Phát huy vai trò nòng cốt của các trưởng thôn, bản và người có uy tín trong phát triển KT - XH
HGĐT- Hiện nay, toàn tỉnh có trên 72 vạn người với 23 dân tộc sinh sống, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87% cơ cấu dân số. Sự hình thành và cơ cấu dân số đặc thù là đồng bào DTTS đã phản ánh trung thực đời sống của một cộng đồng dân tộc đặc trưng của tỉnh miền núi biên giới.
Điều đó cũng khẳng định vai trò to lớn của các Trưởng thôn, bản và người có uy tín (NCUT) trong lãnh đạo đồng bào xây dựng và phát triển kinh tế. Các Trưởng thôn, bản và những NCUT trong cộng đồng chính là mấu chốt trong quá trình truyền tải kiến thức, kinh nghiệm lao động sản xuất, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Xuất phát từ lợi thế cùng là người DTTS, trong nhiều năm qua, hơn 1 nghìn các Trưởng thôn, bản có uy tín đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt hết sức đặc biệt trong công tác lãnh, chỉ đạo đồng bào, nhân dân phát triển kinh tế – xã hội.
Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh ta, các Trưởng thôn, bản và người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều, họ thể hiện và khẳng định mình với nhiều phong trào và việc làm thiết thực, góp phần xây dựng làng, bản, giáo dục con cháu bảo tồn các giá trị đạo đức, phong tục, tập quán đặc trưng của mỗi dân tộc mình, góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại những đóng góp quan trọng của các Trưởng thôn, bản và NCUT trong xây dựng Hà Giang ngày một phát triển mới thấy được vai trò tích cực của họ trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào DTTS; hướng dẫn đồng bào áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, thâm canh. Chính các Trưởng thôn, bản là động lực thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hoá trong mỗi địa phương. Cũng chính họ là lực lượng quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Với tinh thần cần cù, sáng tạo và kinh nghiệm trong cuộc sống, nhiều Trưởng thôn, bản trở thành những tấm gương tiêu biểu, là điểm sáng về phát triển kinh tế ở cơ sở, như các ông: Vừ Chứ Sử (huyện Mèo Vạc); Sùng Chà Dia, Nguyễn Thị Phây (huyện Đồng Văn); Giàng Seo Vư (huyện Hoàng Su Phì)... cùng hàng trăm Trưởng thôn, bản khác đang ngày ngày miệt mài với công việc, nâng cao mức thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người lao động, và quan trọng hơn họ chính là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, là “đầu tàu” gương mẫu cho con cháu noi theo. Không những làm kinh tế giỏi, các Trưởng thôn, bản chính là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các Cuộc vận động mang tính chính trị, văn hoá. Theo thống kê, toàn tỉnh có 1.436 làng, tổ văn hoá, 99.726 gia đình văn hoá, gần 2000 làng, bản, khu dân cư thực hiện tốt các hương ước, quy ước của cộng đồng. Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của lớp người cao tuổi, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng.
Năm 2010 là năm đánh dấu nhiều sự kiện chính trị, kinh tế quan trọng của tỉnh ta. Và vui hơn nữa, khi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chính thức được bắt đầu, hàng trăm Trưởng thôn, bản được trở về Thủ đô Hà Nội để báo công với Đảng, Nhà nước với Bác Hồ kính yêu về những thành tích mình đã đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà; những cái bắt tay nồng ấm, những lời động viên, khích lệ của các vị lãnh đạo Nhà nước như ngọn lửa thôi thúc các Trưởng thôn, bản và những NCUT tỉnh ta quyết tâm cống hiến trí tuệ và sức lực của mình trong dựng xây Hà Giang ngày một trở lên phồn vinh và giàu đẹp.
Ý kiến bạn đọc