Đảm bảo giao thông trên những tuyến đường Hoàng Su Phì
HGĐT- Nằm ở phía Tây của tỉnh, huyện Hoàng Su Phì có 25 xã, thị trấn với diện tích tự nhiên trên 63,2 nghìn ha. Địa hình nơi đây bị chia cắt mạnh bởi mạch cắt của hai dãy núi Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi cùng kết cấu địa chất yếu khiến hiện tượng sạt, lở đất, đá liên tục xảy ra, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, hệ thống đường giao thông luôn bị thiên tai tàn phá nặng nề.
Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì có trên 1 nghìn km đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã và từ xã đến thôn, bản, mạng lưới giao thông liên tục được mở rộng thông qua phong trao làm đường “Đại đoàn kết”. Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên, cấu tạo địa hình, địa chất phức tạp...nên hiện tượng, đất, đá vùi lấp cống, rãnh thoát nước, gây đứt, gãy các tuyến đường giao thông thường xuyên xảy ra.
Nhằm đảm bảo giao thông trên các tuyến đường luôn được thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân, những năm qua, công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn luôn được huyện đặc biệt coi trọng. Phòng Công Thương với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước đã thường xuyên phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp cùng đơn vị thi công, BQL đầu tư xây dựng kiểm tra các tuyến đường đến trung tâm xã, xây dựng kế hoạch, đôn đốc các xã, đơn vị thi công tu sửa, đảm bảo giao thông. Công tác phối hợp, đảm bảo giao thông được thực hiện chặt chẽ nên khi trên tuyến đường nào xảy ra sự cố sạt lở, lực lượng chức năng ở địa phương có mặt kịp thời tại hiện trường, tổ chức khắc phục đồng thời thông báo cho phòng Công Thương huy động phương tiện hỗ trợ. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, các hiện tượng đất, đá từ trên núi sạt xuống vùi lấp nhà cửa, hệ thống đường giao thông liên tục xảy ra, tần số xuất hiện dày đặc khi mùa mưa lũ về. Nhưng, dù khối lượng sạt, lở, hậu quả nặng đến đâu, chỉ trong thời gian ngắn nó đã được khắc phục, điều này phản ánh nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng, người dân địa phương, các doanh nghiệp trong thực hiện xã hội hóa công tác đảm bảo giao thông.
Bên cạnh công tác duy tu, bảo dưỡng, Hoàng Su Phì đã phát động nhiều đợt ra quân mở đường “Đại đoàn kết”, năm 2010 huyện đã nâng cấp 36km đường giao thông, trong đó đường có trên 5 km đường rộng trên 4,8m; trên 9,6km đường rộng 4,8m; 5,9km đường rộng 3,5m; 4,4km đường rộng 3m; trên 10km đường rộng 2,5m... Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công, mở mới 33km đường giao thông, trong đó có trên 10km đường rộng 3,5m; 18,5km đường rộng 3m và trên 7km đường rộng 2,5m. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đang thi công 9 tuyến đường đến trung tâm xã với chiều dài trên 126km, đến nay đã thi công xong phần nền với chiều dài trên 106 km, đổ bê tông mặt đường trên 33km, rải nhựa mặt đường 23km; 13 tuyến đường liên xã với chiều dài gần 151km, đã thi công xong 55km phần nền, đổ bê tông mặt đường 3km, rải nhựa mặt đường trên 11,5km. Cùng với công tác mở mới, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông, việc lắp đặt hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, biển báo phân giới địa phận các xã, biển chỉ dẫn đường giao thông đến trung tâm các xã, hệ thống cống, rãnh cũng được triển khai. Đến nay, cơ quan chức năng đã chỉ đạo lắp đặt xong 21 cống phụ lấy nước qua đường, phục vụ nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp của nhân dân các xã Tân Tiến, Túng Sán; phối hợp với UBND các xã Tụ Nhân, Hồ Thầu, Nam Sơn, Sán Sả Hồ, Bản Luốc, Nậm Khoà, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng huy động nhân công, vật liệu tu sửa 13 cầu treo, cầu gỗ...đã góp phần đảm bảo giao thông luôn được thông suốt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Huy - Trưởng phòng Công Thương Hoàng Su Phì cho biết: Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa chất phức tạp, hiện đượng sạt, lở thường xuyên xảy ra nên nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên địa bàn huyện đặt ra hết sức nặng nề. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên môn rất mỏng, thường xuyên phải tăng cường cho cơ sở, hơn nữa phương tiện hỗ trợ, kinh phí duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường rất eo hẹp nên phòng phải huy động tối đa công tác xã hội hóa đảm bảo giao thông. Khi xảy ra sự cố sạt, lở, trên các tuyến đường, tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp đều được huy động tham gia khắc phục hậu quả, nhằm nhanh chóng khai thông điểm sạt, lở, không để tình trạng ách tắc kéo dài. Trong thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với UBND các xã xây dựng phương án nâng cấp, mở đường giao thông nông thôn, tu sửa cầu treo...nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, phục vụ tốt nhu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn huyện.
Ý kiến bạn đọc