Xín Mần nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững
HGĐT- Xín Mần là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh, nằm trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Thủy điện sông Chảy 5 (km 26, xã Thèn Phàng) do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Đà thi công với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. |
Đến nay sau gần 2 năm thực hiện, Xín Mần đã đạt được những kết quả rất đáng kể, nhiều công trình phúc lợi xã hội ở hầu hết các xã, thị trấn đều được đầu tư xây dựng kiên cố; sản xuất nông, lâm nghiệp từng bước phát triển; số lao động nông thôn được dạy nghề, có việc làm ngày càng tăng; đội ngũ cán bộ cơ sở thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn... Do đó, đời sống của bà con nhân dân hiện nay đã được nâng lên một bước, diện mạo của các xã đặc biệt khó khăn đang được thay đổi một cách tích cực.
Trong những năm trước đây, hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Xín Mần đều đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, song nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên các công trình trường học, trạm y tế, thủy lợi, đường giao thông... thường xuống cấp nhanh vìkhông có ngân sách duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Đặc biệt, đối với nhà ở, hầu hết các hộ khó khăn đều đã được hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhưng do điều kiện ngân sách, việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cũng chỉ dừng lại bằng nhà tạm là chính, nên vẫn rất cần Nhà nước tiếp tục có chính sách và giải pháp hỗ trợ cho đồng bào theo tiêu chí về nhà ở hiện nay.
Kể từ năm 2006 trở lại đây, tỉnh ta đã thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với 12 chính sách, dự án, tập trung vào 3 nhóm: Nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo; nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách và hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo, ngoài ra còn mở rộng thêm nhóm đối tượng mới thoát nghèo được tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ trong vòng 2 năm sau khi thoát nghèo. Và kể từ đó đến nay, các chính sách, dự án đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đối với các huyện vùng cao nghèo của tỉnh nói chung và huyện Xín Mần nói riêng.
Năm 2009-2010, huyện Xín Mần tiếp tục được triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Sau gần 2 năm đã có gần 130 dự án xây dựng cơ bản tập trung được thực hiện và đưa vào sử dụng gần 100 công trình; có gần 1.600 ngôi nhà đã và đang được hỗ trợ với tổng số tiền trên 26 tỷ đồng. Đã có hàng nghìn lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý; hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; đào tạo nghề cho nông thôn và học sinh lớp bán trú dân nuôi, học sinh nghèo tại các xã thoát khỏi 135...
Cùng với các chương trình mục tiêu giảm nghèo,các hợp phần của Chương trình 135 giai đoạn II như: Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực và hỗ trợ sản xuất, đều được tổ chức triển khai đạt tiến độ, tác động thiết thực đến công tác giảm nghèo.
Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Xín Mần vẫn lấy nông nghiệp làm trọng tâm, vừa đảm bảo an ninh lương thực cũng vừatăng thu nhập cho người dân. Từ nhận thức đó, trong 2 năm trở lại đây, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa chăn nuôi trở thành nguồn thu nhập chính cho đồng bào các dân tộc, trong đó chú ý đến kinh tế hộ. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo cho người dân có nghề và có cuộc sống khá hơn. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng trong chuyển đổi nhận thức cho người dân vùng cao, làm cơ sở để giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Dương Minh Hòa, Bí thư Huyện ủy cho biết: Đến nay hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của huyện trong năm 2010 đều đã hoàn thành. Trong chăn nuôi, phát triển đàn gia súc thực hiện theo Nghị quyết 30a, huyện đã mua gần 300 con trâu từ ngoài tỉnh về để cải tạo giống, từ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 30a cho các hộ nghèo, theo đó đàn trâu của huyện đã tăng đột biến lên gần 1.400 con, nâng tổng số đàn trâu lên gần 15 nghìn con. Sản phẩm từ cây thảo quả giờ đây cũng đã trở thành hàng hóa của nhiều hộ gia đình sau nhiều năm không được quan tâm thỏa đáng. Ngoài ra còn một loạt các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đang được triển khai trên địa bàn toàn huyện, nhiều mô hình của huyện được tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Đây được xem là những bước đột phá của Xín Mần trong 2 năm trở lại đây.
Đi đôi với phát triển mạnh chăn nuôi hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, huyện còn đẩy mạnh cơ chế, chính sách, mở rộng thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội ở trong và ngoài tỉnh đến cùng chung tay xây dựng huyện Xín Mần. Trong gần 2 năm trở lại đây, cùng với nguồn ngân sách từ Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Xín Mần đã thu hút, huy động được khá nhiều nguồn lực xã hội trong cả nước, cùng tham gia thực hiện. Đến nay đã có gần 40 tỷ đồng của các đơn vị như: Ngân hàng Liên Việt; Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng công ty Hàng hải; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình... đã tham gia hỗ trợ xây dựng cầu xi măng, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà lưu trú giáo viên và lớp học mầm non... đã tạo ra cho Xín Mần một diện mạo mới trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có Ngân hàng Liên Việt, thành phần chính là Công ty Him Lam được Chính phủ giao đỡ đầu Xín Mần, huyện 30a từ nay đến 2020 với cam kết tài trợ trên 65 tỷ đồng. Được biết trong những năm tới, các đơn vị này sẽ còn tiếp tục đầu tư mở rộng trên các lĩnh vực: Phát triển chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất; nâng cấp xây dựng hệ thống trường Mầm non và thực hiện làm cầu treo kết nối giao thông liên thôn, liên xã. Cùng với các đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh, Xín Mần còn nhận được sự giúp đỡ của huyện Bắc Quang, một số doanh nghiệp trong tỉnh và các đơn vị đóng chân trên địa bàn cùng chung tay xây dựng Xín Mần.
Theo đồng chí Hà Xuân Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết thì những thành quả trên là sự cố gắng nỗ lực của cả tập thể trong Thường trực huyện ủy, với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không trông chờ ỷ lại cùng với cẩm nang là Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do đó đã được toàn Đảng bộ và đồng bào các dân tộc nhiệt tình tham gia ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Doanh nghiệp đến tham gia đầu tư tại huyện. Sự có mặt tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là huyện đã thành lập được Công ty phát triển Xín Mần có trụ sở đặt tại huyện, đã cho thấy sự cam kết bền vững của các doanh nghiệp đối với địa phương.
Đến Xín Mần hôm nay, đã thấy được sự đổi thay rõ nét, từ các xã vùng sâu, vùng xa, nhiều công trình trường học được xây dựng khang trang, đường giao thông đi lại thuận tiện, đời sống của đồng bào các dân tộc được đổi thay đáng kể từ cách nghĩ đến cách làm. Đó là những minh chứng cụ thể nhất cho thấy sự đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng bộ trong lãnh chỉ đạo phát triển KT-XH và ổn định chính trị. Tuy nhiên, theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, Xín Mần vẫn còn là huyện khó khăn, vì vậy trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư từ nguồn ngoại lực, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Xín Mần tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến mảnh đất và con người nơi biên cương Tổ quốc; vận động, giáo dục thuyết phục về ý thức dân tộc, ý chí tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thác Tiên, Đèo Gió, điểm thu hút khách du lịch đến với Xín Mần. |
Trường mầm non Cốc Pài II do Tổng Công ty Hằng Hải Việt
|
Cầu Na Lan trọng tải H30, do Ngân hàng Liên Việt - Công ty Cổ phần Him Lam xây tặng. |
Chăn nuôi gia súc đang được huyện Xín Mần coi trọng phát triển. Ảnh: Nhất Linh |
Ý kiến bạn đọc