối hợp giữa BTK tập huấn sổ tay lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã; hoạt động nghiên cứu về sự hình thành Quỹ PTĐP và lập kế hoạch phát triển KT-XH lồng ghép theo LPMD cấp huyện.
Trong Chương trình Chia sẻ giai đoạn II, việc lập kế hoạch quản lý phát triển địa phương vẫn áp dụng quy trình như giai đoạn I. Tuy nhiên, về phương pháp và phân bổ Quỹ PTĐP được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu của giai đoạn II là dần chuyển giao phương pháp, cách tiếp cận cho các hộ dân để họ tiếp tục duy trì, nhân rộng sau khi Chia sẻ kết thúc. Việc lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã, huyện của dự án phải được lồng ghép với kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của địa phương, năm 2011 dự án sẽ tiến hành thí điểm việc xây dựng kế hoạch lồng ghép với kế hoạch phát triển KT-XH địa phương ở các xã và cấp huyện của Hoàng Su Phì.
Để triển khai hoạt động này, BQL Chương trình tỉnh, huyện đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ lập kế hoạch của các ban, ngành huyện, xã nhằm đảm bảo việc lập kế hoạch trở thành quá trình có sự tham gia và lồng ghép với nhiều nguồn lực trên cùng địa bàn. Việc phân bổ Quỹ PTĐP và các hoạt động sử dụng Quỹ PTĐP chỉ triển khai đến cấp xã, việc làm này tạo điều kiện thuận lợi cho các xã lồng ghép được tất cả nguồn lực, góp phần XĐGN bền vững; các hoạt động đầu tư cũng được lựa chọn một cách linh hoạt, phù hợp với thực trạng của từng thôn, bản cũng như mục tiêu của dự án đó là giảm dần hỗ trợ trực tiếp nhằm tránh tình trạng ỷ lại của người dân, đồng thời tăng cường các hoạt động có tính chất hưởng lợi cộng đồng, tạo động lực cho người dân tự phát triển.
Đến nay, phương pháp lập kế hoạch phát triển KT-XH lồng ghép được thực hiện thí điểm tại 25 xã, thị trấn của huyện Hoàng Su Phì, tiến tới nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh; phương pháp lập kế hoạch từ dưới lên đảm bảo các nguyên tắc then chốt của Chia sẻ là phân cấp, trao quyền một cách công khai. Phương pháp trên tạo ra các điểm đột phá đó là việc phân bổ Quỹ PTĐP đến cấp xã đã giúp nhà quản lý có được cái nhìn tổng quát về các nguồn lực, qua đó tránh được tình trạng chồng chéo hoạt động trong lập kế hoạch, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm. Do áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên, nhận thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm cao hơn, điều này được thể hiện thông qua việc hoàn thành các khoản đóng góp và không đòi hỏi bất cứ một khoản đền bù nào khi đụng chạm đến lợi ích của họ.
Ý kiến bạn đọc