Giải quyết việc làm cho người lao động toàn tỉnh
HGĐT- Năm 2010, kế hoạch của tỉnh về giải quyết việc làm, vốn vay quỹ quốc gia về việc làm cho khoảng 15.000 lao động. Cho đến thời điểm này toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 12.000 lao động, đạt gần 90% kế hoạch năm. Đây là dấu hiệu khả quan cho người lao động trên địa bàn toàn tỉnh trước mắt cũng như trong thời gian tiếp theo.
Một lớp học nghề sửa chữa xe máy tại xã Sủng Trái (Đồng Văn). |
Đánh giá những kết quả trong công tác giải quyết việc làm cho ngưòi lao động của tỉnh ta trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH cho biết: Do nhu cầu thực tế về giải quyết việc làm của tỉnh, năm 2010, tỉnh ta được Trung ương hỗ trợ 5 tỷ đồng, cộng với nguồn vốn thu hồi cho vay của những năm trước khoảng 10 tỷ đồng, UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ sung nguồn tín dụng địa phương 1 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm. Như vậy, năm nay kế hoạch sẽ cho vay 650 dự án, với số tiền 19.000 tỷ đồng. Với thực tế nhu cầu lao động và việc làm trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn nên ngành cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ đến các huyện, thành phố trong tỉnh để cho người lao động có vốn giải quyết việc làm. Kết quả trong 10 tháng qua đã thực hiện cho vay trên 500 dự án với số tiền 11.987 triệu đồng, đạt gần 70% kế hoạch năm, giải quyết việc làm cho 1.073 lao động.
Cùng đó, ngành cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn lại Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh và ban hành văn bản về tăng cường công tác xuất khẩu lao động; phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất khẩu lao động tại 6 huyện nghèo cho 750 người là thành viên Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của huyện, xã và trưởng thôn bản; kiểm tra chấp thuận cho 5 doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh tuyển chọn lao động đi xuất khẩu và 2 doanh nghiệp vao tuyển dụng đi làm việc tại khu công nghiệp ở Hà Nội và Bình Dương, chấm dứt tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi xuất khẩu lao động đối với 5 doanh nghiệp. Vì vậy, trong 10 tháng qua đã có gần 1000 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước và ngoài nước (trong nước hơn 800 người, ngoài nước hơn 100 người), đồng thời có 249 lao động các huyện nghèo được tham dự giáo dục định hướng và học nghề đi xuất khẩulao động theo quyết định 71/2009/QĐ - TTg, trong đó có 62 lao động đã xuất cảnh ra nước ngoài làm việc, tổ chức đăng ký dự thi tiếng Hàn Quốc cho 231 lao động và hoàn thiện hồ sơ cho 46 lao động đạt kết quả kiểm tra tiếng Hàn Quốc gửi Trung tâm lao động ngoài nước. Hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ đưa 19 lao động thuộc cáchuyện nghèo dự khóa đào tạo tuyển chọn tu nghiệp sinh đi tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Kết quả qua kiểm tra tiếng Nhật đã có 11 người đạt yêu cầu. Ngành cũng đang phấn đấu hết năm 2010 đưa được 200 lao động của các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, nâng tổng số trong 5 năm (từ 2006 – 2010) số lao động đi xuất khẩu ra nước ngoài được 2.623 lao động, vượt 162,3% kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long còn cho biết thêm, qua tìm hiểu thông tin từ các gia đình có người đi lao động ở nước ngoài cơ bản đều có việc làm tương đối ổn định, có thu nhập khá, cá biệt có những lao động thu nhập cao như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng lao động đã ký kết, đã có nhiều lao động đi xuất khẩu từ năm 2006 – 2007 hoàn thành hợp đồng về nước, có thu nhập khá. Số lao động đang làm việc ở nước ngoài đến nay đều gửi tiền về trả nợ ngân hàng và trang trải cho gia đình, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số vùng cao. Việc đi xuất khẩu lao động đã tạo được công ăn việc làm, có thu nhập cao hơn so với ở quê hương và từng bước xóa đói giảm nghèo cho gia đình...
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới, Ngành Lao động – Thương binh và xã hội cũng đã tham mưu với tỉnh nhiều giải pháp. Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền sâu rộng về chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xuất khẩu lao động đến các xã, phường, thị trấn, thôn, bản và tới mọi người dân, tuyên truyền về lợi ích của người tham gia đi xuất khẩu lao động, tuyên truyền để người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cũng như luật pháp nước ngoài khi đến làm việc. Đồng thời giới thiệu những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có con, em đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình xóa đói giảm nghèo, phấn đấu từ năm 2010 trở đi bình quân mỗi năm đưa trên 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả đề án của Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững đối với 6 huyện nghèo của tỉnh, phấn đấu bình quân mỗi xã đưa 5 lao động đi xuất khẩu/năm; làm tốt công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có nghề trước khi đi xuất khẩu lao động; chú trọng công tác giáo dục định hướng cho người lao động, nhất là tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, pháp luật và tập quán của nước đến làm việc; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tư vấn cho người lao động khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và lập danh sách gửi Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động của huyện, thành phố để giới thiệu cho các công ty xuất khẩu lao động, nhằm tạo điều kiện về thủ tục và để người lao động được xuất cảnh sớm nhất...
Ý kiến bạn đọc