Tháo gỡ khó khăn trong quá trình sắp xếp, bố trí dân cư
HGĐT- Tại Hội nghị sơ kêt 3 năm thực hiện Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh được tổ chức đầu năm nay, các đại biểu về dự đều khẳng định: Quyết định 193/QĐ-TTg là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
Ngay khi có Quyết định và văn bản hướng dẫn của bộ, ngành T.Ư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, các huyện, thị tập trung thực hiện, đồng thời triển khai xây dựng, phê duyệt phương án, dự án, quy hoạch tổng thể chương trình bố trí dân cư, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm. Các phương án, dự án được triển khai, cơ bản đã giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng khó khăn; các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới đều yên tâm lao động sản xuất, có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc; một số huyện đã hỗ trợ kinh phí, huy động lực lượng giúp dân di chuyển nhà nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Thực hiện Quyết định 193, tỉnh ta đã hoàn thành quy hoạch tổng thể bố trí dân cư với mục tiêu đến năm 2015 cơ bản bố trí ổn định cho 18.830 hộ dân với 94.451 khẩu thuộc các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng phòng hộ. Trong đó, bố trí ổn định tại chỗ cho 12.603 hộ, tại các điểm tái định cư tập trung và xen ghép 6.227 hộ. Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bố trí dân cư 1.284,2 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp 1.103,2 tỷ đồng, vốn đầu tư gián tiếp trên 64,3 tỷ đồng, vốn dự phòng 116,7 triệu đồng. Việc quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, bảo vệ an ninh biên giới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 25 dự án, phương án (18 dự án tập trung cho 930 hộ, 7 phương án di chuyển xen ghép cho 386 hộ) sắp xếp bố trí nơi ở mới cho 1.316 hộ với tổng số vốn đầu tư trên 262 tỷ đồng. Hiện có 8 dự án, phương án đã thực hiện xong việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 390 hộ; 17 phương án, dự án đang thực hiện nhằm bố trí ổn định dân cư cho 926 hộ. Nhìn chung, các dự án, phương án được triển khai đúng quy định, đúng mục đích, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư đang gặp nhiều khó khăn: Một số dự án, phương án chưa thể hiện được số hộ hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; một số đã được cấp kinh phí nhưng việc tổ chức thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nguyên nhân của tình trạng trên do đa số các chủ đầu tư chưa thành lập được BQL dự án, phương án theo quy định nên đã giao các hạng mục cho từng đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý chưa chặt chẽ, các chủ đầu tư chưa thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định, nội dung báo cáo chưa theo đúng đề cương hướng dẫn của đơn vị quản lý cấp tỉnh; một số phương án thực hiện nhưng không có biên bản thẩm định thực tế nên hạng mục đầu tư không phù hợp với nội dung chương trình; các cán bộ làm công tác quy hoạch, bố trí dân cư ở cấp huyện chưa có sự phân công cụ thể; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình bố trí dân cư; việc bố trí vốn thực hiện chương trình thời gian qua chủ yếu từ nguồn T.Ư cấp, việc huy động vốn đầu tư của các tổ chức khác rất khó, không đáp ứng được so với yêu cầu; địa bàn tổ chức thực hiện chủ yếu ở những vùng khó khăn, việc hỗ trợ đầu tư cho hộ di chuyển theo mùa vụ, theo phong tục địa phương nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Trong quá trình thực hiện, một số dự án, phương án, chủ đầu tư quá chú trọng đến việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, xem nhẹ việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân. Theo Quyết định 78 của Chính phủ quy định một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình khai hoang xây dựng đồng ruộng 7 triệu đồng/ha, khai hoang tạo nương cố định 4 triệu đồng/ha. Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy, sóng thần được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy, sóng thần; vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng; hộ thuộc diện nghèo sống du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước...di chuyển trong nội vùng dự án được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, di chuyển trong nội tỉnh đến vùng dự án là 12 triệu đồng/hộ, di chuyển ra ngoài tỉnh đến vùng dự án 15 triệu đồng/hộ. Hộ gia đình được bố trí ổn định ở các xã biên giới đất liền Việt - Trung di chuyển đến thôn, bản giáp biên giới là 30 triệu đồng/hộ; di chuyển đến thôn, bản khác trong xã biên giới cùng huyện 20 triệu đồng/hộ... Nhưng ở một số phương án, dự án, các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân chưa thực sự được quan tâm.
Những hạn chế trên cần sớm có giải pháp khắc phục để các dự án, phương án bố trí, sắp xếp dân cư nhanh chóng được triển khai, góp phần ổn định đời sống người dân, tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH phát triển.
Ý kiến bạn đọc