Cam, quýt đầu mùa niềm vui và trăn trở
HGĐT - Theo con số thống kê chưa đầy đủ, vụ cam, quýt năm nay tại 2 huyện trọng điểm của tỉnh là Bắc Quang – Quang Bình diện tích cam, quýt còn lại gần 3.000 ha. Trong đó Bắc Quang là 1.892 ha, diện tích cho thu hoạch trên 1.400 ha, ở Quang Bình diện tích còn lại trên dưới 1.000 ha. Ngay tại Bắc Quang diện tích cam bị chết từ năm 2009 đến 2010 trên 466,3 ha (Quang Bình chưa thống kê).
Nguyên nhân sụt giảm diện tích cam, quýt trên địa bàn có 2 yếu tố chính đó là giá bấp bênh và sâu bệnh do biến đổi thời tiết mang lại, cùng với một phần do ít được đầu tư chăm sóc đúng cách trong quá trình trồng, thâm canh, khai thác quả...
Nhắc đến Hà Giang vào dịp cuối mùa thu là nhắc và nói đến một sản phẩm đặc sản của tỉnh chính là cam sành, quýt chum (xen) Hà Giang. Cam sành Hà Giang vốn đã trở thành niềm tin yêu của biết bao gia đình trong nước và đặc biệt ở vùng châu thổ Sông Hồng trước khi nó được xác nhận quyền bảo hộ thương mại về thương hiệu sản phẩm có xuất xứ hàng hóa bởi sự “hữu xạ tự nhiên hương”. Chính sự “hữu xạ” ấy mà cam sành của tỉnh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, sự chăm lo của các nhà quản lý, nhà khoa học. Song đến thời điểm này cam, quýt của tỉnh vẫn chưa lấy lại được sự ưu ái như hồi đầu vốn có bởi sự sa sút về chất lượng, về diện tích và cả sản lượng, mất dần ưu thế được coi là “thế mạnh” là cây “mũi nhọn” trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể về cam, quýt có sa sút, song vẫn có những người yêu cây cam, những vùng cam còn lại người trồng cam vẫn làm giàu nhờ loại cây đặc sản của vùng đất, tình người yêu mến cây cam, quýt Hà Giang.
Đầu mùa cam, dạo một vòng qua vùng cam để “khảo giá” bán tới người tiêu dùng lòng thấy vui. Giá bán cam đầu mùa dao động từ 5-10 ngàn đồng/kg tùy loại. Giá quýt vỏ giòn giá bán bình quân từ 15-20 ngàn đồng/kg. Hiện tại việc mua bán cam, quýt chưa thật sự sôi động song tâm lý nhà vườn đều rất phấn khích. Nhiều người làm vườn cho rằng: Vụ cam, quýt năm nay nhìn chung sai quả, chất lượng quả tương đối đồng đều bởi sự “kích giá” cuối năm 2009, giá cam bán Tết tại thị xã Hà Giang lên tới 35 – 40 ngàn đồng/kg. Thời giá cam Tết năm ngoái đã làm người ta giật mình, bởi thế năm 2010 phần đa các vườn cam đều được các nhà vườn đầu tư trở lại. Theo đánh giá sơ bộ, các vùng cam trọng điểm ở Bắc Quang là Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, tại Quang Bình là Yên Hà – Hương Sơn... các nhà làm cam đã coi trọng việc đầu tư chăm bón ngay từ đầu năm nên cam phát triển khá tốt. Ao ước của phần đa nhà vườn cho hay: Giá cam chỉ cần ở mức 5-10 ngàn đồng/kg, chứ chưa cầu hơn. Và thực tế hiện tại thì sự hy vọng, kỳ vọng vào mức giá họ ước là đảm bảo. Theo tính toán nếu 1 ha cam cho thu hoạch với giá bán nêu trên nhà làm cam sẽ có lãi từ 30 – 70 triệu đồng/ha (đã trừ chi phí). Tuy vậy, vấn đề đặt ra hiện nay cũng đang làm người trồng cam lo lắng, đó là thời tiết hanh khô, sương muối, nếu không chăm bón, tưới nước cân đối đầy đủ sẽ làm cam chín nhanh quá, quả sẽ dễ bị rụng khi thời tiết chuyển từ hanh khô sang mưa phùn vào tháng một chạp, chín trước Tết Nguyên đán và một mặt của sự lo lắng chính là sự biến đổi khí hậu phức tạp làm gia tăng sâu bệnh, dịch hại. Để hạn chế sự xuống cấp của các vườn cam, quýt, huyện Bắc Quang, Quang Bình cũng đã và đang triển khai các mô hình trồng, thâm canh cam, quýt theo đúng quy trình kỹ thuật cao, song chưa nhiều và chưa thể áp dụng rộng rãi trong các vùng cam, bởi kinh phí đầu tư không cho phép. Hy vọng, thông qua các mô hình, các nhà vườn sẽ tham khảo để từng bước áp dụng, có đầu tư thích hợp cho chính các hộ theo khả năng kinh tế vốn có, cộng với sự hỗ trợ khuyến nông, khuyến công qua các năm, nhằm giúp cho vùng cam, quýt của tỉnh dần mang lại vị trí xứng tầm trong lĩnh vực sản xuất, làm giàu. Theo các nhà vườn thì chỉ cần giá cả ổn định như hiện đầu mùa cam này thì người làm cam sẽ có lãi. Ngược lại, cũng cần ở người trồng cam sự đầu tư thỏa đáng cho cây cam, tạo ra cam quả đẹp, chất lượng tốt. Còn theo chúng tôi thì cần một điểm rất quan trọng là các cấp chính quyền cần quy hoạch vùng cam, quýt hàng hóa cụ thể, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của người trồng cam, tạo ra vùng cam hàng hóa đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo quy luật kinh tế thị trường. Có nghĩa là xây dựng vùng trồng cam, quýt “không vượt quá” nguồn “cung” mà phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, sau đó mới từng bước nới rộng phù hợp với quy luật phát triển khách quan theo cơ chế thị trường để cho các sản phẩm cam, quýt làm ra không lâm vào trình trạng “được mùa – mất giá”. Để làm được điều đó cần thống kê cụ thể lại diện tích, sản lượng, đồng thời có giải pháp bắt buộc các nhà vườn tăng cường đầu tư, mở rộng các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà ở đó kinh phí quảng bá phải do nhà vườn đóng góp là chính để mở rộng thị phần cung ứng các sản phẩm sau thu hoạch. Cần một cơ chế thích ứng để hỗ trợ khôi phục lại vùng cam, quýt đặc sản của tỉnh tại Bắc Quang – Quang Bình để tạo ra giá trị cạnh tranh trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ý kiến bạn đọc