Thành phố Hà Giang với công tác giải quyết việc làm
HGĐT- Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Giang có trên 70.000 người, trong đó ở độ tuổi lao động là 35.600 người, chiếm trên 50% tổng dân số. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết việc làm đối với sự phát triển bền vững, những năm qua thành phố Hà Giang đã có những chính sách, biện pháp dưới nhiều hình thức hỗ trợ, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với lao động trong các ngành kinh tế quốc dân ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại với kết quả khả quan.
Trong năm 2010, bằng việc hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế địa phương; các dự án hỗ trợ trực tiếp để giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp và thiếu việc làm... đã tạo điều kiện cho trên 1.500 lao động có việc làm. Cụ thể là việc phát triển các thành phần kinh tế (chủ yếu là kinh tế cá thể hộ gia đình), các cơ sở sản xuất kinh doanh thủ công mỹ nghệ truyền thống, khai thác thế mạnh đặc trưng của các vùng về phát triển chăn nuôi, đưa các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, trồng cây ăn quả, rau, hoa trên địa bàn các xã, phường... Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới cũng được thành phố đặc biệt chú trọng. Trong năm 2010, thành phố đã trực tiếp hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vay vốn từ quỹ Quốc gia về hỗ trợ việc làm cho 45 dự án với tổng số tiền lên tới 1 tỷ 710 nghìn đồng. Tổ chức mở 18 lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại các xã, phường thu hút gần 600 học viên tham gia; phối hợp với các cơ quan, cơ sở doanh nghiệp tạo mọi điều kiện cho người lao động tiếp cận với các ngành nghề mới, nâng cao tay nghề. Nhờ đó đã có hàng trăm lao động tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhiều lao động đã có những dự định, kỹ năng nghề nghiệp tự tạo việc làm cho mình, cho gia đình. Đặc biệt việc hỗ trợ mỗi lao động được vay 20- 25 triệu đồng đi xuất khẩu lao động tại các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaixia. Với những hoạt động đó, vấn đề việc làm của thành phố đang từng bước được giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố đã giảm xuống dưới 5% và tăng thời gian sử dụng lao động nông thôn lên trên 80%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực sản xuất vật chất nông- lâm- ngư nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động trong dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, việc giải quyết việc làm ở thành phố Hà Giang còn gặp những khó khăn đó là, chất lượng lao động còn thấp, nhất là lao động ở khu vực nông thôn chưa qua đào tạo, chưa có tay nghề cao; việc làm cho người lao động còn thiếu, chưa ổn định; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chưa chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch kinh tế. Công tác đào tạo lao động chưa bám sát với nhu cầu thực tế, đặc biệt là đội ngũ trí thức, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp còn lớn.
Để giải quyết ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn đối với công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, thành phố Hà Giang đã xây dựng đề án chiến lược giải quyết việc làm giai đoạn 2010- 2015, có tính đến 2020, trong đó nhấn mạnh tới mục tiêu trung bình mỗi năm giải quyết cho khoảng 1.500 lao động trở lên; gắn đào đạo nghề cho người lao động với giải quyết việc làm; mở rộng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo một số ngành nghề mà thị trường lao động đang có nhu cầu. Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có khả năng tạo ra nhiều việc làm mới; cùng với đó là liên kết chặt chẽ với các đơn vị, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Ý kiến bạn đọc