Cần nhân rộng mô hình đầu tư giảm nghèo bền vững ở Xín Mần
HGĐT- Xín Mần là một trong 6 huyện nghèo đang được thụ hưởng chính sách ưu tiên đầu tư theo Nghị quyết 30a. Ngoài nguồn vốn của nhà nước, Xín Mần còn nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Tổng công ty nhà nước. Sự giúp đỡ đó là nguồn lực quan trọng để Xín Mần xóa nghèo. Đến với Xín Mần theo “tiếng gọi 30a”, Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Liên Việt có cách làm rất sáng tạo nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Nằm ở phía Tây của tỉnh, Xín Mần là huyện nghèo, đang được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, năm 2010 Xín Mần thu hút được nguồn đầu tư khoảng 37 tỷ đồng từ các doanh nghiệp như Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước, doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình), Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt, Công ty Cổ phần Him Lam. Trong đó, Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Liên Việt là 2 đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh duy nhất của cả nước tham gia thực hiện Nghị quyết 30a với quyết tâm đến năm 2020 sẽ hoàn thành xuất sắc chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Xín Mần.
Ngay khi đặt chân đến Xín Mần, Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Liên Việt đã tiến hành khảo sát thực tế, tìm ra phương án đầu tư thích hợp. Sau khi khảo sát thực tế, Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Liên Việt xác định, chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Xín Mần cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính đó là: Phát triển nguồn nhân lực địa phương thông qua việc đào tạo giáo viên, y sỹ, y tá thôn bản, xây dựng trường học, trang bị cơ sở vật chất ngành Y tế... tổng kinh phí thực hiện 30 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí 40 tỷ đồng, nguồn vốn này được đầu tư xây cầu Na Lan và 5 cầu treo nhằm kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông; ở lĩnh vực phát triển sản xuất, Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Liên Việt dành 30 tỷ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, trồng ngô lai, chè, rừng kinh tế, cung ứng vật liệu, vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Ngày 20.11 vừa qua, nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần đã chứng kiến sự kiện trọng đại: Cây cầu Na Lan được hoàn thành, đưa vào sử dụng, chấm dứt tình trạng cô lập giao thông trong mùa mưa lũ của 2 vạn dân thuộc 6 xã phía Đông của huyện. Cầu Na Lan có chiều dài hơn 80 m, chiều rộng mặt cầu 10 m, tổng giá trị 20 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Liên Việt tài trợ, tổ chức thi công, đây là cầu bê tông vĩnh cửu lớn nhất được xây dựng trên địa bàn huyện. Hai công trình trường THCS, Mầm non Cốc Pài cũng được khởi công xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia với hình thức “chìa khóa trao tay”, tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, công trình sẽ hoàn thành vào dịp khai giảng năm học mới 2011. Xí nghiệp gạch không nung được sản xuất theo công nghệ đất hóa đá, lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Giang.
Ngoài việc đầu tư nguồn vốn vào Xín Mần, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Liên Việt còn thành lập Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a với giá trị tài trợ 70 tỷ đồng. Ngay khi thành lập, Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần đã triển khai Đề án đào tạo 80 giáo viên mầm non, 38 y sỹ, 124 y tá kiêm cô đỡ thôn bản. Lớp đào tạo y sỹ được khai giảng đầu tháng 9 vừa qua tại trường Trung cấp Quân y I, trong 38 em theo học, có 9 quân nhân xuất ngũ, 19 con hội viên Hội CCB, mỗi em được hỗ trợ 32 triệu đồng/20 tháng; lớp đào tạo giáo viên mầm non cho 40 sinh viên vừa khai giảng tại Trường CĐSP Hà Giang với kinh phí tài trợ 880 triệu đồng, mỗi sinh viên được hỗ trợ 22 triệu đồng/21 tháng.
Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần đã xây dựng hơn 24 ha mô hình sản xuất ngô hàng hóa ở các thôn Súng Sảng (thị trấn Cốc Pài), Cốc Cam, Lùng Mở (Tả Nhìu) với 81 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Công ty, huyện Xín Mần hỗ trợ 100% giá giống, phân bón, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá 4 nghìn đồng/kg và được điều chỉnh tăng theo giá thị trường. Với sự hỗ trợ về giống, phân bón, diện tích ngô đạt năng suất 61 tạ/ha, cao gấp 2 lần năng suất ngô địa phương; khi thu hoạch, Công ty đưa máy tẽ ngô đến từng nhóm hộ và hỗ trợ tiền dầu máy, hướng dẫn kỹ thuật vận hành, đồng thời thu mua với giá 4,1 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi 16 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần ngô địa phương, cách làm này được chính quyền, người dân đánh giá rất cao. Ngoài ra, Công ty đang xúc tiến thực hiện các dự án trồng, chế biến chè sạch; nuôi lợn đen; trồng ớt chỉ thiên; xây dựng dự án trồng 10 nghìn ha rừng kinh tế giai đoạn 2011-2025...
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Liên Việt cho biết: Công ty Cổ phần Him Lam thành lập được cách đây 16 năm, vốn điều lệ đạt trên 6.500 tỷ đồng với hơn 30 đơn vị thành viên, công ty liên kết. Công ty Cổ phần Him Lam là cổ đông chủ chốt sáng lập Ngân hàng Liên Việt, sau 3 năm hoạt động, Ngân hàng Liên Việt có tổng tài sản trên 30 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ trên 3,6 nghìn tỷ đồng, mạng lưới mở rộng khắp cả nước với hơn 40 điểm giao dịch, tổng số nhân sự trên 1 nghìn người. Đến với Xín Mần theo “tiếng gọi 30a”, Công ty không chọn cách mang đến cho người dân “con cá, bát cơm” nhằm giải quyết cái đói trước mắt, mục tiêu chính là hướng dẫn họ cách bắt cá, cách làm ra bát cơm. Như vậy, khi kết thúc Chương trình 30a, Xín Mần đã có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, có nguồn nhân lực đạt chất lượng, người dân biết cách tổ chức sản xuất, biết cách xóa nghèo, tiến tới làm giàu.
Đến dự Lễ khánh thành Cầu Na Lan, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Cách làm của Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Liên Việt là hướng đi đúng trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và cần được nhân rộng...
Ý kiến bạn đọc