Nước về, hạnh phúc đến

17:37, 15/09/2010

HGĐT- Đồng Văn là một trong 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh ta đã bao đời nay phải đối mặt với sự gian nan, cực nhọc trong việc tìm nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Thiếu nước sinh hoạt; thiếu nước, thiếu đất sản xuất cùng với muôn vàn khó khăn đã kéo theo kinh tế - xã hội nơi đây vì thế mà chậm phát triển.


Việc giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân luôn là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền huyện. Bằng nhiều nguồn lực, sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh “cơn khát truyền kiếp” ở Đồng Văn đã phần nào được giải quyết, làm dịu bớt nỗi cơ cực của nhân dân.

 

 Hồ treo Sính Lủng trong đợt hạn hán kéo dài cũng bị cạn kiệt nguồn nước.


ÁM ẢNH CỦA NGƯỜI DÂN:

Gặp bất kỳ người nào sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Đồng Văn đầy gian khó này, hỏi họ về chuyện đi tìm nước, địu nước để tồn tại là cả một câu chuyện dài về sự nhọc nhằn, tạo nên nỗi ám ảnh không thể phai mờ trong tâm trí họ.


Mùa khô ở Đồng Văn thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, trong khoảng thời gian đó hoạ hoằn lắm mới có được những trận mưa phùn. Năm nào “ông giời” hà khắc thì triền miên mấy tháng liền không có một giọt mưa. Nguồn nước trong thời gian này 100% người dân phải dựa vào các hố nước tự nhiên (là những hố đá, nước không thể thấm thấu được, chỉ có thể bay hơi) được dự trữ từ mùa mưa trước và mạch nước ngầm vô cùng hiếm hoi, thường nằm ở những nơi khuất nẻo, xa khu dân cư. Để có một can nước 20 lít phục vụ gia đình trong một ngày, mỗi hộ phải cử 1 hoặc 2 lao động đảm nhiệm công việc này. Đầu mùa, quãng đường còn gần, nhưng càng về cuối mùa khô, quãng đường gùi nước càng xa, càng hiểm trở. Những người lấy nước phải đi hàng buổi, hàng ngày đường lúc lên dốc, khi xuống đèo men theo ngọn đá tai mèo sắc nhọn. Họ trở về, trên lưng, can nước lúc đầy, khi chỉ được hơn nửa lầm lũi đi trong buổi chiều trạng vạng lạnh tê khí núi mà lưng áo vẫn đẫm mồ hôi. Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, trong cái buốt giá của mùa Đông vùng cao, ánh đèn, ánh đuốc, quẩy tấu, can nước lại theo người tìm đếnnguồn nước. Quãng đường có thể sẽ xa hơn, thời gian sẽ lâu hơn, có thể nửa đêm mới về đến nhà vì hố nước hôm qua đã vét hết, phải tìm đến nguồn nước khác. Đôi chân người tìm nước cứ thế, đi hết cả mùa khô.


Nước sinh hoạt còn thiếu là thế, lấy đâu ra nước để sản xuất, chính vì vậy, ở Đồng Văn các loại cây lương thực chỉ gieo trồng được 1 vụ. Mùa khô, ruộng ngô, nương lúa chỉ dành cho cỏ dại, sống lay lắt giữa sương mùa và gió núi. Con bò, con dê, con gà, con lợn không được uống đủ nước cũng trở nên còi cọc, chậm lớn nên cái đói, cái nghèo cứ theomãi không thôi.


NỖI NIỀM CỦA CÁN BỘ:

Họ là công an, bộ đội, giáo viên, y sỹ... được phân công công tác tại các xã của huyện Đồng Văn, người ít thì vài năm, người nhiều thì gần 20 năm cống hiến cho vùng cao nguyên đá này. Hơn ai hết họ thấu hiểu những khó khăn, gian khổ của người dân nơi đây vì chính họ cũng phải đối mặt với những khó khăn đó.


Chúng tôi đến xã Sủng Trái, một trong những xã khó khăn nhất, thiếu nước nhất của huyện Đồng Văn vào tháng 3, gặp đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Chiểu, sau những lời xã giao, chúng tôi bắt tay vào trao đổi công việc. Trong quá trình làm việc, tôi cảm nhận được sự nôn nóng, bất an về điều gì đó của Bí thư Đảng ủy xã vì thấy anh luôn trong tình trạng “đứng ngồi không yên”. Thì ra, buổi chiều hôm đó, xã có hội nghị quan trọng, để phục vụ hội nghị, xã đã hợp đồng mua nước từ huyện Mèo Vạc về vì nước dự trữ trong bể nước của UBND xã chiều cao chỉ hơn 5 cm, không thể phục vụ được hội nghị. “Hợp đồng mua nước từ hôm qua, bây giờ vẫn chưa thấy họ đến, không biết có sự cố gì không. Chúng tôi không thể hỏi qua điện thoại di động vì ở đây chưa có sóng!”, Bí thư Đảng ủy xã suốt ruột nói. Đó là việc công. Còn việc riêng, hầu hết cán bộ xã ở xa nhà, phải nghỉ lại trụ sở thì 1 tuần giành ngày thứ bảy, chủ nhật để đi tìm nơi... tắm gội và giặt quần áo.Vừa công, vừa riêng không ai khổ sở hơn đội ngũ giáo viên ở điểm trường khi mùa khan nước đến. Chậu nước nhỏ vừa đánh răng, rửa mặt, vừa vo gạo, rửa rau... mới tưới cây dùng làm mô hình trực quan dạy học sinh. Thương thầy, cô giáo nhiều phụ huynh, học sinh tằn tiện mang biếu vài ba quả trứng, mớ rau cải cùng vài pepsi đựng nước! Ngoài sự hỗ trợ khẩn cấp của người dân, đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng phải khẩn cấp mua nước để sinh hoạt, rẻ thì 5.000 đồng/can 20 lít, đắt thì 1.000 đồng/lít.Không riêng ở Sủng Trái mà hầu hết các xã trong huyện đều thường xuyên xảy ra những trường hợp như vậy trong mùa khô.


ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC:

Trước thực trạng thiếu nước trầm trọng, gay gắt của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án lồng ghép tìm những giải pháp để từng bước giải quyết tình trạng này. Từ nhiều năm trước, các chương trình xây bể chứa nước hộ gia đình, lu chứa nước; chương trình Mái nhà, bể nước, con bò... của Trung ương cũng như địa phương đã đến với người dân, người dân đã phần nào giảm bớt những khó khăn. Nhưng từng ấy vẫn còn chưa đủ. Năm 2007, sau chuyến công tác tại tỉnh ta, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định xây dựng 30 hồ treo có thể tích lớn tại 4 huyện vùng cao, trong đó huyện Đồng Văn được đầu tư xây dựng 10 hồ. Hiện nay có 3 hồ do Sở Nông nghiệp – PTNT làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, còn lại 7 hồ, trong đó có 2 hồ Sở Nông nghiệp – PTNT làm chủ đầu tư và 5 hồ do UBND huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn thi công các hạng mục cuối cùng chuẩn bị hoành thành và đưa vào sử dụng. Đây là niềm vui vô cùng to lớn mà Chính phủ mang đến cho người dân vùng cao Đồng Văn, nơi quanh năm hiếm nước, đặc biệt là mùa khô. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bằng các nguồn vốn khác và ngân sách địa phương, từ năm 2008 đến nay, huyện Đồng Văn đã triển khai xây dựng thêm 14 hồ treo có quy mô thiết kế từ 1.400 m3 đến 9.300 m3, trong đó các hồ: Tủng A, xã Lũng Thầu; Tả Phìn B, xã Tả Phìn; Phố Là, xã Phố Là đã bàn giao đưa vào sử dụng. Các hồ: Chứ Phìn, xã Sủng Trái; Sà Phìn A, xã Sà Phìn; Vần Chải B, xã Vần Chải đã hoàn thành chờ bàn giao. Còn lại các hồ khác đang giải phóng mặt bằng hoặc đã khởi công thi công đạt từ 35% đến 85% khối lượng.


Các hồ treo đã mang lại hiệu quả to lớn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân tại trung tâm khu vực có hồ và đồng bào khu vực lân cận. Tuy nhiên, còn rất nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện ở xa hồ treo. Việc lấy nước sinh hoạt của cán bộ, nhân dân khu vực này chưa được cải thiện nhiều lắm, vẫn thường xuyên đi lấy nước trong mùa khô theo kiểu “truyền thống” nên mong muốn lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền huyện cũng như cán bộ, đồng bào khu vực này là được đầu tư xây dựng các hồ nhỏ phù hợp nhu cầu bức thiết của người dân tại khu dân cư.


Có thể nói, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã hết sức quan tâm và tìm nhiều biện pháp để giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao vì thấu hiểu sự khó khăn của nhân dân và cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của đồng bào khi có đủ nước sinh hoạt trong mùa khô nơi vùng đất khó.


AN DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc thành công tốt đẹp
Sáng qua tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức họp báo công bố kết quả và tổng kết chương trình Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc diễn ra từ ngày 25 - 29.8 tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc).
31/08/2010
Phấn đấu thông xe cầu Trung Thành đúng dịp quốc khánh 2.9
HGĐT- Dự án công trình đường từ km 27 Quốc lộ 2 - ngã ba Trung Thành đi Bạch Ngọc (Vị Xuyên) và cầu Trung Thành được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư trên 22,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn JBIC của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng ngân sách địa phương.
30/08/2010
Xây dựng xã Yên Bình trở thành thị trấn huyện trong tương lai
HGĐT- Kể từ khi được chọn làm trung tâm huyện Quang Bình, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình nói chung và xã Yên Bình nói riêng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua mọi khó khăn thách thức, vươn lên phát triển toàn diện và duy trì ở nức tăng trưởng kinh tế cao. Với vị thế và sức bật toàn diện đó, huyện Quang Bình đã xây dựng lộ trình và đầu tư xây
30/08/2010
Khoan thành công nguồn nước ngầm hang Tò Đú
HGĐT- Công trình khai thác nước ngầm hang Tò Đú, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) có tổng vốn đầu tư trên 9,8 tỷ đồng, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là liên doanh giữa Công ty TNHH Bảo Cường - Công ty Cổ phần Khảo sát địa chất và Môi trường Hà Nội.
30/08/2010