Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với quy tụ dân cư ở Mèo Vạc

17:17, 27/10/2010

HGĐT- Thực trạng về tình hình dân cư:
Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá nằm ở phía Bắc của tỉnh, nằm trong quần thể Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.


 

 Một điểm dân cư chưa được quy hoạch ở Mèo Vạc.


Dân số toàn huyện trên 70.576 người, gồm 16 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 78% dân số, được phân bố ở 199 thôn bản, tổ khu phố của 17 xã, thị trấn; địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, dân cư phân bố không đồng đều, số hộ ở rải rác trên các sườn núi cao còn khá phổ biến, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, phong tục tập quán còn lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo còn cao, chiếm 35,74%. Đến nay 100% xã, thị trấn đã có đường ô tô, 85% các thôn bản đã có đường giao thông nông thôn hoặc đường dân sinh, với khoảng 946,7 km đường giao thông kể cả các tuyến đường liên xã liên thôn, liên xóm, trong đó có khoảng 40% các tuyến đường vào mùa mưa đi lại rất khó khăn. Nhìn chung mạng lưới giao thông của huyện đã có nhưng việc giao thông đi lại còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nên chưa đáp ứng được nhu cầu cho việc vận chuyển, giao lưu, trao đổi hàng hóa để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hai tuyến đường giao thông quan trọng cho phát triển kinh tế của huyện là Quốc lộ 4C kéo dài sang Cao Bằng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến đường ra cửa khẩu Xín Cái, Sơn Vỹ, đến nay mới đạt khoảng 30% khối lượng, đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Các trục đường liên xã, liên thôn bản chủ yếu là đường đất, đá, vào mùa mưa hay sạt, lở. Hiện nay, huyện có một số công trình thuỷ lợi nhỏ với hiệu ích tưới từ 5 - 30 ha tại các xã như: Xín Cái, Nậm Ban, Niêm Sơn. Do địa hình của huyện chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, dân số chủ yếu làm nghề nông do đó nhu cầuđầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi còn rất lớn. Hiện nay trên địa bàn có 52 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với 36,5 km kênh mương, ống dẫn do vậy mới chỉ đáp ứng được khoảng 35% diện tích đất gieo trồng, số diện tích còn lại chủ yếu là trông chờ vào thiên nhiên. Công trình cấp nước sinh hoạt từ các chương trình, dự án khác nhau đến nay toàn huyện đã được đầu tư xây dựng khoảng 50 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho từ 30 - 70 hộ. Đặc biệt được sự quan tâm của Chính phủ, trên địa bàn huyện đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 7 hồ treo chứa nước, hiện đang triển khai xây dựng tiếp 4 hồ. Nhìn chung, hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện còn rất hạn chế, mới cung cấp đủ nước cho người dân khoảng 9 - 10 tháng trong năm, 2 tháng cuối vào mùa khô tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra rất gay gắt. Hiện nay huyện đã có 51 trạm biến áp, 86 xóm có điện lưới Quốc gia, chiếm 43,2%, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia chiếm 42%. Toàn huyện có 57 đơn vị trường học (18 trường Mầm non, 18 Trường tiểu học, 18 trường THCS, 1 trường PTTH, 1 trường Phổ thông DTNT, 1 trường TTGDTX) với tổng số 792 phòng học, 01 trường đạt chuẩn Quốc gia (trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc), tỷ lệ trẻ 0 - 2 tuổi đi nhà trẻ đạt 3,5%; trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 61,29%; trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo 90,15%; 18 trạm/18 xã, thị trấn đã được xây dựng kiên cố, trong đó 17/18 trạm đạt chuẩn theo quy định của ngành y tế chiếm 94,4%; có 86/199 thôn bản, tổ khu phố có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, toàn huyện có 11 chợ nông thôn và 1 chợ trung tâm huyện, có 17/18 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, hiện nay trên địa bàn huyện có 1.111 nhà tạm, 556 hộ dân sống rải rác trên các sườn núi cao, và ở các khu vực nguy hiểm có nguy cơ bị sạt, lở, lũ quét, đá lăn cần được quy tụ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án di dân tái định cư tập trung và xen ghép theo Quyết định 33; 193, 120, 134/QĐ-TTg, các hộ gia đình sống rải rác trên các sườn núi cao đã được quy tụ xuống các xóm bản tập trung. Nhưng đối với công tác quy hoạch tổng thể về việc quy tụ dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay chưa có dự án quy hoạch cụ thể.


Giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với quy tụ dân cư:

Để khắc phục những vấn đề trên, huyện đã bàn bạc cụ thể, đồng thời đề ra giải pháp để xây dựng trong thời gian tới. Giai đoạn 2010 – 2015, Xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về quy tụ dân cư gắn với xây dựng nông thôn đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới theo tiêu chí Quốc gia và các tiêu chí bổ sung của tỉnh đối với huyện và các xã, thị trấn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2010. Trước hết ưu tiên xây dựng hệ thống đường giao thông liên thôn, quy hoạch dân cư, phấn đấu 100% thôn bản đều có đường giao thông liên thôn và đường giao thông nông thôn loại B. Hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm. Giao cho các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm triển khai và thực hiện, thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn huyện. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, gắn quy tụ dân cư với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Để làm được việc đó huyện cũng đã chỉ ra những mục tiêu cụ thể, đó là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại về cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Phấn đấu đến năm 2015 có15% số thôn, bản đạt tiêu chí nông thôn mới (tương đương với 27 thôn, bản), 12% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới gồm: Thị trấn Mèo Vạc, xã Tả Lủng (theo bộ tiêu chí Quốc gia và bộ tiêu chí của tỉnh). Đây là các thôn, xã thuận lợi về đường giao thông, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng nổi trội hơn so với các thôn, xã khác. Cùng với đó, quy hoạch bố trí, sắp xếp lại 556 hộ dân cư đang sinh sống ở vùng có nguy cơ bị thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn về đời sống, vùng biên giới, vùng xung yếu và vùng dân cư ở rải rác, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và không để các hộ dân xây dựng nhà ở phân tán không theo quy hoạch khu dân cư theo qui định nhằm phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn toàn huyện. Bố trí dân cư tập trung có trọng điểm, đi đôi với ổn định và phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, nơi ở mới của nhân dân có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ hoặc ngang bằng với các hộ khác. Gắn bố trí ổn định dân cư với xây dựng nông thôn mới.


Cần sự vào cuộc của các cấp các, ngành:

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên trước hết cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là thu hút đầu tư và có cơ chế huy động vốn. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện, chủ yếu là dựa vào các nguồn lực thuộc các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước và các chính sách hiện hành như: Chương trình 135, Quyết định 33/QĐ - CP; Quyết định 193; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Quyết định 167/TTg, huy động phát huy nội lực là chính, tuyên truyền nhân dân tham gia đóng góp ngày công mở đường dân sinh, tham gia hiến đất để làm các tuyến đường nội thôn và xây dựng các công trình phúc lợi khác. Phân rõ đối tượng và mức hỗ trợ từ ngân sách đối với các chương trình, dự án sắp xếp thứ tự ưu tiên cho phù hợp với nhu cầu thực tế của cơ sở. Phân cấp tối đa cho các xã, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia thực hiện và hưởng lợi từ dự án. Đồng thời, cần có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên trách để quản lý và triển khai chương trình quy tụ dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Thành lập Ban chỉ đạo quy tụ dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện; thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo huyện; thành lập BCĐ các xã, thị trấn, mỗi thôn thành lập 1 tổ công tác chỉ đạo trực tiếp, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo lồng ghép các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, đóng góp để tổ chức thực hiện...


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng máy cày, bừa cho Tổ dịch vụ xã Quyết Tiến
HGĐT- Vừa qua, tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng Tổ dịch vụ sản xuất xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ 2 máy cày, 1 máy tuốt lúa liên hoàn, 1 máy bơm nước tổng trị giá 70 triệu đồng. Trong đó, T.Ư Đoàn hỗ trợ 64 triệu, còn lại tổ dịch vụ đóng góp.
27/10/2010
Cứu một bệnh nhi khỏi bàn tay tử thần
HGĐT- Chúng tôi đến khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đúng vào ngày 20.10 - ngày Phụ nữ Việt Nam khi được biết tại đây vừa cứu được một bệnh nhi trong tình trạng vô cùng nguy kịch thoát khỏi bàn tay tử thần. Bệnh nhi trở lại với cuộc sống đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho gia đình, mang lại niềm tin của nhân dân đối với tập thể y, bác sỹ, điều dưỡng khoa Nhi nói
27/10/2010
Sẵn sàng cho Hội thi Thanh niên thanh lịch tỉnh Hà Giang lần thứ IV
HGĐT- Với những nỗ lực lớn trong thời gian qua, đến nay mọi sự chuẩn bị cho ngày diễn ra Hội thi Thanh niên thanh lịch toàn tỉnh lần thứ IV đã sẵn sàng.
27/10/2010
25 trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại
HGĐT- Vừa qua, Tỉnh đoàn phối hợp với Ban quản lý Dự án 174, Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận 25 thanh niên tình nguyện đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc các chuyên ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, y, đến công tác tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 313 Thanh Thủy, Vị Xuyên và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 314, Xín Mần, giai đoạn 2010 - 2012.
27/10/2010