“Chinh phục” những dải núi miền Tây
HGĐT- Nhớ lần anh Đỗ Tấn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì điện cho hay: Vào Hoàng Su Phì để chứng kiến đồng bào các dân tộc “chinh phục” phía Tây Sông Chảy. Vượt qua cầu treo cạnh suối Đỏ sang thôn Văng Sai, con đường loại B nông thôn rộng 4,5m kéo dài lên các sườn núi cùng với đoàn người cả ngàn.
Thi công cầu Na Lan. |
Trưởng phòng Công thương huyện anh Trần Quốc Huy cho biết hiện có 9 xã, mỗi xã có từ 250 – 300 người đang khăn gói, cuốc xẻng mở đường lên xã Nàng Đôn – Pờ Ly Ngài, con đường dài trên 12 km đã 3 ngày lao động dòng rã. Trước mắt tôi, công trình hiện hữu là lán trại tại chỗ, bếp ăn tại chỗ, lương thảo được đồng bào khăn gói mang theo. Chợt nhớ như những ngày dân công hỏa tuyến của một thời chiến tranh đoàn dân công mở đường, tải đạn chi viện cho chiến trường. Các anh lãnh đạo, các cán bộ CCVC Hoàng Su Phì cũng góp công vào tuyến đường cùng đồng bào 13 dân tộc trong huyện làm các cuộc “Chinh phục” những đỉnh núi, triền núi phía Tây Sông Chảy, nối dòng máu nóng cho sự phát triển KT-XH của các xã xa xôi, khó khăn ở Hoàng Su Phì. Nếu không tận mắt thì khó có thể hình dung được đồng bào của 9 xã trong huyện 3 ngày đã đào, cuốc, san ủi, đánh đá, nổ mìn, di dời hàng triệu mét khối đất đá nối từ bên hạ lưu Sông Chảy, cầu suối Đỏ qua 9 thôn bản, kéo 2 xã về với bờ Đông của Hoàng Su Phì. Đi đến đâu, người cuốc, kẻ đào đất, kẻ san ủi, kẻ đập đá, nổ mìn... Cả bờ Tây Sông Chảy, kéo lẫn sang bờ Đông đồi núi ầm vang không ngớt. Đồng bào của các xã: Bản Péo, Bản Luốc, Vinh Quang, Tụ Nhân... đều một ý tưởng, một mong muốn chung là mở con đường xuyên bờ Tây Sông Chảy để đồng bào mình, con em mình, anh em, họ mạc, làng xóm đến “gần hơn” với nhau, với sự giao thương cả KT-XH, cả tình thân.
Nói đến Hoàng Su Phì, là nhắc đến huyện miền Tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 110 km, huyện có diện tích tự nhiên trên 63.203 ha, dân số trên 58 ngàn người, 13 dân tộc anh em. Là huyện núi đất cao, chia cắt dữ dội bởi 2 mạch cắt của dải Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi. Nằm ở độ cao trung bình từ 900 – 1.100m so với mực nước biển. Có chiều dài biên giới trên 35 km. Nơi đây có lượng mưa trung bình hàng năm gần 1.700 mm nhưng lại không đều, tập trung ở mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9. Đặc điểm nữa càng làm cho việc mở đường ở Hoàng Su Phì trở nên khó khăn chính là sự cấu tạo địa tầng đất yếu, rất dễ bị sạt lún, bị rửa trôi trong mùa mưa lũ. Cho nên nhiều khi mùa khô có đường, hễ mưa về lại hết! Chủ tịch huyện Đỗ Tấn Sơn tâm sự: Đã gần nữa đời người gắn bó với Hoàng Su Phì, nhưng gian lao nhất vẫn là mở đường và giữ được đường trong mỗi mùa mưa. Một cái khó nữa chính là nguồn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế bởi tỉnh còn nhiều khó khăn, nhiều nơi, chỗ phải chia sẻ từ nguồn ngân sách, nguồn thu còn hạn hẹp. Cho nên làm đường,mở đường ở Hoàng Su Phì chủ yếu là dựa vào sức dân, nguồn lực từ dân. Trải qua một chặng dài huy động mọi nguồn lực, nhờ sức dân đồng bào trong huyện đã cơ bản khai thông toàn bộ hệ thống đường giao thông đến hơn 260 thôn bản toàn huyện. Mở mới gần 170 km đường giao thông loại B, vượt 68,3% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đầu nhiệm kỳ lần thứ XVIII đề ra. Mở đường giao thông liên thôn bản rộng 1,5 – 2,5 m được 277 km, vượt 13,6%. Tranh thủ sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, đồng bào đã huy động công sức lấy cát sỏi, bỏ công làm để nâng cấp 13 tuyến đường đi các xã như: Vinh Quang – Tháng Tín; Vinh Quang – Pố Lồ v.v... Tổng chiều dài các tuyến trên 120 km. Đến nay toàn huyện có 100% xã, thị trấn có đường giao thông ô tôt đến trung tâm. Trong đó có 48% tuyến có đường nhựa, bê tông. Có 50% số thôn bản đường ô tô đến thôn. Khoảng cách xa xôi khi xưa nay kéo gần lại bởi hệ thống giao thông liên xã, liên thôn bản kéo theo sự giao thương trao đổi kinh tế, văn hóa – xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện đối với đồng bào trong những năm gần đây.
Anh Trần Quốc Huy nói ví rất hình tượng: Trong nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhân dân miền Tây Hoàng Su Phì đã mở liên tiếp các cuộc “Viễn chinh” để chinh phục tất cả các dãy núi, đỉnh núi miền Tây của cả khu vực thuộc dải núi Tây Côn Lĩnh và dãy Chiêu Lầu Thi bên bờ Tây sông Chảy.
Con người tại chỗ, lương thực tại nhà, công trường tùy nơi đến là tất cả những gì đồng bào Hoàng Su Phì đã thực thi để mở đường giao thông về xã, về thôn bản, làm nên, tạo ra các tuyến huyết mạch giao thông thông suốt trong toàn bộ nội huyện 25 xã, thị trấn Hoàng Su Phì. Thành tích trên thật đáng trân trọng hơn khi được tận mắt chứng kiến đồng bào nơi này ra quân ngày đêm không nghỉ cho những con đường khơi thông. Thành tựu trên trước là công sức của nhân dân, sau là ghi nhận sự lãnh chỉ đạo sát sao và chọn hướng, chọn cách làm phù hợp với điều kiện kinh tế vốn có của địa phương. Trong đó Nhà nước hỗ trợ thuốc nổ phá đá (nếu gặp khi mở đường), công sức dân địa phương được vận động, được tập hợp thành sức mạnh. Thêm vào đó là các bước lãnh, chỉ đạo sát thực, dám nghĩ, dám làm của toàn bộ Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc thực thi Nghị quyết đề ra.
Kết quả trên sẽ là bài học quý để Đảng bộ, nhân dân Hoàng Su Phì kế thừa, phát huy, phát triển nó hiệu quả hơn nữa trong việc “chinh phục” cái nghèo, xóa bỏ cái đói, cái lạc hậu còn tồn dư rơi giớt lại để tiến những bước vững chắc trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ khóa XIX vừa thành công mới đây đề ra cho cả nhiệm kỳ 2010 – 2015 và các năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc