Cờ tổ quốc mãi bay trên đỉnh trời cực Bắc
HGĐT- ĐỨNG BÊN CỘT CỜ QUỐC GIA LŨNG CÚ MỚI ĐƯỢC KHÁNH THÀNH SAU NHỮNG THÁNG NGÀY ĐƯỢC TRÙNG TU, TÔN TẠO NƠI MẢNH ĐẤT ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC CÀNG CẢM NHẬN SÂU SẮC HƠN HỒN THIÊNG SÔNG NÚI ĐẤT VIÊT. LÁ QUỐC KỲ RỘNG 54 MÉT VUÔNG, TƯỢNG TRƯNG CHO 54 DÂN TỘC VIÊT NAM "CƯỠI" GIÓ BIÊN THÙY NGẠO NGHỄ TUNG BAY, KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN QUỐC GIA, SỰ TRƯỜNG TỒN CỦA DÂN TỘC.
Lũng Cú là địa danh được vinh dự có Cột cờ đánh dấu chủ quyền thiêng liêng nơi cực Bắc của Tổ quốc, là nút thắt cuối cùng trên đỉnh “chóp nón” của bản đồ Việt Nam hình chữ S. Nơi đây, ngàn đời nay, trên độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, đồng bào các dân tộc đã can trường vượt lên hết khó khăn này đến khó khăn khác để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; lao động, sản xuất, chăm sóc mùa màng; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cột cờ Lũng Cú đã được hình thành và lưu giữ qua nhiều thời đại. Từ những năm 1977 trở về trước, vẫn trên đỉnh núi Rồng, lá cờ Tổ quốc ngày đêm tung bay trong gió, tuy chỉ được treo trên chiếc cột gỗ nhỏ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao giông bão, mưa trắng, nắng đổ của thiên nhiên nhưng vẫn kiêu hãnh khẳng định chủ quyền Quốc gia. Đến năm 1978, tập thể lãnh đạo huyện Đồng Văn, trực tiếp là đồng chí Hùng Đình Quý (khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện) đã có ý tưởng tôn tạo lại Cột cờ Lũng Cú cho xứng với vị trí, tầm vóc của mình. Theo ý tưởng đó, hơn 20 trai tráng khỏe mạnh vào rừng tìm cây Sa mộc to nhất, đẽo thành cột có đường kính 20 cm, chiều cao 12 m dựng trên đỉnh núi Rồng. Để tương xứng với cột, lá cờ cũng được bác Hùng Đình Quý trăn trở. Chiều rộng bao nhiêu, chiều dài bao nhiêu? bác nghĩ, đất nước ta có 54 dân tộc, nên chăng ta may lá cờ rộng 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc luôn đoàn kết chung sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi bàn bạc, thống nhất, lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9 m, chiều rộng 6 m ra đời. Từ đó, lá cờ mang nhiều ý nghĩa này đã tung bay với gió lộng, nắng vàng và mênh mang núi đá trên đỉnh trời cực Bắc. Từ 1978 đến nay, cột cờ đã nhiều lần thay đổi từ cột gỗ sang cột sắt, rồi cột xây vào năm 2002. Đến năm 2009, Cột cờ Lũng Cú được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia. Tháng 3.2010, tỉnh ta đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, nâng cấp để tăng thêm giá trị, ý nghĩa lịch sử của công trình.
Sau gần 7 tháng miệt mài thi công với tất cả tình cảm, trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào của các cấp, các ngành tham gia xây dựng công trình trùng tu, tôn tạo Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, ngày 25.9.2010, Lễ khánh thành công trình được tổ chức long trọng với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương và đông đảo đồng bào các dân tộc trong huyện Đồng Văn, trong xã Lũng Cú với những gương mặt tươi mới, trong những bộ trang phục dân tộc truyền thống tinh khôi, trong không gian rợp cờ hoa, trong tâm hồn hồ hởi. Giữa buổi sáng se lạnh cuối Thu của tháng Chín lịch sử, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú cao 33,15 mét đứng uy nghi, hùng tráng giữa mây trời biên giới. lá cờ đỏ, sao vàng 54 mét vuông bung mình vẫy gió trên một tầm cao mới, làm sáng bừng cả vùng biên cương thân yêu của Tổ quốc.
Với vị trí, tầm vóc và niềm kiêu hãnh của cả đất nước, mỗi người dân nước Việt khi đứng ở đây, bên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, dưới lá cờ Tổ quốc bay mãi trên đỉnh trời không ai không dâng trào cảm xúc thiêng liêng, ngoài lòng tự hào, tự tôn dân tộc thì cảm nhận thấy đất nước mình thật bao la, hùng vĩ, dân tộc mình thật kiên cường bất khuất sẽ chảy mãi trong tim, trong máu thịt mỗi con người.
Ý kiến bạn đọc