Hãy bắt tay bảo vệ môi trường!
Chàng siêu nhân
Đoàn Philippines mang đến tuần lễ sinh thái là những dự án về nâng cao nhận thức của trẻ em. Christopher Millora - SV trường ĐH West Visayas State - đã thuyết phục ban giám khảo khi trình bày dự án mà anh thực hiện tại quê nhà. Với niềm yêu thích trẻ em và khả năng viết truyện tranh cùng với sự giúp đỡ của người bạn có năng khiếu mỹ thuật, Christopher đã hoàn tất câu chuyện về những chàng siêu nhân tốt bụng sẵn sàng chống lại kẻ xấu là rác.
Tại Philippines, hằng ngày, Christopher cùng với bạn mình hành trình trên chiếc xe chạy khắp các làng quê để kể chuyện cho trẻ em nghe và kêu gọi các em hãy hành động như siêu nhân cùng bảo vệ môi trường. Rất nhiều ý tưởng được các đại biểu tán thành và kêu gọi cùng hành động như: thay vì gửi thiệp cho bạn bè thì hãy gửi trái cây hoặc dùng chất thải tái chế thành vật liệu xây dựng, thu gom giấy đã sử dụng một mặt đóng thành tập cho trẻ em dùng…
Giải cứu con sông
Chúng ta đang vay mượn tài nguyên từ thế hệ tương lai. Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy hành động ngay từ bây giờ để cùng bảo vệ môi trường |
||
Ông Satinder Bindra - Giám đốc truyền thông Ban Môi trường Liên Hiệp Quốc | ||
“Sự sáng tạo và môi trường bền vững” là thông điệp của các nhà tổ chức (Ban Môi trường Liên Hiệp Quốc và Công ty Bayer AG) gửi đến tất cả mọi người. Ông Rolnd Keiper - Giám đốc truyền thông quốc tế của Bayer, cho biết ở Đức mọi người dân kể cả các công ty đều có ý thức bảo vệ môi trường sống, và với họ, rác là thứ có giá trị. Trên chuyến xe từ tổng hành dinh Bayer ở Leverkusen về thành phố Cologne, các đại sứ môi trường được nhắc nhở đến 3 lần về việc trả lại những chai nước suối đã uống xong để tái chế. Trong ngày đầu tiên, các thành viên đã chứng kiến ý thức bảo vệ môi trường của người dân Đức, tham quan nhà máy xử lý nước trên dòng sông Emscher - một công ty phi lợi nhuận do nhà nước và các doanh nghiệp lớn của Đức thành lập với mục đích phục vụ cộng đồng. Một trong những dự án lớn mà công ty này thực hiện thành công đó là cứu dòng sông Emscher.
Ông Eberhard Holtmeier - Giám đốc nhà máy, kể lại con sông này nổi tiếng có nhiều loại cá và được nhiều họa sĩ vẽ thành tranh. Vào thế kỷ 19, người ta phát hiện khu vực này có những mỏ than với trữ lượng rất lớn và bắt đầu hoạt động khai thác. Từ đó nảy sinh rất nhiều hệ lụy về môi trường. Do khai thác than nên nhiều khu vực bị lún, thậm chí có nơi bị biến thành hồ. Tình trạng khô hạn, lũ lụt xuất hiện và nhiều dịch bệnh nghiêm trọng từng xảy ra. Bất chấp hậu quả, người ta vẫn quyết định lấy con sông làm cống nước thải lộ thiên. Sang thế kỷ 20, tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn và chính quyền đã quyết định ngừng khai thác. Từ năm 1992, một dự án khổng lồ được khởi công, đó là: Cải tạo hoàn toàn con sông Emscher. Kinh phí cho dự án là 4,5 tỉ euro và hoàn thành vào năm 2020. Không chỉ cải tạo chất lượng nước mà người ta còn cải tạo sự đa dạng sinh học vốn có của dòng sông. Bên cạnh đó, các kỹ sư còn thiết kế dòng chảy và hình dạng con sông cho hòa hợp với cảnh quan xung quanh. Đến nay, dòng sông này đã gần như trở lại lúc ban đầu với phong cảnh rất đẹp, là nơi tham quan, thư giãn của nhiều người dân.
Cũng trong chương trình, ông Satinder Bindra - Giám đốc truyền thông Ban Môi trường Liên Hiệp Quốc - đã có buổi nói chuyện thú vị trước gần 100 đại biểu về trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ môi trường sống. Ông Bindra đã gửi thông điệp đến toàn thế giới: “Chúng ta đang vay mượn tài nguyên từ thế hệ tương lai. Chính vì vậy, qua chương trình này chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy bắt tay hành động ngay từ bây giờ để cùng bảo vệ môi trường”.
Ý kiến bạn đọc