Cả nước hướng về vùng lũ lụt miền trung

08:40, 20/10/2010

* Quân đội tham gia tìm kiếm xe khách bị lũ cuốn trôi
* Hỗ trợ 70 tỷ đồng, 3.000 tấn gạo
* Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế kêu gọi giúp đỡ nạn nhân lũ lụt ở Việt Nam


Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc; 117,8 độ kinh đông, trên khu vực phía đông Biển Ðông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15 km. Ðến 22 giờ ngày 20-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 115,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ ngày 21-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 114,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ ngày 22-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ vĩ bắc, 113,9 độ kinh đông, cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 180 km về phía nam tây nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông Biển Ðông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12 đến 14 m; biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15; biển động dữ dội.

Ngày 19-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1913/QÐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí, gạo cho một số tỉnh miền trung để khắc phục hậu quả bão số 3 năm 2010. Theo đó, trích 70 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010; xuất cấp không thu tiền 3.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương thực hiện cứu đói cho dân, hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng cấp bách (trường học, trạm y tế, bệnh viện, các công trình giao thông, thủy lợi) bị hư hại do bão số 3 năm 2010 cụ thể như sau: tỉnh Nghệ An 50 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo; Hà Tĩnh 20 tỷ đồng và Quảng Trị 1.000 tấn gạo. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính trích 20 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 tạm ứng kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai theo Quyết định số 142/2009/QÐ-TTg ngày 31-12-2009, cụ thể: tỉnh Nghệ An 15 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh năm tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 2.800 tấn hạt giống lúa, 200 tấn hạt giống ngô, 110 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 15 tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, gồm: Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phù hợp với tình hình thiệt hại ở địa phương đó.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, ngày 19-10, mưa lũ trong mấy ngày qua tại các tỉnh miền trung làm 45 người chết, hai người mất tích, ba người bị thương. Ngoài ra, tại Hà Tĩnh, ngày 18-10, một ô-tô khách bị trôi tại khu vực Nghi Xuân (quốc lộ 1A), đã cứu được 18/37 người; số còn lại chưa có thông tin. Mưa lũ cũng làm 199 nghìn 998 nhà bị ngập, nhiều diện tích hoa màu ngập úng, đường sá, cầu cống bị cuốn trôi... Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão để kịp thời có biện pháp đối phó. Tổ chức khắc phục hậu quả mưa, lũ; đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả theo nội dung Công điện số 1870/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của cung trượt mái đê phía sông từ K78+400 - K78+450 đê tả Lam tỉnh Nghệ An để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống đê điều.

Ðến ngày 19-10, ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nước đã rút, nhưng vẫn còn 321 xã bị ngập nặng. Trong đó, Hà Tĩnh còn 183 xã với 115 nghìn 378 hộ bị ngập; tỉnh Quảng Bình còn 25 xã với 28 nghìn 740 hộ bị ngập. Do nước trên thượng nguồn đổ về nhiều, tỉnh Nghệ An có thêm hơn 90 xã bị ngập, như vậy đến thời điểm này Nghệ An có 113 xã với 30 nghìn 700 hộ đang bị ngập tại chín huyện, thị xã và thành phố, gồm các huyện: Nam Ðàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, thị xã Cửa Lò và TP Vinh. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn 35 xã bị ngập sâu và bị chia cắt.

Ðến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp các địa phương, ngành thủy sản thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho 60 nghìn 551 tàu (233 nghìn 149 lao động) biết vị trí diễn biến của bão số 6 để chủ động vào bờ. Trong đó, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa 368 tàu (4.016 người); hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến là 60 nghìn 183 tàu/(229 nghìn 133 người).

Ban chỉ đạo PCLB, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Bộ Công an đã có công điện khẩn gửi các tổng cục, bộ tư lệnh, vụ, cục trực thuộc Bộ Công an và giám đốc công an các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN và của Ban chỉ huy PCLB tỉnh; rà soát kế hoạch đối phó với bão, lũ; bảo đảm thông tin liên lạc, an toàn giao thông, bảo đảm an toàn trụ sở cơ quan, trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư lương thực, nhu yếu phẩm phòng, chống lụt bão theo phương châm '4 tại chỗ'. Tham mưu cho Ban chỉ đạo PCLB của tỉnh, thành phố triển khai các phương án đối phó bão, lũ và trực tiếp chỉ đạo lực lượng công an cơ sở khẩn trương rà soát, nắm danh sách số phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm để trao đổi, phối hợp với các lực lượng khác kêu gọi về nơi trú, tránh an toàn. Công an các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục phối hợp lực lượng di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, sớm ổn định cuộc sống, đồng thời rà soát, lên kế hoạch đối phó với bão.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tình hình giao thông tại các tỉnh miền trung vẫn hết sức khó khăn. Hiện quốc lộ 1A, nhiều đoạn tại Diễn Châu, Nghi Lộc, TP Vinh đã thông xe. Riêng đoạn km 475-km 477 qua huyện Nghi Xuân ngập sâu 0,4-0,6m. Tại Hà Tĩnh, đoạn km 488+00-km 489+500; km 497+00-km 498+800; km 513+00-km 513+600; km 515-km 518 bị ngập sâu và gây ách tắc. Tại Quảng Bình, đoạn km 681+550- km 681+750 qua huyện Quảng Ninh và đoạn km 687+500-km 688+00; km 696+850-km 697+150 qua huyện Lệ Thủy đã thông xe. Trên các quốc lộ 7, 8, 9, 12, 15, nhiều đoạn tuyến vẫn đang bị ách tắc do ngập hoặc sạt lở đất. Ðường Hồ Chí Minh qua Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã thông xe. Ðường Hồ Chí Minh qua Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng đã khắc phục được tình trạng đứt đường.

Bộ Y tế vừa ra công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa, yêu cầu theo dõi sát sao diễn biến của bão số 6, tiếp tục triển khai công tác cấp cứu, điều trị người bệnh; có kế hoạch khắc phục khi nước rút, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và hạn chế dịch bệnh lây lan. Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế, bảo đảm an toàn cho người bệnh, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị chữa bệnh. Sẵn sàng trực cấp cứu 24/24 giờ, cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra.

Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) vừa có hai công điện khẩn gửi các đơn vị thành viên triển khai ngay các phương án đối phó tình hình mưa lũ và bão số 6. Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, bão và triển khai phương án phòng, chống để đối phó, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố; các công ty thủy điện theo dõi sát tình hình thủy văn, kiểm tra công trình, thiết bị đóng mở để vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và tham gia giảm lũ cho hạ du; các tổng công ty điện lực phải chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn cung cấp điện (cắt điện khi nước lên, kiểm tra bảo đảm tuyệt đối an toàn trước cấp điện trở lại khi nước rút,...) và ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra để bảo đảm điện phục vụ bơm tiêu úng cho các vùng bị úng, ngập do mưa, lũ, bão; tăng cường kiểm tra sớm phát hiện khu vực sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời...

Theo Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam, đoạn từ ga Ðức Lạc (Nghệ An) đến ga Hương Phố (Hà Tĩnh) vẫn bị ngập 1 đến 1,2m ách tắc hoàn toàn. Tổng công ty quyết định cho chuyển tải khu đoạn Vinh - Ðồng Hới và các đơn vị đường sắt đang huy động nhân lực, vật tư thiết bị tập trung cứu chữa khắc phục các điểm hư hỏng để có thể thông tàu sớm nhất. Ngành huy động hơn 112 lượt xe ô-tô tổ chức chuyển tải cho hơn 16 chuyến tàu với tổng số hơn 4.500 lượt hành khách.

Theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), để giải tỏa hành khách và trợ giúp thêm hành khách gặp khó khăn trong việc di chuyển bằng đường bộ, đường sắt, Vietnam Airlines đã thực hiện hai chuyến bay bù bằng máy bay Airbuss A321 từ Vinh đi TP Hồ Chí Minh. Vietnam Airlines hiện đã chuẩn bị các phương án dự phòng, tăng cường lực lượng trực điều hành 24/24 giờ, chuẩn bị máy bay và nguồn lực để tăng chuyến và bay bù trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng đối phó với diễn biến của cơn bão và sẽ cố gắng thông tin tới hành khách sớm nhất về tình hình khai thác của các chuyến bay.

UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai phương án di dời, sơ tán dân khi có bão đổ bộ trực tiếp và lũ lụt lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 457 điểm với gần 24.500 hộ, hơn 100 nghìn nhân khẩu; trong đó có 4.624 hộ dân tại 72 điểm dân cư ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, núi, ven sông, ven suối, ven biển, lũ quét cần di dời khẩn cấp. Ðồng thời triển khai các phương án bảo vệ công trình cơ sở hạ tầng, các hồ chứa nước xung yếu, tuyến giao thông huyết mạch, các công trình đang thi công dở dang, công trình ven biển, các công trình tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh...

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Nghệ An, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm 189 trường học với 78 nghìn học sinh không thể tới trường để học tập. Sở đã có công văn, yêu cầu hiệu trưởng các trường tùy theo điều kiện cụ thể để quyết định cho học sinh nghỉ học, bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên. Ngay khi nước rút, có kế hoạch dọn dẹp vệ sinh môi trường cho các trường, lớp học, sau đó tiến hành tổ chức dạy bù cho học sinh để theo kịp chương trình. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, phần lớn diện tích đất trồng trọt và hoa màu bị ngập úng, lượng rau xanh khan hiếm, cho nên giá thực phẩm đang tăng cao.

Hai đập thủy lợi có nguy cơ vỡ là Ðội Tương và Khe Dâu, huyện Quỳnh Lưu đã được xử lý xong. UBND tỉnh và UBND huyện Quỳnh Lưu đã khẩn trương điều động lực lượng tháo nước, bảo đảm an toàn cho người dân. Ban chỉ huy PCLB tỉnh sẵn sàng ứng cứu nếu có tình huống ở đê tả sông Lam. Trước đó tỉnh đã điều động lực lượng để kè và trải bạt khu vực sạt lở ven sông Lam.

Ðến sáng 19-10, tỉnh Hà Tĩnh đã có 16 người chết, hai người mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua (chưa kể 20 người mắc kẹt trong xe khách bị lũ cuốn trôi sáng 18-10 vẫn chưa tìm được). Lực lượng cứu hộ Quân khu 4 dùng tám xuồng cao tốc và máy dò mìn dưới nước tìm kiếm chiếc xe bị lật nhưng chưa có kết quả. Tỉnh lập đội tìm kiếm đặc biệt tiếp tục tìm kiếm chiếc xe khách bị nạn. Ðến nay, nhân dân vùng lũ lụt trong tỉnh đã tiếp nhận 200 tấn mì và 200 nghìn chai nước uống.

Chiều 19-10, đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thông báo về lời kêu gọi quốc tế khẩn cấp giúp đỡ đồng bào miền trung Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt trong gần nửa tháng qua, nhằm huy động 1,08 triệu USD giúp đỡ 28 nghìn 500 hộ dân bị ảnh hưởng của lũ lụt. Tập trung năm hoạt động hỗ trợ chính, bao gồm: lương thực; thùng hàng gia đình; nước sạch; phân bón, giống lúa; hỗ trợ tâm lý. Cũng trong chiều 19, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp nhận 50 nghìn USD của Hội Chữ thập đỏ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ủng hộ đồng bào miền trung thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiện đang phối hợp Hiệp hội triển khai việc mua gạo giúp đỡ người dân các tỉnh miền trung, bảo đảm lương thực đến với người dân trong thời gian sớm nhất.

Chiều 19-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Văn phòng Chính phủ đã góp tiền lần thứ hai ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung bị thiệt hại nặng nề bởi đợt mưa, lũ vừa qua.

Mỗi cán bộ trong cơ quan ủng hộ ít nhất một ngày lương nhằm chia sẻ khó khăn, giúp đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: việc quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung ruột thịt bị thiệt hại do bão, lũ gây ra thể hiện sâu sắc tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, chia sẻ trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Ngay sau khi phát động, số tiền đã quyên góp được để ủng hộ đồng bào miền trung là 175 triệu đồng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ phát động cán bộ, công chức trong toàn ngành ở cả trong và ngoài nước quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao quyên góp đợt hai ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tại các tỉnh miền trung, với số tiền 100 triệu đồng và đã trao cho Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để sớm chuyển đến đồng bào vùng bị ảnh hưởng. Ðợt 1 cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao đã ủng hộ 200 triệu đồng thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn hỗ trợ chín ngư dân trên tàu QNg 66478 TS- mỗi ngư dân năm triệu đồng ngay sau khi họ được đưa về huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tỉnh Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình cấp 500 phần quà tại xã Minh Hóa (huyện Tuyên Hóa); cấp 40 tấn gạo cho huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa; chuẩn bị 15 tấn gạo phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng chuyển gạo lên hai xã của huyện Bố Trạch, phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh chuyển và cấp phát kịp thời 800 suất quà trị giá 400 triệu đồng cho các xã tại huyện Lệ Thủy, phát 400 gói hàng cứu trợ khẩn cấp cho huyện Lệ Thủy và 500 phần quà cho huyện Tuyên Hóa. Sáng 19-10, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã tổ chức lễ quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và đã quyên góp được tám triệu 164 nghìn đồng. Trước đó, Ban Cứu trợ tỉnh đã trích từ nguồn Quỹ cứu trợ của tỉnh số tiền 300 triệu đồng trợ giúp nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh 100 triệu đồng, Quảng Bình 50 triệu đồng, Quảng Trị 50 triệu đồng, Nghệ An 50 triệu đồng và Thừa Thiên - Huế 50 triệu đồng. Tập đoàn Vingroup quyết định triển khai chương trình ủng hộ và cứu trợ các tỉnh miền trung bị lũ lụt số tiền hơn năm tỷ đồng. Ngoài ra, Vingroup cũng chỉ đạo Quỹ từ thiện - xã hội của Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt ủng hộ thêm một tỷ đồng. Tập đoàn Hà Ðô đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ và tổ chức đoàn cán bộ mang 175 triệu đồng và vật phẩm đến ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung.

Tổng Hội người Việt Nam tại Lào cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Khăm Muộn (Lào) đã quyên góp được 70 triệu đồng và chuyển về nước để giúp đồng bào miền trung đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi lũ lụt. Trước đó, Ðại sứ quán Việt Nam tại Lào đã quyên góp hơn 120 triệu đồng và Tổng Hội người Việt Nam tại Lào quyên góp được 50 triệu đồng để giúp đồng bào trong nước đang vật lộn đối phó với lũ lụt. Ðại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cũng cho biết, đã chuyển gần 700 USD để ủng hộ đồng bào tỉnh Quảng Bình đang bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.

Ðể khắc phục hậu quả của bão lũ và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bùng phát dịch bệnh, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ngày 19-10 có công văn khẩn gửi sở y tế và các công ty dược trung ương 1, 2 và 3 thực hiện các biện pháp nhằm không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại các tỉnh vùng lũ. Sở y tế chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm, khoa dược của các cơ sở khám, chữa bệnh trong phạm vi địa bàn chuẩn bị cung ứng đầy đủ các loại thuốc để phòng, chống dịch bệnh, các loại thuốc khử trùng để vệ sinh môi trường và cung cấp nước sạch; không để tình trạng thiếu thuốc, lợi dụng tình hình bão lũ để gây biến động tăng giá thuốc. Cục Quản lý dược sẽ trực thường xuyên để giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc phòng, chống thiên tai, bão lụt khi có đề nghị nhập khẩu của các đơn vị theo đúng quy định.


nhandan

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cuộc sống nơi vùng lũ
Mưa lũ dồn dập khiến mực nước các sông tại Quảng Bình lên mức cao nhất trong hàng chục năm nay. Đường vào nhiều thôn, xã chìm trong biển nước, bị cô lập hoàn toàn. Người dân dõi mắt trông chờ đoàn cứu trợ đi qua.
20/10/2010
Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đoàn và tuổi trẻ
Sáng 15-10, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập Đoàn dự kiến có 60 hoạt động diễn ra trong Năm thanh niên 2011, trong đó có Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam diễn ra trong ba tháng từ trung tuần tháng 10-2010 đến hết 30-1-2011.
19/10/2010
Trường Chính trị tỉnh với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
HGĐT- Trong những năm qua, đội ngũ nữ cán bộ giảng viên, công chức, viên chức và lao động trường Chính trị luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên và có những đóng góp to lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
18/10/2010
Một cuộc vận động - muôn vạn niềm vui
HGĐT- Sau một năm triển khai Cuộc vận động ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo về giống gia súc nuôi luân chuyển, phản nằm và màn của BTV Tỉnh ủy, đã có hàng chục nghìn hộ nghèo nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm. Cuộc vận động đậm chất nhân văn này có sức lan toả lớn, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và đã mang lại muôn vạn
18/10/2010