Về Nàn Ma kể chuyện “Tây Tiến”

07:19, 19/08/2010

HGĐT- Tháng 8, mọi người Việt Nam ở trong nước hoặc đang sinh sống khắp 5 châu 4 biển đều tự hào về dân tộc, về Đảng, Bác Hồ kính yêu. Cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc, lật đổ ách thống trị gần 1 thế kỷ của thực dân xâm lược, xóa bỏ sự đè nặng của chế độ phong kiến ngàn năm, làm thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đưa nhân dân ta, đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc, tiến lên XHCN, do dân làm chủ.


 
 Nàn Ma - di tích Quốc gia xếp hạng - rất cần được đầu tư xây dựng cho xứng tầm.

Mang trong mình niềm tự tôn dân tộc, tôi tìm về Nàn Ma (Xín Mần) - nơi di tích lịch sử Quốc gia còn ghi dấu ấn của một thời “Tây Tiến” được Đảng ta phát động trong chiến dịch ngăn chặn mưu đồ phản động mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ra miền Bắc từ tháng 11.1945 mà trọng tâm của cuộc chiến lại nằm trong những năm 1950 – 1952 chiến dịch tiễu phỉ “Đông tây tập đoàn”.


MỘT THỜI MÁU VÀ HOA.

Theo tài liệu biên soạn của Thạc sĩu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang và ông Hoàng Ngọc Lâm nay đã ngoài 80 tuổi, nguyên là Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì (trước năm 1965 Hoàng Su Phì với huyện Xín Mần là một) cho biết: Chiến dịch tiễu phỉ “Đông tây tập đoàn” là chiến dịch truy quét tàn quân gồm những phần tử chống đối cách mạng nổi dậy, cấu kết với bọn phản động bên ngoài là thực dân Pháp và Mỹ là chiến dịch lớn của Đảng ta. Cao điểm của chiến dịch được bắt đầu từ những năm 1950 khi quân Pháp thua trận trong chiến dịch biên giới. Cay cú và ngoan cố, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của Mỹ chúng chuyển hướng từ xâm lăng sang chính sách dùng “người Việt trị người Việt”. Ở vùng dọc biên giới phía Bắc chạy dài từ Điện Biên, Lai Châu sang Bắc Hà (Lào Cai) đến Hà Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn... chúng xúi giục tàn quân bại trận theo Pháp trong chiến dịch biên giới 1950, lôi kéo bọn phản động lưu vong, kết hợp với phỉ địa phương cấu kết tàn quân quốc dân Đảng nổi loạn ở các vùng tự do cách mạng của ta, chống lại chính quyền cách mạng non trẻ, chống lại nhân dân. Ở khu vực Hoàng Su Phì, Xín Mần nổi loạn, phản loạn của tổ chức thổ phỉ Hạng Sào Chúng và tàn quân quốc dân Đảng, bọn tàn quân nổi loạn địa phương đã dựng Cờ trắng cướp bóc, tàn sát đồng bào ở các xã: Pố Lồ, Bản Máy, Bản Cậy, Trung Thịnh từ ngày 18 đến 22.10.1950. Đến ngày 25.10.1950, Hạng Sào Chúng cùng bọn phỉ tấn công lực lượng của cách mạng chiếm đánh sang Lao Chải (Vị Xuyên) chiếm Lao Chải và Lùng Chu Phìn (Hoàng Su Phì). Ngày 27.10.1950, bọn phỉ do Hạng Sào Chúng và lính Bảo an cũ của Pháp gồm 300 tên bao vây đánh vào Đồn Bản Máy. Ngày 28 – 29.10.1950 phỉ chiếm Cốc Pài, Xín Mần. Sau hơn 1 tháng chống phá cách mạng, làm hại đồng bào bọn Phỉ đã lấn chiếm tới ¾ đất đai huyện Hoàng Su Phì (cũ). Tính đến tháng 11.1950 lực lượng phỉ có gần 1.000 tên được trang bị cả súng cối 60 ly, 10 súng máy, 600 súng trường Mỹ còn lại là súng kíp, hỏa mai.


 

 Một góc xã Nàn Ma.


Trước tình hình trên, T.Ư nhận định cục diện cuộc chiến và quyết tâm tiễu phỉ lấy tên mặt trận đập tan chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp, đứng sau là Mỹ nhằm dùng người Việt trị người Việt mà lực lượng phỉ do tên Hạng Sào Chúng làm trùm sỏ. Đầu tháng 12.1950 chiến dịch tiễu phỉ “Đông Tây tập đoàn” bắt đầu nổ ra ở Hà Giang. Ngày 18.12.1950 quân và dân ta bao vây 12 vị trí đóng quân của phỉ vừa đánh vừa gọi hàng. Đến cuối tháng 1.1951 ta đuổi phỉ ra khỏi các vị trí phía Bắc Hoàng Su Phì làm chúng chạy sang Bắc Hà (Lào Cai), còn một bộ phận tàn quân nhỏ cố thủ tại xã Pố Lồ, một số ra hàng cách mạng. Song được sự hậu thuẫn của Pháp, các thế lực phản động khác bọn phỉ đã ngoan cố chống phá cách mạng. Đứng đầu lúc này là xếp Vần, xếp Sần ở Hoàng Su Phì đã nhen nhóm tập hợp gần 500 tàn quân đốt phá, cướp bóc, ức hiếp dân lành, xuyên tạc chống cách mạng. Gần 3 tháng từ tháng 7 – 9.1951, chúng đã tổ chức gần 500 vụ cướp của, giết người ở Tụ Nhân, Tân Tiến, Bản Máy, Pố Lồ, Bản Díu... gây nhiều tai họa cho đồng bào yêu nước. Trước tình hình trên, T.Ư và Khu ủy Việt Bắc, quân dân Hà Giang, Lào Cai phối hợp mở chiến dịch “Đông Tây tập đoàn” tiễu phỉ, trừ gian từ ngày 12.5.1952 đến tháng 10.1952. Lực lượng quân dân ta phối hợp với quân giải phóng Trung Hoa đã tập trung lực lượng đánh thẳng vào sào huyệt của phỉ, quét chúng dọc biên giới Việt Trung. Tham gia chiến dịch chính là lực lượng Trung đoàn 148, bộ đội địa phương Lào Cai, 2 Đại đội chủ lực của Hà Giang, 1 Đại đội ở Mường Khương, 1 Đại đội ở Bắc Hà. Tham gia chiến dịch “Đông Tây tập đoàn” còn có 12 chiến sỹ văn công (Đội tuyên văn) của Trung đoàn 148 làm công tác tuyên truyền, cổ vũ động viên chiến dịch tiễu phỉ trừ gian. Đoàn công gồm 12 thành viên do Nguyễn Quang Tạo làm đội trưởng. Các thành viên trong đoàn gồm: Đỗ Tùng, Nguyễn Văn Sự, Hà Văn Cầu, Nguyễn Văn Miên, Dương Bách Niên, Lê Văn Chương (nhạc công), Nguyễn Thị Hảo mang theo đứa con gái Lê Thị Hải 5 tuổi, Nguyễn Văn Thịnh, Trần Đình Ngà (ghi ta), Nguyễn Viết Đàm (chụp ảnh). Đoàn do anh Dương Bách Niên làm chính trị viên. Nhật ký của anh Đỗ Tùng, nguyên Trung tá QĐND, thành viên của đoàn Tuyên văn còn để lại. Sau gần 5 tháng biểu diễn phục vụ cho bộ đội ta tiễu phỉ, đoàn Tuyên văn được lệnh rút về Lào Cai. Và trên đường rút, đoàn đã nghỉ lại xã Nàn Ma biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sỹ ta rồi bị phục kích, bọn phỉ đã giết chết 11/12 chiến sỹ của đoàn tại ngôi nhà ông Giàng Seo Dìn đêm 15.5.1952, rồi ném xác xuống hố sâu gần đó. Những lời hát cuối cùng còn ghi: “... Binh đoàn ta 148 tiến lên. Sơn La từ xa xưa gian khó trường kỳ – xưa Mường Khương, Than Uyên chiến thắng chớ quên – Sầm Tớ, Pha Long, ầm tiếng súng sáng ngời...”. Cả 11/12 con người trung hiếu, những chiến sỹ tuyên truyền tiên phong của cách mạng đã hy sinh ở đất Nàn Ma (Xín Mần) để cho góp sức cuộc chiến “Đông Tây tập đoàn” trong chiến dịch Tây Tiến đến thắng lợi vẻ vang, thu về một vùng giang sơn dọc Bắc Việt Nam giải thoát khỏi nạn thổ phỉ cấu kết với bọn phản động lưu vong Cờ trắng, đứng sau là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.


NÀN MA VÀ DI TÍCH LỊCH SỬ.

Bồi hồi tôi cùng anh cán bộ trẻ xã Nàn Ma đến bên Bia Tổ quốc ghi công. Một thời máu và hoa của thế hệ các anh chị Tuyên văn cùng cha ông ta giữ gìn nền độc lập đã qua. Giờ đây, đứng bên Bia ghi di tích lịch sử Nàn Ma đã 58 năm trôi qua còn đó. Xin cúi đầu trước vong linh các anh chị đã xả thân vì nước để thế hệ chúng tôi đi sau nối tiếp, kế tiếp truyền thống yêu nước đó. Chiếc hố sâu hình miệng phễu ném xác khi xưa còn đó. Trong vòm xanh của tre trúc măng vầu một chiếc lư hương của bà con Xín Mần, của Nàn Ma hình như vẫn đượm khói. Ai đó đã đến đây từng ngày thắp nén hương thơm, tỏ lòng thơm thảo của toàn dân dành cho các anh, các chị!? Còn hôm nay, kế tiếp các anh, chị làm công tác tuyên truyền của Đảng chúng tôi cũng đã về đây. Về xứ sở của vùng cách mạng một thời máu lửa để ghi lại chiến công hào hùng của thời Tây Tiến, để ghi lại chiến công các anh, chị đã nằm lại Nàn Ma để cho đất này đơm hoa, kết trái. Ông Giàng Seo Sùng, năm nay 65 tuổi, cháu nội ông Giàng Seo Dìn khi xưa có ngôi nhà đã để cho đoàn Tuyên văn nghỉ chân bị bọn phỉ phục kích giết hại kể lại chuyện các năm ở Nàn Ma cho hay: Chả năm nào lỡ dịp, cứ tháng 5, tháng 7, tháng 8 bà con trong xã đều đến đây hương khói cho Đoàn Tuyên văn. Chỉ tiếc điều đã năm mươi mấy năm rồi, bà con trong vùng mong có được một nhà bia to một chút để ghi công, ghi tên các anh chị trong đoàn cho con cháu sau này soi mình vào đó để mà đoàn kết, giúp nhau làm ăn, lo giữ gìn đất đai do tổ tiên, cha ông để lại! Mong lắm có cái nhà bia kia anh ạ! Dẫn tôi đến bên cái “miệng phễu” khi xưa ông Sùng cho biết: Năm mươi mấy năm, nền nhà ông tôi Giàng Seo Dìn, cái hố đây vẫn còn đấy. Hãy giữ nó lại, để cho vong linh các anh chị ở đây với dân làng Nàn Ma, để mà xem sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất này. Nàn Ma khia xưa có 60 hộ, nay đã trên 200 hộ, 85% đồng bào Mông sinh sống. Qua một chặng dài phát triển, Nàn Ma đã mang trên mình diện mạo mới. Hạ tầng cơ sở được xây dựng to đẹp từ: Trường học, trạm y tế, nhà làm việc của chính quyền xã. Đường xe về cả 8 thôn bản. Điện phủ kín, sóng ti vi, ra đi ô đến muôn nhà. Bò Nàn Ma to đẹp nhất trong 11 huyện, thị đang trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã. Mận hậu Nàn Ma nổi tiếng thơm ngon trong cả nước. Rau quả, su su Nàn Ma, thảo quả Nàn Ma... đã dần trở thành thương hiệu trong tiêu dùng. Người Nàn Ma lam làm, sống thân thiện trở thành xã có người thọ cao kỷ lục nhất tỉnh Hà Giang và nhất vùng Bắc Việt Nam này đấy. Cựu Bí thư Đảng ủy xã Thào Seo Lừ đã từng nhận xét: Người Nàn Ma hôm nay đã và đang cố gắng sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đoàn Tuyên văn khi xưa trong đoàn quân “Tây Tiến” và họ đã và đang sống như thế. Về Nàn Ma trong dịp tháng 8 lịch sử này dù ít nhiều tôi cũng đã được nghe, được nhìn thấy, được hồi tưởng lại một thời kỳ lịch sử trong chiến dịch Tây Tiến, tiễu phỉ khi xưa. Dù rất nhỏ thôi cũng đã chứng kiến những đổi thay về đất, về người của xứ sở một thời máu lửa, một thời “máu và hoa” của dân tộc trong chặng đường theo Đảng đấu tranh vì nền độc lập dân tộc. Tháng 8 ghi lại cũng là để nhớ và tri ân với những người đi trước. Song cũng còn có trăn trở về một di tích xếp hạng Quốc gia đã qua 58 năm vẫn chưa được đầu tư xây dựng cho xứng tầm đất nước. Đât nước 1.000 năm Thăng Long, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và nhiều sự kiện trọng đại nữa đang diễn ra trên con đường đổi mới của Đảng, Bác đã chọn, lãnh đạo đất nước. Tây Tiến khi xưa, Nàn Ma hôm nay vẫn còn sáng mãi trong lòng dân tộc.


NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Viết tiếp bài báo "Những khó khăn của người dân hạ sơn thôn Minh Lập"
HGĐT- Bài báo “Những khó khăn của người dân hạ sơn thôn Minh Lập” đăng Báo Hà Giang ra ngày 10.5.2010, chúng tôi có đề cập đến Dự án (DA) di dân tái định cư giai đoạn do UBND huyện Bắc Quang làm chủ đầu tư (trước do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư) nhằm ổn định cuộc sống cho người dân với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng, di chuyển 25 hộ đồng bào dân tộc ở vùng cao huyện Mèo Vạc về thôn
19/08/2010
Trưởng thành từ những chuyến lên đường
Tối 15-8, tại Công viên Đầm Sen (quận 11, TPHCM), T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chương trình kỷ niệm 10 năm phong trào Thanh niên - Sinh viên - Học sinh tình nguyện.
18/08/2010
Vẫn vẹn nguyên tình yêu Hà Nội
HGĐT- Tháng 10 tới, Hà Nội - Thủ đô thân yêu, trái tim của cả nước chính thức gia nhập câu lạc bộ các thành phố nghìn năm tuổi. Một nghìn năm là quãng thời gian dài, phản ánh rõ nét sự phát triển của Hà Nội từ khi vua Lý Công Uẩn quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long.
16/08/2010
Tuổi trẻ Hà Giang khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện
HGĐT- Tuổi trẻ Hà Giang những năm qua đã khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện thông qua nhiều hoạt động sôi nổi vì cuộc sống cộng đồng, cũng như tham gia thực hiện tốt các phong trào hoạt động đoàn thanh niên, từ đó góp sức xây dựng quê hương Hà Giang đổi mới.
13/08/2010